Thiền sư Thích Nhất Hạnh, vị chân tu cống hiến không ngừng nghỉ cho Phật giáo

GD&TĐ - Với những hoạt động không ngừng nghỉ, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch.

Vào lúc 0h ngày 22/1, thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo đã viên tịch, hưởng thọ 96 tuổi.

Ông sinh năm 1926 tại Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế, xuất gia vào năm 16 tuổi ở chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, thành phố Huế) thọ giáo với Hòa thượng Thanh Quý.

Ông được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người. Ông cũng đã lập ra các tu viện Làng Mai ở Pháp và Thái Lan.

Ông là tác giả của hơn 120 cuốn sách bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp, một số cuốn sách nổi tiếng đã xuất bản tại Việt Nam như “Đường xưa mây trắng,” “Phép lạ của sự tỉnh thức,” “Giận”…

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Sư ông Làng Mai) không chỉ là một nhà tu hành, ông còn là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách "Vietnam: Lotus in a Sea of Fire" của mình.

"Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền", Thiền sư nhấn mạnh.

Năm 1956, ông làm Tổng biên tập của Phật giáo Việt Nam, tờ báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thập niên 1960, ông lập nên trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (SYSS), một tổ chức từ thiện giúp dựng lại các làng bị đánh bom, xây trường học, trạm xá và hỗ trợ những gia đình vô gia cư sau chiến tranh ở Việt Nam.

Ông cũng là một trong những người thành lập Đại học Vạn Hạnh, trường tư thục danh tiếng, tập trung nhiều nhà nghiên cứu về Phật giáo, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.

Trong một buổi gặp mặt vào tháng 4/1965, đoàn sinh viên trường Vạn Hạnh đưa ra "lời kêu gọi vì hòa bình", với nội dung chính là thúc giục hai miền Nam - Bắc tìm "giải pháp chấm dứt chiến tranh và đem lại cho người dân Việt Nam cuộc sống hòa bình với lòng tôn trọng lẫn nhau".

Năm 1966, ông lập ra dòng tu Tiếp Hiện, đồng thời thành lập nhiều trung tâm thực hành và thiền viện trên khắp thế giới. Ông ở nước ngoài từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, cư ngụ chủ yếu tại Tu viện Làng Mai, vùng Dordogne, miền nam nước Pháp.

Sau hơn 4 thập niên rời xa quê hương, ông về Việt Nam lần đầu vào năm 2005 và năm 2007, ông đi khắp đất nước, tổ chức những khóa tu, buổi pháp thoại và gặp gỡ các tăng ni phật tử. 

Đầu năm 2007, với sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông tổ chức ba trai đàn chẩn tế lớn tại ba miền Việt Nam với tên gọi "Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan", cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho những người từng chịu hậu quả của chiến tranh.

Tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại Hà Nội, ông được mời về Việt Nam với tư cách là người thuyết trình chủ đề chính. Năm 2014, Thiền sư trải qua quá trình hôn mê do xuất huyết não. Sau khi phục hồi, năm 2016, Thiền sư từ Pháp đến tĩnh dưỡng ở Trung tâm tu học Làng Mai ở Thái Lan để được gần quê hương hơn. 

Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của một số hãng tin nước ngoài.

Thiền sư cũng là người đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khóa tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ... 

Năm 2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan trở về Tổ đình Từ Hiếu với ý nguyện muốn sống tại đây cho đến ngày viên tịch. Ông đã nhắn nhủ các chư tăng:

"Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ