Thiên nhiên ngày càng cực đoan

GD&TĐ - Nhờ sự chuẩn bị ứng phó kỹ nên Noru gây ra thiệt hại tại Philippines và Việt Nam tương đối nhỏ so với sức mạnh của cơn bão này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cùng thời điểm cơn bão Noru có sức tàn phá khủng khiếp tràn qua Philippines và đổ bộ vào Việt Nam thì ở bên kia bán cầu, cơn bão Ian từ Đại Tây Dương có sức hủy diệt không kém cũng đổ bộ Cuba và Mỹ, để lại những hậu quả nặng nề đến nay vẫn đang phải khắc phục.

Nhờ sự chuẩn bị ứng phó kỹ nên Noru gây ra thiệt hại tại Philippines và Việt Nam tương đối nhỏ so với sức mạnh của cơn bão này. Tại Philippines ghi nhận 8 người thiệt mạng và nhiều công trình bị phá hủy.

Còn tại Việt Nam may mắn không ghi nhận thiệt hại về người, ngoài hơn 60 người bị thương. Tuy vậy, Noru vẫn được các chuyên gia xếp vào hàng những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử khí tượng thế giới hiện đại.

Sức gió cực đại của bão Noru tại Biển Đông được ghi nhận lên tới 249 km/h hôm 26/9, tương đương cấp 19. Còn tốc độ gió cao nhất của bão Ian tại Đại Tây Dương thấp hơn một chút đạt 200 km/h, nhưng vẫn là cơn bão thuộc hàng mạnh nhất tại khu vực này và gây ra hậu quả nặng nề tại hai nước Cuba và Mỹ. Đặc biệt Cuba đã bị mất điện trên toàn quốc do hệ thống đường dây tải điện và nhà máy bị bão Ian tàn phá.

Hai cơn bão lịch sử Noru và Ian chỉ xảy ra vài tuần sau khi thế giới ghi nhận một lịch sử đáng buồn khác về thiên tai là trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 30 năm tại khu vực Nam Á.

Trong đó, Pakistan có hơn 1.600 người thiệt mạng và hơn 33 triệu người bị ảnh hưởng do 1/3 quốc gia bị nước nhấn chìm. Đặc biệt, mới hồi tháng 5, chính khu vực này lại từng chứng kiến một đợt sóng nhiệt chưa từng có trong hàng thế kỷ, với nhiệt độ lên tới 50 độ C tại một vài nơi.

Cảnh lụt lội bất thường không chỉ xảy ra ở Nam Á mà một số bang của Mỹ như Kentucky, Illinois, Texas và Missouri cũng chứng kiến những trận mưa lớn chưa từng có trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua.

Một số nơi hứng lượng mưa lên tới 30 cm, một hiện tượng mà các mô hình dự báo thời tiết trên thế giới cho rằng chỉ xảy ra một lần trong 1.000 năm. Điều đáng chú ý là cũng như Nam Á, các bang bị lũ lụt này của nước Mỹ chứng kiến đợt khô hạn nghiêm trọng chỉ vài tuần trước đó.

Mùa hè vừa qua, châu Âu vốn được biết đến là khu vực khí hậu ôn hòa dễ chịu và mùa động lạnh giá nhưng lại oằn mình trước một đợt nắng nóng chưa từng thấy. Theo Tổ chức Quan sát hạn hán toàn cầu (GDO) của Ủy ban châu Âu, có tới gần 2/3 diện tích các nước EU đã rơi vào tình trạng bị cảnh báo vì hạn hán trong mùa hè năm nay.

Như vậy chỉ trong vài tháng qua, Trái đất đã liên tục chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên tai theo cách cực đoan nhất, đều được cho là khó xảy ra với tần suất dày đặc theo các mô hình nghiên cứu thời tiết hiện đại.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính của các hiện tượng này vẫn là do tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu vốn đã được cảnh báo từ nhiều thập kỷ trước.

Thế giới đã có nhận thức sâu sắc hơn về hiện tượng nóng lên toàn cầu, trong đó nhiều nước như Việt Nam cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 năm 2021.

Tuy nhiên, sự nóng lên toàn cầu vào thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian sớm. Điều này đồng nghĩa các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn có cơ hội xảy ra liên tiếp trên Trái đất thời gian tới, đặt cả thế giới vào một nguy cơ bất ổn do biến đổi khí hậu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.