Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu & Nha Trang

GD&TĐ - TP Vũng Tàu có Thích Ca Phật Đài trên sườn núi Lớn. TP Nha Trang có Kim Thân Phật Tổ trên đỉnh đồi Trại Thủy. Đôi pho tượng tuy khác kích cỡ song hoàn toàn giống nhau từ kiểu dáng đến phong cách, vì sao?

Thích Ca Phật Đài trên núi Lớn, Vũng Tàu. Ảnh: Phanxipăng
Thích Ca Phật Đài trên núi Lớn, Vũng Tàu. Ảnh: Phanxipăng

Khắp nước Việt Nam, tính đến nay, đó là đôi pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định đặt ngoài trời thuộc hạng to cao và xinh đẹp nhất. Hầu thuận tiện, trong bài này, cả hai tác phẩm điêu khắc đều được gọi Thích Ca Phật Đài kèm địa danh. Trường hợp cần thiết thì Thích Ca Phật Đài Nha Trang còn gọi Kim Thân Phật Tổ hoặc tượng Phật trắng.

Ai là tác giả?

Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia ngày 14/12/1989.

Thư tịch lâu nay, như sách “Vũng Tàu xưa và nay” của Huỳnh Minh (NXB Cánh Bằng, Sài Gòn, 1970 - NXB Thanh Niên tái bản, Hà Nội, 2001), “Danh lam nước Việt” do Võ Văn Tường và Huỳnh Như Phương hợp soạn (NXB Mỹ Thuật, Hà Nội, 1995), “Tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (dùng trong các trường phổ thông)” của nhiều soạn giả (Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu ấn hành, 2005), “Bà Rịa - Vũng Tàu con số và sự kiện” của nhiều soạn giả (Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện, 2007), đều ngợi khen Thích Ca Phật Đài trên núi Lớn, nhưng chẳng nêu tên người tạc. Bệ tượng tại Vũng Tàu hiện cũng chưa gắn biển ghi phương danh điêu khắc gia. Do đó, lâu nay, đông đảo khách thập phương thắc mắc: Tác giả Thích Ca Phật Đài là ai?

Để giải đáp câu hỏi nọ, hãy lần lại quá khứ. Nhờ đại đức Nàrada Mahà Thera (1898 - 1983, người Tích Lan / Sri Lanca) gợi ý, nguyên đốc phủ sứ Lê Quang Vinh đã tạo dựng chùa Thiền Lâm trên núi Lớn vào năm 1957. Viếng chùa Thiền Lâm, đại đức Nàrada nói: “Nơi đây nên xây bảo tháp để tôn thờ xá lợi của Đức Thế Tôn”. Tại đó, tăng ni và Phật tử nhận ra rằng, để công trình tốt đẹp trọn vẹn ắt phải thêm Thích Ca Phật Đài. Nhiều người phát tâm bồ đề, tích cực đóng góp.

Đại đức Nàrada cùng Giáo sư khảo cổ Hồ Đắc Thăng đi tìm nhà điêu khắc, ngẫu nhiên gặp cơ sở tạc tượng của Phúc Điền ngay mặt tiền đại lộ Lục Tỉnh ở Chợ Lớn, nay là đường Hùng Vương, Q.6, TPHCM, trước chùa Tuyền Lâm.

Nhà điêu khắc Phúc Điền (1915 - 2002).
Nhà điêu khắc Phúc Điền (1915 - 2002).

Tiểu sử Phúc Điền

Chúng tôi tìm đến tư thất của cố điêu khắc gia Phúc Điền, được gia quyến nhiệt tình cung cấp các chi tiết cần thiết về nhân thân. Đây chỉ là tóm lược.

Phúc Điền có họ tên Bùi Văn Thêm, pháp danh Thiện Sáng, chào đời năm Ất Mão 1915 tại Sa Đéc, Đồng Tháp.

Hôn sự của Phúc Điền khá gập ghềnh. Vợ trước mất, ông lấy vợ sau, vậy mà phải 3 bà sinh cho ông tổng số 12 con, trong đó có 4 người nối nghiệp điêu khắc là Bùi Quang Thái, Bùi Quang Vĩnh, Bùi Quang Thọ và Bùi Quang Phước.

Nhà điêu khắc Phúc Điền qua đời tại nhà riêng ngày 27/5/2002 nhằm ngày 16 tháng 4 năm Nhâm Ngọ, đúng dịp đại lễ Phật đản.

Thiết kế và thi công Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu

Năm 1961, gặp đại đức Nàrada xong, Phúc Điền tập trung phác thảo pho tượng bằng đất sét.

Phật ngồi, tất xếp chân kiết già trên toà sen, nhưng tư thế thuyết pháp hay tham thiền nhập định? Nếu thuyết pháp thì mắt mở nhiều hay ít, tay phải và tay trái bắt ấn gì? Thêm yếu tố tạo hình khiến Phúc Điền đắn đo: Phật khoác cà sa (y / áo) ra sao? Cà sa thường được phân 3 loại: Đại, trung, tiểu. Tượng uy nghi thì dùng đại cà sa, nhưng cửu điều (ghép từ 9 mảnh vải) hay bá lạp (ghép từ 100 mảnh vải)? Mà mặc kiểu gì? Đại đức Nàrada trao Phúc Điền loạt tranh ảnh thể hiện kiểu đắp y của Tích Lan: Quấn cà sa quanh thân, phủ trùm luôn đôi cánh tay, nom rất thẩm mỹ. Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu trở thành tác phẩm điêu khắc đầu tiên ở Việt Nam được đắp cà sa kiểu nọ.

Sau 20 phác thảo, Phúc Điền cân chỉnh thế tay bậc Đại Giác: Bàn tay phải ngửa ra chuồi vào lòng bàn tay trái, hai đầu ngón tay cái chạm nhau và đặt trên đùi phía trước bụng. Đó là ấn tam muội, tên khác là thiền ấn.

Chùa Thiền Lâm xúc tiến các thủ tục pháp lý cần thiết để thi công. Chủ nhật 4/6/1961, đặt viên đá đầu tiên. Thứ năm 20/7/1961, khởi công. Thứ Bảy 9 và Chủ nhật 10/3/1963, nhằm 14 và Rằm tháng Tư Quý Mão, đại lễ Phật đản Phật lịch 2506, Thích Ca Phật Đài - tượng cao 6m, bệ cao 7m - cùng bảo tháp được lạc thành. Quanh bảo tháp còn thêm 4 đỉnh chứa đất từ 4 nơi liên quan cuộc đời Phật Thích Ca: Lumbini / Lâm Tì Ni (nơi Phật đản sinh), Uravela / Ưu Lâu Tần Loa (nơi Phật thành đạo), Isipatana / Lộc Giả / Vườn Nai (nơi Phật chuyển pháp luân), Kusinara / Câu Thi Na (nơi Phật nhập niết bàn). 

Thích Ca Phật Đài trên đồi Trại Thủy, Nha Trang. Ảnh: Phanxipăng
Thích Ca Phật Đài trên đồi Trại Thủy, Nha Trang. Ảnh: Phanxipăng 

Thích Ca Phật Đài xuất hiện ở Nha Trang

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, thượng toạ Thích Đức Minh trưởng Hội Phật học tỉnh Khánh Hoà đề nghị nhà điêu khắc Phúc Điền tiếp tục thực hiện Thích Ca Phật Đài trên đỉnh đồi Trại Thuỷ cạnh chùa Long Sơn ở Nha Trang.

Vẫn sử dụng mẫu tượng vừa tiến hành thành công tại Vũng Tàu, song to cao hơn: Tượng Kim Thân Phật Tổ cao 14m an toạ trên đài sen có đường kính 10m. Bệ cao 7m, tạo khối nhà hình bát giác, mà 1 mặt trổ cửa, 7 mặt gắn 7 phù điêu vinh danh 7 vị thánh tử đạo trong mùa pháp nạn 1963 gồm 6 tăng là Quảng Đức, Nguyên Hương, Thanh Tuệ, Tiêu Diêu, Quảng Hương, Thiện Mỹ, và 1 ni Diệu Hương.

Thích Ca Phật Đài tại Nha Trang được khởi công năm 1964, khánh thành năm 1965. Trước kia, bệ Thích Ca Phật Đài tại Nha Trang có biển ghi điêu khắc gia là… Kim Điền, từ năm 1999 đã sửa chữa thành Phúc Điền.

Thích Ca Phật Đài được nhà điêu khắc Phúc Điền cùng cộng sự tạo dựng ở Vũng Tàu và Nha Trang còn toả vẻ đẹp của tình đoàn kết giữa 2 trường phái Phật giáo là Nam truyền / tông với Bắc truyền, giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ