Thị trường phục vụ năm học mới

Thị trường phục vụ năm học mới

(GD&TĐ) - Năm học mới sắp bắt đầu cũng là lúc các gia đình đưa con đi mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập... Nhưng với nhiều gia đình nghèo, mỗi dịp năm học mới, các khoản đóng đầu năm, mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục… cho con là cả một nỗi lo…

Nhộn nhịp thị trường đồng phục, sách vở, đồ dùng học sinh

 Các năm trước, vào dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới, trên các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội) bày bán rất nhiều các loại đồng phục học sinh để phụ huynh lựa chọn, nhưng một số năm gần đây không thấy bầy bán nhiều vì nhu cầu của người dân Hà thành mua ít. Đa số các trường tự may đo là chính vì mẫu mã đồng phục theo quy định riêng của từng trường. Những bộ đồng phục may sẵn theo kiểu truyền thống, quần xanh, áo trắng thường đem về các tỉnh bán. Một số chợ lớn của Hà Nội như Đồng Xuân, Cầu Mới, Ninh Hiệp… các loại đồng phục phong phú, đủ loại, đủ kích cỡ và được đem về các tỉnh.

Các chủ cửa hàng quần áo về thị trường đồng phục năm nay cho biết: “Do tất cả các trường Tiểu học và một số trường THCS đều yêu cầu học sinh mặc đồng phục theo mẫu của nhà trường, nên các bậc phụ huynh ít tìm mua các bộ đồng phục may sẵn.”.

Một quầy hàng quần áo trẻ em trong chợ Cầu Mới, bày bán khá nhiều mẫu mã đồng phục của các công ty may trong nước dành cho các cháu học sinh tiểu học, THCS. Chất liệu, mẫu mã các bộ đồng phục này đẹp hơn các bộ đồng phục mua trong nhà trường. Chị chủ cửa hàng cho biết: “Các bộ đồng phục này lấy từ các Công ty may Nhà Bè, Việt Tiến, Chiến Thắng… giá thành có đắt hơn hàng chợ một chút nhưng chất lượng bền, đẹp, mát...”.

Trung bình một bộ váy gồm áo trắng cộc tay, thân váy màu xanh giá 80 đến 100 ngàn đồng. Một bộ đồng phục truyền thống quần xanh đen, áo trắng cho học sinh tiểu học đến THCS giá cũng khoảng từ 80-120 ngàn đồng một bộ. Quần áo thời trang cho các cô cậu học sinh nhí cũng rất đa dạng về chủng loại. Tại một số cửa hàng thời trang cho trẻ em, chúng tôi bắt gặp rất nhiều bà mẹ đi sắm những bộ cánh mới cho con. Những bộ váy, áo, quần đủ mọi chất liệu của Trung Quốc cũng khá đắt, dao động từ 50 – 100 ngàn đồng một chiếc áo, quần. Áo quần của bé trai đắt hơn, bộ “xịn” bằng chất liệu ka ki, bò có thể hơn 100 - 150 ngàn đồng.

Thời trang trẻ em của các công ty may trong nước như Tân Phú, Đức Hạnh... cũng hấp dẫn các bậc phụ huynh, do giá cả phải chăng và mẫu mã đẹp. tuy nhiên, thời trang trẻ em trong nước vẫn bị hàng Trung Quốc áp đảo do mẫu mã và chủng loại phong phú hơn. Các bộ váy đầm dạ hội rất dễ thương dành cho các bé gái bước vào lớp 1 diện trong ngày khai trường cũng khá đắt. Một bộ váy với chất liệu voan pha đăng-ten, hoặc phi bóng, đủ các màu sắc và kích cỡ nhập từ Hồng Kông, Trung Quốc có giá khoảng từ 300 - 500 ngàn đồng, nếu của các công ty may trong nước thì giá mềm hơn khoảng từ 150 - 300 ngàn đồng.

Chọn sách cho năm học mới
Chọn sách cho năm học mới

Nỗi lo của những gia đình nghèo

 Ngoài những thứ cần thiết phải có như sách giáo khoa, đồ dùng học tập, nhiều trường còn đặt ra quy định học sinh phải có quần áo đồng phục, giày dép, mũ nón… và các khoản đóng góp khác đầu năm làm cho cha mẹ của học sinh nghèo phải lo chạy tiền khắp nơi.

Với những gia đình có từ 2 - 3 con cùng đi học, nỗi lo về tiền đóng học đầu năm cho con như ám ảnh họ. Thu nhập bình quân của một gia đình tầng lớp bình dân ở thành phố lớn khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng; số tiền đó biến mất nhanh chóng khi phụ huynh đưa con đi mua sắm cho năm học mới. Còn những hộ nghèo ở các tỉnh lẻ thu nhập mỗi tháng chưa đầy 1 triệu, vùng sâu vùng xa thì chỉ vài trăm nghìn một tháng thì hỏi lấy đâu ra tiền mua sắm, đóng các khoản đầu năm cho con. Quả thật, đó thật sự là gánh nặng quá sức với những phụ huynh nghèo.

Bà Mai – một nông dân ở Lệ Mật – Gia Lâm – Hà Nội, cứ đến dịp chuẩn bị vào năm học mới lại dắt một lũ cháu vào chợ Ninh Hiệp mua quần áo, giày, dép, đồ dùng học tập. Bà Mai bảo, vào chợ Ninh Hiệp hàng nhiều lại rẻ, hợp với túi tiền của những người lao động như bà. Đứng trước cửa hàng quần áo, bà Mai cứ tần ngần tính toán. Mua cho con chị học lớp 5 bộ đồng phục truyền thống may gia công với giá rẻ nhất cũng 80 ngàn đồng một bộ, mua hai bộ vị chi cũng mất 160 ngàn đồng. Hai đứa em mỗi đứa 2 bộ, mất đứt của bà 150/ bộ. Tổng cộng ba đứa cháu cũng mất ngót 500 ngàn đồng. Còn tiền giày, dép, cặp sách… Loay hoay chọn, thử, trả giá, từ hàng quần áo sang hàng giày, dép, cặp sách 4 bà cháu cũng mất nửa ngày chợ. Tiêu tốn của bà cả triệu bạc, mất đứt 1/3 lứa lợn của bà. Với người nông dân như bà đó là cả một gia sản, nhưng vì cái chữ để thoát nghèo, hơn nữa các cháu của bà đứa nào cũng hiếu học, học giỏi nhất nhì lớp nên bà dù nghèo tiền chứ quyết không để các cháu bà nghèo chữ...

 Gặp Hoài Thu năm nay học lớp 7 trường THCS Yên Viên trong chợ Ninh Hiệp, đang mua sắm quần áo mới để chuẩn bị cho năm học, em tâm sự: “Em còn ba cái áo, hai cái mua năm ngoái và một cái mua năm kia. Tuy có ngắn một chút nhưng còn mặc lại được. Năm nay chỉ cần mua thêm hai chiếc quần nữa là đủ vì quần cộc quá rồi, lại chật bụng không mặc được nữa. Mua hai chiếc quần em không phải xin tiền mẹ vì tiền tiết kiệm trong những ngày hè đi bán rau muống mẹ trồng và còn dư một ít nữa có thể mua thêm đồ dùng, sách vở cho năm học mới. Các khoản đóng đầu năm cho nhà trường thì bố mẹ lo cho.”.

Những gia đình một con đi học còn đỡ, khi hai hay ba con cùng đi học thì cha mẹ méo mặt khi đến mùa tựu trường. Chị Huệ quê ở Bình Lục – Hà Nam, ngoài việc cấy cày mấy sào ruộng khoán chị còn chạy chợ, bán rau, mỗi ngày kiếm được 20 - 30 nghìn, lo cho ba đứa con cùng đi học, nhiều lúc cũng phải chạy ngược chạy xuôi vì tiền đóng học hàng tháng. Năm học mới này để lo đủ tiền đóng các khoản học đầu năm cho các con chị phải chạy rạc cả người.

 Trái với các trẻ con nông thôn, con nhà nghèo, các cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu có, khá giả ở thành phố vào những dịp năm học mới được bố mẹ chiều chuộng cho đi sắm thả phanh miễn sao con mình thích.

Tùng, con một chủ kinh doanh mũ bảo hiểm xe máy trên phố Huế, suốt từ năm học lớp 1 đến lớp 5, năm nào cũng vậy, cứ vừa kết thúc năm học là Tùng lại đòi mẹ phải mua toàn bộ sách giáo khoa mới, cặp mới... và tất cả sách học thêm, tham khảo, bài tập... Sách của anh chị để lại, dù còn mới Tùng cũng nhất định không dùng. Quần áo đã được mẹ mua cho vô tội vạ, cứ đi đâu gặp thấy đẹp là mẹ lại tha về vài ba bộ, thế nhưng cứ đầu năm học là Tùng lại bắt mẹ đưa đi sắm. Mẹ Tùng vô cùng chiều con, cứ hễ con đòi gì là bà tặc lưỡi chiều con vì nghĩ “chẳng đáng gì, miễn là cu cậu thích”.

Không có phụ huynh nào đành lòng để con mình thất học khi bạn bè của con đều được cắp sách tới trường. Với những gia đình nghèo, đó là cả nỗ lực hết mình để cho con tới lớp.

Minh Nhật 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.
Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.