Thiết bị số trong trường học làm loãng vai trò của giáo viên?

GD&TĐ - Nhằm tăng trải nghiệm học tập của học sinh, nhiều quốc gia châu Á đã thúc đẩy đưa thiết bị công nghệ 4.0 vào trường học. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đặt ra câu hỏi: Công nghệ đang hỗ trợ hay làm loãng vai trò của người thầy?

Học sinh một trường tiểu học tại Shibuya, Nhật Bản, sử dụng máy tính bảng trong giờ học. Ảnh: Japan Go
Học sinh một trường tiểu học tại Shibuya, Nhật Bản, sử dụng máy tính bảng trong giờ học. Ảnh: Japan Go

Học Địa với kính thực tế ảo

“Theo các em, mực nước biển dâng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Công viên Bờ Đông và với cuộc sống của người dân Singapore?”, giáo viên môn Địa lý Shirin Shaik, Trường THCS Compassvale, đặt câu hỏi.

Phía dưới lớp, học sinh bắt đầu mở máy tính xách tay (do nhà trường cung cấp), truy cập vào dịch vụ bản đồ số Google Maps trên Internet và tra cứu hình ảnh thật của Công viên Bờ Đông – được ghi lại từ vệ tinh toàn cầu. Sau khi quan sát và thảo luận nhóm, từng học sinh điền câu trả lời trong trang web Padlet. Các câu trả lời lập tức xuất hiện trên màn chiếu của cô Shirin và cả lớp có thể theo dõi câu trả lời của bạn bè.

Hết phần thảo luận, cô giáo chuyển sang trình chiếu video phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long tại Lễ mít tinh Quốc khánh năm 2019 khi ông nói về mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và cách đối phó của Singapore. Đó là cách học sinh Trường THCS Compassvale bắt đầu tiết học Địa lý với chủ đề Môi trường ven biển.

Quay trở lại câu hỏi đầu giờ, học sinh đưa ra một số kiến nghị bảo vệ Công viên Bờ Đông khỏi tình trạng nước biển dâng cao như dựng đê chắn sóng, rọ đá, thảm đá... Trong khi đó, hiện nay Singapore sử dụng phổ biến mô hình đê chắn sóng.

Nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về cấu trúc và cách thức hoạt động của đê chắn sóng, giáo viên yêu cầu các em sử dụng kính thực tế ảo (VR) xem video 360 độ tại khu vực Công viên Bờ Đông lắp đê chắn sóng. Hào hứng với thiết bị mới, học sinh liền mở hộp kính bảo hộ và bắt đầu thao tác sử dụng.

Học sinh Trường THCS Compassvale sử dụng kính thực tế ảo trong giờ học Địa lý. Ảnh: CNA

Học sinh Trường THCS Compassvale sử dụng kính thực tế ảo trong giờ học Địa lý. Ảnh: CNA

Cả lớp dùng điện thoại thông minh quét mã QR trên màn chiếu để truy cập vào video do giáo viên nhà trường thiết kế và đăng tải trên YouTube. Các em kết nối điện thoại với tai nghe không dây và đặt điện thoại phía trước kính VR.

Ngay lập tức, cả lớp đã “có mặt” tại Công viên Bờ Đông còn giáo viên Địa lý là người hướng dẫn buổi tham quan. Trước mắt các em là bờ biển Singapore cùng hàng đê chắn sóng được gia cố vững chắc, tưởng chừng chỉ cần giơ tay ra là chạm đến. Kết hợp với hình ảnh sinh động là tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng chim hải âu chao liệng trên bầu trời.

Sau khi kết thúc buổi học, các em nhỏ vẫn nấn ná thảo luận về khung cảnh tươi đẹp vừa được chứng kiến nhờ công nghệ thực tế ảo. Ngoài ra, các em cũng hiểu rõ về đê chắn sóng cùng những biện pháp bảo vệ Singapore khỏi tình trạng nước biển dâng.

Khi trường học Singapore mở cửa lại sau hai năm học tập bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, ngành Giáo dục nước này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng thiết bị kỹ thuật số trong giảng dạy. Trước đó, Singapore đã đưa công nghệ vào giáo dục nhưng đại dịch Covid-19 có thể coi là “phép thử” giúp các chuyên gia đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng của mô hình này.

Không chỉ học qua Zoom, trẻ em Singapore đã sử dụng nhiều thiết bị công nghệ để nâng cao trải nghiệm học tập. Đến khi trở lại trường, các em mong muốn tiếp tục sử dụng các công cụ hữu ích này nhưng không đánh mất kết nối với mọi người xung quanh. Điều này đặt ra yêu cầu Singapore phải đưa thiết bị công nghệ vào giáo dục đảm bảo hai mục tiêu gồm: Tăng khả năng sử dụng thiết bị công nghệ và tăng tương tác xã hội của người học.

Compassvale là một trong những trường phổ thông Singapore đã giải được bài toán này. Quay trở lại tiết Địa lý, nam sinh Tytus Cheong, chia sẻ: “Cháu rất thích được thảo luận với bạn cùng lớp về bài học vì chúng cháu đã không được trò chuyện thoải mái như vậy khi học trực tuyến. Những cuộc thảo luận giúp bài học thú vị hơn và khiến cháu lấy lại niềm vui học tập”.

Nam sinh cũng bày tỏ ấn tượng khi được sử dụng kính VR tham quan Công viên Bờ Đông thay vì ghi chép bằng sách vở như thông thường.

“Kính VR rất thú vị. Nó cho phép chúng ta quan sát không gian thực dù đang ngồi trong phòng học. Điều này khiến cháu cảm thấy bài học gần gũi hơn với thế giới bên ngoài”, học sinh Sean Lee chia sẻ.

Học sinh Trường THCS Compassvale thảo luận nhóm. Ảnh: CNA

Học sinh Trường THCS Compassvale thảo luận nhóm. Ảnh: CNA

Lớp học 4.0

Nhiều chuyên gia nhận định thiết bị công nghệ đã mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục tại Singapore và thay đổi phương pháp giảng dạy hiện nay. Một trong những khác biệt lớn nhất là máy tính xách tay, máy tính bảng, Kindle (máy đọc sách) đã thay thế sách vở thông thường. Tài liệu học tập được giáo viên chuyển sang dạng sách điện tử, sách nói, hình ảnh, video... nên học sinh có thể dễ dàng truy cập thông qua Internet và đọc chúng từ các thiết bị công nghệ.

Các trường phổ thông và Bộ Giáo dục Singapore cũng xây dựng hệ thống quản lý học tập trực tuyến và thư viện điện tử. Học sinh tải xuống các tài liệu học, làm bài tập hoặc nộp bài tập lên hệ thống, theo dõi kết quả thi và các thông tin giáo dục khác qua hệ thống. Chính phủ Singapore phân phát máy tính xách tay, máy tính bảng cho học sinh để tiếp cận công nghệ giáo dục.

Sử dụng thiết bị công nghệ trong trường học cũng là mục tiêu của quốc gia châu Á – Trung Quốc nhằm giúp học sinh nước này làm quen với công nghệ và kỹ thuật số từ nhỏ. Một trong những thiết bị công nghệ tân tiến được nước này đưa vào trường học là robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Năm 2018, hơn 600 trường mẫu giáo tại Trung Quốc sử dụng robot giáo dục Keeko. Với thiết kế cao 60 cm, có bánh xe nhỏ và màn hình lớn, robot có thể hỗ trợ giáo viên mầm non chăm sóc trẻ em bằng cách kể chuyện, hát... Khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ, robot sẽ chớp mắt và hiển thị hình trái tim trên màn hình thay lời cổ vũ và khen ngợi.

Hai năm sau, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng robot để phục vụ thức ăn trong căn-tin nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế tiếp xúc gần. Robot thậm chí có thể nêm nếm một số loại gia vị như muối, hạt tiêu. Nước này cũng đi đầu trong việc lắp đặt robot khử trùng, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trong trường học.

Ngoài bảng đen phấn trắng, hiện nay lớp học tại Trung Quốc được đầu tư trang bị màn hình chiếu, TV, camera, loa, bảng thông minh, Internet... Nhiều trường, đặc biệt ở khu vực thành thị, sở hữu phòng học đa năng, bể bơi, sân tập, phòng âm nhạc, phòng mỹ thuật, phòng máy tính với trang thiết bị hiện đại như máy tính đời mới, nhạc cụ, máy tập thể thao...

Tại Nhật Bản, với mục tiêu thúc đẩy kỹ năng sống của trẻ em trong thời đại kỹ thuật số, các trường phổ thông đang phân phát cho học sinh máy tính xách tay hoặc máy tính bảng. Bước vào lớp học Nhật Bản, thay vì giấy bút, người ta sẽ bắt gặp cảnh những chiếc máy tính bảng đặt ngay ngắn trên bàn. Mỗi máy sẽ kết nối với màn hình chiếu của giáo viên, từ đó cho phép học sinh trình bày bài tập trước cả lớp.

Ông Sakamoto Takayoshi, Trưởng bộ phận Hướng dẫn Giáo dục thuộc Uỷ ban Giáo dục Shibuya, Tokyo, cho biết: “Các lớp học có máy tính bảng là chuyện phổ biến tại Shibuya. Máy tính bảng được đưa vào sử dụng trong tất cả các lớp học. Ví dụ, trong giờ thể dục, các em sẽ quay video bài tập của mình, sau đó xem lại và cải thiện động tác”.

Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng đang xây dựng hệ thống giáo dục dựa trên Công nghệ thông tin – Truyền thông. Trong đó, các trường đều có nhân viên hỗ trợ kỹ thuật cho học sinh. Các em cũng được học lập trình dưới sự hướng dẫn của các công ty CNTT.

Robot phân phát thức ăn trong một trường phổ thông tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Robot phân phát thức ăn trong một trường phổ thông tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Con dao hai lưỡi

Đưa thiết bị công nghệ 4.0 như máy tính bảng, máy chiếu, bảng học thông minh, thậm chí là robot... vào trường học đã nâng cao chất lượng bài giảng và trải nghiệm học tập của học sinh. Dù Mỹ được đánh giá là quốc gia dẫn đầu về phát triển EdTech (công nghệ giáo dục) nhưng châu Á lại là thị trường tiềm năng cho việc phát triển thiết bị công nghệ trong giáo dục.

Số lượng thanh thiếu niên ở châu Á đông hơn các khu vực khác trên thế giới, trong đó, chỉ riêng học sinh cuối cấp THPT, tại châu Á có hơn 600 triệu em. Ngoài ra, phụ huynh châu Á rất chú trọng đến học tập và sẵn sàng chi những khoản tiền lớn cho chất lượng giáo dục của con cái họ.

Tuy nhiên, việc đưa thiết bị hiện đại vào trường học tại châu Á cũng gắn với những nghi ngại. Năm 2018, Trường Tiểu học Jinhua Xiaoshun, Trung Quốc, đã sử dụng băng đô đặc biệt do công ty công nghệ BrainCo, Mỹ, phát triển, nhằm đo mức độ tập trung của học sinh. Băng đô, đeo trên trán của học sinh, có thể xác định mức độ tương tác của các em với bài học và chuyển dữ liệu về máy tính cá nhân của giáo viên. Từ đó, giáo viên có thể xác định mức độ tập trung của học sinh và cải thiện chất lượng giảng dạy.

Tại một trường khác, học sinh bị theo dõi bằng camera AI. Sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, camera có thể phân tích hành vi và biểu cảm của học sinh, từ đó, đánh giá mức độ quan tâm của học sinh với bài học.

Cả hai thiết bị trên đều vấp phải sự phản đối từ phía học sinh, phụ huynh và phải rút khỏi lớp học. Họ lập luận các thiết bị quá hiện đại có thể xâm phạm quyền riêng tư, hạn chế khả năng tự do, sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, công nghệ không thể đúng hoàn toàn 100% nên có khả năng sẽ diễn giải sai biểu cảm và hành động của học sinh.

Chưa kể thiết bị công nghệ hiện đại thường được đầu tư tại khu vực thành thị do chính quyền địa phương có ngân sách và phụ huynh đủ khả năng chi trả, tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở Trung Quốc, đôi khi máy chiếu cũng là một thiết bị xa xỉ. Sự phân bổ không đồng đều có thể làm tăng khoảng cách giáo dục giữa tầng lớp giàu – nghèo, khu vực nông thôn – thành thị.

Dù vậy, trong những năm qua, đặc biệt khi dịch Covid-19 cho thấy tiềm năng của công nghệ, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục khuyến khích việc xây dựng “lớp học thông minh” và thúc đẩy các giới hạn của ngành Giáo dục. Điều này được kỳ vọng góp phần giảm tải áp lực học tập đang đè nặng lên học sinh, tăng khả năng sử dụng công nghệ cho trẻ trong thời đại kỹ thuật số.

Còn tại Singapore, trước những nghi ngại về tần suất ứng dụng thiết bị công nghệ trong học tập, Bộ trưởng Nhà nước phụ trách Phát triển gia đình và Xã hội Sun Xueling khẳng định việc sử dụng công nghệ giáo dục trong trường học nhằm mục đích bổ sung nhưng không làm loãng vai trò của giáo viên.

“Thiết bị công nghệ đã giúp ích rất nhiều cho giáo viên trong giảng dạy và giảm tải khối lượng công việc cho thầy cô. Đơn cử, công nghệ trợ lý ảo ở môn Tiếng Anh sẽ sửa lỗi chính tả, ngữ pháp cho học sinh thay giáo viên. Từ đó, thầy cô có thêm thời gian cho bài giảng và đi sâu vào bài học khó”, bà Sun lấy ví dụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.