Thanh Hóa:

Thiết bị, đồ dùng dạy học vẫn 'bóng chim, tăm cá' khi năm học mới cận kề

GD&TĐ - Tại Thanh Hóa việc cấp thiết bị, đồ dùng dạy học vẫn chậm trễ khiến các nhà trường bị động, đặc biệt là các trường vùng khó.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát.

Thầy dạy “chay”, trò học “nhờ”

Năm học 2023 - 2024, học sinh lớp 4, lớp 8 và lớp 11 học theo Chương trình GDPT 2018. Do đó, các trường tiểu học, THCS và THPT sẽ được trang cấp thiết bị, đồ dùng dạy học mới. Tuy nhiên, cận kề năm học mới, tại Thanh Hóa, đồ dùng dạy học vẫn chưa thấy bóng dáng tại các nhà trường.

Thầy Đặng Xuân Viên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa) cho biết: Năm học vừa qua, do thiết bị, đồ dùng dạy học không được trang cấp nên giáo viên phải tận dụng thiết bị cũ để dạy học cho học sinh lớp 3 học theo Chương trình GDPT mới.

Tuy nhiên, vì thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, nên việc tận dụng trong dạy và học không dễ dàng, hiệu quả. Cũng theo thầy Viên, ở các điểm trường lẻ, vấn đề bảo quản thiết bị, đồ dùng dạy học khó khăn hơn bởi không có kho chứa. Ban giám hiệu phải thường xuyên động viên thầy, cô cố gắng khắc phục bất cập, tận dụng tối đa các điều kiện có sẵn để dạy học.

Là trường liên cấp nên Trường Tiểu học & THCS thị trấn Mường Lát (Mường Lát) có cả học sinh lớp 4 và lớp 8 bước vào triển khai chương trình mới. Lẽ ra, năm học này, trường sẽ được cấp phát thiết bị, đồ dùng để dạy học song do chưa được trang cấp kịp thời nên học sinh sẽ phải học “nhờ” đồ dùng cũ, thầy cô thì dạy “chay”.

Thầy Nguyễn Văn Giang – Hiệu trưởng cho biết, chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình mới, nên giáo viên một mặt mượn máy chiếu của nhà trường, mặt khác tận dụng thiết bị cũ để phục vụ giảng dạy cho học sinh lớp 4 và 8. Với thiết bị hiện đại như máy tính xách tay, các thầy cô phải linh động sử dụng máy cá nhân để đáp ứng yêu cầu dạy học theo nội dung, chương trình mới…

“Có đồ dùng dạy học thì học sinh sẽ được học trực quan, sinh động, không có thì giáo viên sẽ áp dụng phương pháp dạy theo giáo án điện tử. Hình ảnh nào thiết thực, gắn liền với cuộc sống, giáo viên có thể lấy trên mạng Internet để minh họa cho bài giảng để học sinh dễ hiểu.

Ví như, môn Toán, tiếng Việt có đồ dùng thực hành, môn Tự nhiên xã hội có dụng cụ sa bàn, môn Âm nhạc có thanh phách... Nhưng vì chưa được cấp phát thiết bị dạy học, nên các thầy cô sẽ mượn thiết bị cũ trong thư viện nhà trường, chia nhau cùng dùng chung khi dạy học”, thầy Giang thông tin.

Cô và trò Trường THPT Quan Sơn.

Cô và trò Trường THPT Quan Sơn.

Thầy Giang cũng nêu ảnh hưởng từ thực tế thiếu đồ dùng dạy học khi triển khai Chương trình GDPT mới đó là chất lượng giáo dục đại trà chưa đảm bảo; học sinh không được trực quan sinh động, chỉ nghe giáo viên giới thiệu…

Từ bất cập này, thầy Giang đề nghị cấp trên sớm trang cấp trang thiết bị đồ dùng dạy học để nhà trường, thầy cô có điều kiện giảng dạy học. “Năm học này, coi như không có thiết bị đồ dùng. Hy vọng năm học tới, nhà trường sẽ được trang cấp thiết bị đồ dùng dạy học để phục vụ cho công tác giảng dạy theo Chương trình GDPT mới đạt kết quả tốt nhất”, thầy Giang đề nghị.

Tại Trường THPT Ngọc Lặc (Mường Lát) vấn đề thiết bị dạy học theo chương trình mới cũng ở tình trạng thiết bị đến sau triển khai. Thầy Vũ Ngọc Liêm – Hiệu trưởng cho biết: Do trang thiết bị, đồ dùng dạy học lớp 10 và 11 chậm, nên giáo viên nhà trường phải tận dụng thiết bị từ năm 2006 để triển khai vào dạy học.

“Một số môn học của khối Tổ hợp xã hội, giáo viên có thể sưu tầm tranh, ảnh, tác phẩm… trên mạng Internet để phục vụ dạy học. Song với môn học thuộc Tổ hợp khoa học tự nhiên, thiết bị không thể tận dụng. Việc giáo viên khắc phục khó khăn, vận dụng mọi phương pháp để đáp ứng nhu cầu giảng dạy là tất yếu nhưng hiệu quả tới đâu lại là vấn đề không thể đảm bảo”, thầy Liêm chia sẻ.

Cô Hà Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước (Bá Thước) cũng cho biết nhà trường đã đăng ký thiết bị, đồ dùng dạy học theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Tuy nhiên, dù cận năm học mới trường vẫn chưa được cấp phát. Thầy cô học trò đều ngóng chờ.

“Trường có 210 học sinh/5 lớp, chỉ có 1 lớp khối Tự nhiên, còn lại là khối Xã hội. May mắn là nhà trường đã đầu tư, lắp đặt được hệ thống tivi vào các lớp, có kết nối mạng Internet để ứng dụng vào dạy học. Vì vậy, dù thiết bị, đồ dùng dạy học chưa được cấp thì các thầy, cô giáo vẫn có thể tận dụng thiết bị cũ, sưu tầm thêm học liệu từ mạng Internet để dạy học”, cô Thu cho hay.

Thầy và trò tại điểm trường Suối Tôn – Trường Tiểu học Phú Sơn (Quan Hóa).

Thầy và trò tại điểm trường Suối Tôn – Trường Tiểu học Phú Sơn (Quan Hóa).

Mong thiết bị sớm về trường

Bà Nguyễn Thị Thúy – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết, theo Chương trình GDPT 2018 học sinh học theo sách giáo khoa mới, giáo viên cũng dạy theo chương trình mới. Thiết bị và đồ dùng dạy học rất cần thiết để giáo viên áp dụng vào giảng dạy. Việc chậm cấp phát đồ dùng dạy học cho lớp 3, lớp 7 năm học trước đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục đại trà.

Mặt khác, việc áp dụng phương pháp dạy học theo Chương trình GDPT mới, nếu không có thiết bị, đồ dùng dạy học thì bài giảng thiếu trực quan, sinh động, học sinh khó tiếp thu. Dù các nhà trường đã có ít nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình cũ, giáo viên cũng cố gắng tận dụng vào dạy học nhưng sẽ không đạt yêu cầu của chương trình mới.

Cũng theo bà Thúy, do chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học, nên Phòng GD&ĐT huyện yêu cầu các trường động viên thầy, cô giáo tận dụng đồ dùng tự làm để đưa vào dạy học. Đồ dùng nào có thể in ấn, photo thì giao cho giáo viên Mỹ thuật thực hiện. Đối với thiết bị, đồ dùng trực quan, đặc biệt ở cấp Tiểu học, nhà trường động viên thầy, cô khắc phục bằng cách đi mượn trường THCS, hoặc có thì đem tới lớp dạy.

“Vấn đề thiết bị, đồ dùng dạy học đã được phòng GD&ĐT huyện Mường Lát nhiều lần đề nghị lên Sở GD&ĐT cũng như lãnh đạo tỉnh, mong sớm được cấp phát. Tuy nhiên, đến thời điểm năm học mới 2023 - 2024 sẽ bắt đầu trong vài ngày tới mà thầy trò vẫn ngóng. Chúng tôi đề nghị cấp trên sớm triển khai dự án, để đầu năm học mới, các nhà trường có thiết bị, đồ dùng dạy học đối với lớp 3, 4, 7, 8; thầy và trò yên tâm về các điều kiện dạy học, việc dạy và học sẽ đạt kết quả tốt hơn”, bà Thúy cho biết.

Học sinh Trường THCS & THPT Bá Thước trong giờ tan lớp.

Học sinh Trường THCS & THPT Bá Thước trong giờ tan lớp.

Trả lời Báo GD&TĐ, ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, lý do thời điểm này các trường chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học của lớp 3, lớp 7 là bởi “sự cố” liên quan đến việc đấu thầu.

“Sau khi xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý. Tuy nhiên từ đó đến nay, việc cấp thiết bị, đồ dùng về các cơ sở giáo dục đều chậm 1 năm so với quy định. Khi cấp được thiết bị, đồ dùng cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10, thì mới tiến hành cấp cho lớp 4, lớp 8 và lớp 11”, ông Lựu thông tin.

Cũng theo ông Lựu, việc tỉnh cấp thiết bị, đồ dùng dạy học cũng chỉ là hỗ trợ thêm chứ không phải cấp toàn bộ. Các địa phương đều phải vận dụng mua sắm thêm hoặc kêu gọi xã hội hóa.

“Việc huy động xã hội hóa để mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học cho cơ sở giáo dục đã đạt mức tương đối. Ví dụ như sắm một phòng máy tính để dạy môn Tin học, thì địa phương chủ động là chính. Bởi lẽ, tỉnh chỉ hỗ trợ mỗi trường vài chiếc tivi, máy tính thôi, chứ không thể cấp được vài chục cái một lúc”, ông Lưu chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết thêm, mỗi năm, tổng kinh phí cấp cho thiết bị, đồ dùng dạy học trong các cơ sở giáo dục tỉnh Thanh Hóa ước khoảng trên dưới trăm tỷ đồng. Vì thế, các đơn vị thẩm định giá rất thận trọng. Thậm chí, tìm được đơn vị thẩm định cũng khó chứ không đơn giản.

“Việc mua sắm thiết bị còn bởi liên quan đến nhiều khâu thẩm định. Sở đang cố gắng phối hợp với các đơn vị liên quan, để triển khai hoàn thiện thủ tục và cấp thiết bị, đồ dùng dạy học tương với ứng chương trình thay sách giáo khoa cho các trường trong thời gian sớm nhất”, ông Lựu cho hay.

Với dụng cụ đơn giản, các thầy, cô có thể tự làm để ứng dụng vào dạy học, nhưng với thiết bị hiện đại, phải theo quy chuẩn dạy học chương trình mới… thì giáo viên không thể tự tạo. Ví như, một số mô hình hình học, dụng cụ thể dục giáo viên dễ ứng biến, tự tạo, các dụng cụ lắp ghép kỹ thuật thì không thể tự chế.

Trong khi đó, nhà trường có tới 4 điểm lẻ mà chỉ có 1 bộ thiết bị dạy học dùng chung cho cả khối. Để luân chuyển thiết bị từ điểm trường này sang điểm trường khác rất bất tiện, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học… - Thầy Đặng Xuân Viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.