Thích ứng an toàn với dịch bệnh

GD&TĐ - Cần chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vắc-xin hơn trong 1 đến 2 tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vắc-xin.

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 chiều 5/9.

Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã 2 lần nhấn mạnh không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi mà phải tính chuyện sống chung lâu dài với dịch bệnh. Có thể nói, chúng ta hầu như không còn lựa chọn nào khác khi mà những bằng chứng khoa học lẫn thực tiễn ở nhiều quốc gia khác chứng tỏ virus này sẽ còn đeo bám loài người ngày càng chắc chắn hơn.

Một trong số đó là sự biến chủng của nó và các biến chủng đều có khả năng truyền nhiễm cao hơn nguyên chủng cũng như để lại các triệu chứng hậu Covid-19 trong thời gian dài.

Sống chung với Covid-19, hay thích ứng an toàn với dịch bệnh, có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận tổ chức lại đời sống kinh tế - xã hội khi vẫn tồn tại các ca F0 trong cộng đồng với điều kiện ngưỡng rủi ro và thiệt hại ở mức chấp nhận được. Điều này bắt buộc phải có kế hoạch bài bản ở các cấp độ từ Trung ương đến địa phương.

Để xây dựng kế hoạch đó, việc rút ra những bài học kinh nghiệm từ các “trục trặc” trong chống dịch thời gian qua là hết sức quan trọng. Đi cùng với chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn với dịch bệnh, việc có các giải pháp hiệu quả rút ra từ những thất bại vừa qua sẽ giúp các địa phương thay đổi cách làm toàn diện.

Thời sự nhất là chuyện cấp Giấy đi đường của Hà Nội. Kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đã 4 lần đổi mẫu Giấy đi đường. Việc chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức cấp đổi khiến các doanh nghiệp chưa được cấp giấy, thậm chí có doanh nghiệp không biết nộp hồ sơ cho đơn vị nào.

Đáng nói là, trước đó TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng mắc phải vấn đề tương tự nhưng dường như không có bài học nào được rút ra nên Hà Nội lại “rơi vào vết xe đổ”.

Nhìn rộng hơn, sự lúng túng trong ứng xử với việc đi lại của doanh nghiệp, của người dân, với hệ thống vận chuyển, logistics để duy trì cung cấp lương thực và đồ dùng thiết yếu trong giãn cách… cho thấy năng lực của hệ thống chính quyền chưa như mong đợi, đặc biệt là năng lực điều phối để ứng phó với sự kiện khẩn cấp quy mô lớn.

Đây có thể là trở ngại không nhỏ trong việc xây dựng kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh. Rất may là chính quyền có nhiều cách để bù đắp, mà một trong số đó là “lắng nghe xã hội”.

Theo đó, khi xây dựng các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh, chính quyền không chỉ cần lắng nghe góp ý, đề xuất của các chuyên gia trong những lĩnh vực cần thiết, liên quan, mà còn phải lắng nghe tâm tư, kiến nghị của người dân. Thủ tướng nói rằng, “người dân là trung tâm thì mọi chính sách và thực hiện chính sách phải hướng tới người dân, vì nhân dân”.

Chỉ khi đặt mình vào vị thế người dân, doanh nghiệp, những người chịu tác động của chính sách, chính quyền mới có thể đưa ra các quyết định hợp lý, kịp thời; mới xây dựng được những kịch bản sống chung với Covid với rủi ro và thiệt hại ở mức thấp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.