Thị trường vàng, bất động sản: Buôn gì cũng "chỏng gọng"

Thị trường vàng, bất động sản: Buôn gì cũng "chỏng gọng"

(GD&TĐ) - Xin nói luôn đây là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nghĩa là người dân có tiền mang kinh doanh, chứ không phải các doanh nghiệp. Tan giấc mơ làm giàu từ địa ốc, chứng khoán mất niềm tin từ lâu, chỉ còn kênh đầu tư vào vàng là được lựa chọn nhiều trong 2 năm kinh tế khó khăn vừa qua. Nhưng sự sụt giảm bất ngờ của giá vàng đã bồi thêm cú sốc cho nhà đầu tư…

Chưa nguôi nỗi đau địa ốc

Năm 2006, anh Nguyễn Gia An (tổ 2, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, HN) nghe lời khuyên của bạn thân là chuyên gia địa ốc, đầu tư một mảnh đất ở thành phố Vinh (Nghệ An). Mảnh đất này nằm trong dự án quy hoạch chưa công bố nhưng thông tin theo cách nào đó đã rò rỉ ra ngoài, dĩ nhiên mới ở phạm vi hẹp. Bỏ ra số tiền hơn 600 triệu, chỉ 3 tháng sau, dự án được công bố, anh An đã thu về… 2 tỷ đồng. Người mua lại chính là đối tác của anh bạn đã tư vấn cho anh An.

Được đà lấn tới, cũng theo lời khuyên của người bạn, anh An trích số tiền lời chung mua với một người bạn khác mảnh đất 100m2 tại dự án đô thị của tập đoàn Him Lam ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên), giáp khu đô thị xanh Ecopark, với giá 6,5 triệu đồng/m2. Sang đến đầu năm 2008, giá đất nơi này vọt lên gấp đôi. Đang sẵn tiền, anh An thương lượng với bạn, lấy luôn nửa chỗ đất chung nhau. Chỉ ít tháng sau cơn khủng hoảng kinh tế kéo đến, nhanh chóng kéo sụp thị trường địa ốc trong nước. Anh An đành an ủi “lộc bất tận hưởng”, giờ chỉ mong bán được với cái giá ban đầu cũng ưng.

May mắn hơn nhiều người, cách đây 3 năm, chị Trương Thị Thuý (ngõ 125, Tương Mai, Hoàng Mai, HN) đầu tư một căn nhà 60m2 ở làng Phú Mỹ xã Mỹ Đình (Từ Liêm, HN), giá 1,6 tỷ đồng, sau đó cho thuê. Người thuê lại chính là chủ cũ (bị vỡ nợ bởi đầu tư vào một dự án bất động sản khác) giá “hữu nghị” 3 triệu/tháng. Chị Thuý xác định vốn đầu tư là tiền túi, không vay mượn của ai nên không lo trả nợ hay trả lãi; coi như số tiền cho thuê nhà hàng tháng là tiền lãi của đồng vốn rồi. Nhà cứ để đấy sau này nếu giá lên thì bán cũng không vội. Nhưng biết đến bao giờ…?

“Quả đắng” từ đầu tư vào địa ốc đến nay vẫn chưa được “nuốt trôi” với nhiều nhà đầu tư
“Quả đắng” từ đầu tư vào địa ốc đến nay vẫn chưa được “nuốt trôi” với nhiều nhà đầu tư

Đến lượt vàng “lên gối”

Thị trường bất động sản khủng hoảng, thị trường chứng khoán nguội lạnh, nhiều người dân đầu tư vào vàng với hy vọng không làm giàu thì cũng là “nhặt tiền lẻ”1. Thế nhưng,  2 tháng nay, giá vàng liên tục lao dốc. Thêm một lần nữa, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lại khóc ròng.

Đây không phải là lần đầu tiên anh Hoàng Anh Tuấn (khu đô thị Định Công, Hoàng Mai, HN) điêu đứng vì vàng. Năm 2004 là thời điểm trào lưu “lướt sóng” trên các sàn giao dịch vàng đang rầm rộ anh Tuấn cũng “kiếm” kha khá. Được một dạo, giá thế giới sụt giảm, chỉ sau một đêm anh mất gần 20.000 USD (bởi lẽ sàn giao dịch quốc tế chốt vào nửa đêm, trong khi sàn trong nước chốt từ cuối buổi chiều hôm trước và chỉ mở lại vào sáng hôm sau). Sau “quả đắng”, anh Tuấn rút vốn khỏi sàn giao dịch vàng (ít lâu sau, hoạt động của các sàn giao dịch vàng trong nước cũng bị rút giấy phép), chuyển hướng sang đầu tư vào bất động sản. Khi thị trường địa ốc khủng hoảng, anh Tuấn lại chuyển sang mua vàng tích trữ một cách phiêu lưu.

“Lần gần nhất mình mua nhiều là gần cuối năm 2012. Khi ấy vàng lên trên 44 triệu đồng/lượng, dự báo có khi lên tới 45. Vừa lấy xong tiền dự án, mua luôn 10 lượng, cứ nghĩ  lúc nào lên cao hơn một chút là bán ngay, ai ngờ từ khi ấy giá xuống không ngừng. Giờ có mang bán cũng xót, đành chờ thêm vậy”, anh Tuấn chia sẻ.

Cũng tham gia đầu tư vàng từ lâu, nhưng thay vì giữ hay mang gửi, chị Trần Thị Phương (phố Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, HN) lại mang cho vay. Thời điểm nửa cuối năm 2012, giá vàng khoảng 44 triệu đồng/lượng. Gần đây khi vàng hạ giá, người vay mang trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi, nhưng tính ra vẫn lỗ to, bởi hiện giá vàng chỉ còn trên 37 triệu đồng/lượng.

Bối rối kênh đầu tư

Không phải bây giờ các chuyên gia mới cảnh báo rủi ro với kênh đầu tư vàng. Giá vàng trong nước phụ thuộc vào hai yếu tố: Sự lên xuống của giá vàng thế giới và sự phụ thuộc vào chính sách của NHNN, thậm chí có sự làm giá của doanh nghiệp.

Bất động sản không còn là lựa chọn, chứng khoán không an toàn, kênh đầu tư vào vàng cũng đầy bất ổn. Người có tiền nhàn rỗi (nhưng không muốn kinh doanh buôn bán) hầu như chỉ còn kênh lựa chọn cuối cùng là mang gửi ngân hàng lấy lãi hàng tháng. Thực tế theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay, dù kinh tế khó khăn song tiền gửi tiết kiệm của người dân lại có xu hướng tăng lên.

Trao đổi với phóng viên, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – cho rằng nếu có tiền đồng thì việc lựa chọn gửi ngân hàng là một giải pháp an toàn, không phải đau đầu tính toán, không sợ may rủi. Thế nhưng, có một thực tế khác là trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm phát, tổng cầu đi xuống, tiêu dùng không tăng mà người dân cứ mang tiền đi gửi tiết kiệm thì rất khó vực dậy nền kinh tế. Quả là hướng đi khó cho người dân có tiền nhàn rỗi, cũng là cái bất cập cho nền kinh tế đất nước hiện nay.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ