- Thưa ông, công tác tuyển sinh của VNU năm 2019 có những điều gì thí sinh cần quan tâm?
Năm nay, các đơn vị thành viên của VNU tuyển sinh gần 10.000 chỉ tiêu với 120 ngành, chương trình đào tạo (CTĐT) bậc đại học thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Kỹ thuật, Khoa học Xã hội, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Giáo dục, Luật học, Y – Dược với các hình thức xét tuyển:
Thí sinh sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia;Thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh với tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng. Mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên; Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT đạt điểm 1100/1600 hoặc 1450/2400 trở lên;
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn). Các chứng chỉ phải còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi.
Đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển cũng được mở rộng. Nếu như năm ngoái, chỉ các em đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mới được tham gia xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thì năm nay những em đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố cũng nằm trong diện ưu tiên này.
- VNU đã có kế hoạch đào tạo nào để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường lao động thời 4.0. Thưa ông?
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi tiếp tục xây dựng nhiều CTĐT mới, đặc sắc theo hướng liên ngành, xuyên ngành với 13 CTĐT mới được tuyển sinh ở các trường, khoa trực thuộc trong năm 2019 với các ngành sau:
Quản trị chất lượng GD, Quản trị công nghệ GD, Tham vấn học đường, Khoa học GD và Sư phạm Khoa học tự nhiên, ngành Nhật Bản học, ngành Công nghệ nông nghiệp, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, ngành Tài nguyên và Môi trường nước, ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, ngành Quản trị doanh nghiệp và công nghệ, ngành Luật Thương mại quốc tế.
- Thưa ông, CTĐT được đổi mới thế nào để không chỉ hướng đến chất lượng cao mà còn hấp dẫn người học?
Các CTĐT truyền thống đều được chúng tôi chuyển đổi theo hướng mô hình đào tạo chất lượng cao đáp ứng Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Hầu hết các CTĐT chất lượng cao đều sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn ngoại ngữ hoặc ngoại ngữ là môn điều kiện để đăng ký vào học nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ cần thiết để thí sinh có thể theo học các CTĐT này, đáp ứng vị trí việc làm trình độ quốc tế sau khi tốt nghiệp.
Chúng tôi cũng tiên phong tuyển sinh các ngành đào tạo thí điểm (chưa có trong danh mục mã ngành của Bộ). Đến nay, VNU tuyển sinh 15 ngành đào tạo thí điểm, được coi là “đặc sản” trong đào tạo gồm: Khoa học GD, Quản trị chất lượng GD, Quản trị trường học, Quản trị công nghệ GD, Tham vấn học đường, Luật Thương mại quốc tế, Luật kinh doanh, Khoa học thông tin địa không gian, Tài nguyên và Môi trường nước, Máy tính và Khoa học thông tin, Công nghệ Hàng không vũ trụ, Công nghệ nông nghiệp, Kỹ thuật robot, Kỹ thuật năng lượng, Quản trị doanh nghiệp và công nghệ.
- Tham gia xét tuyển vào VNU năm 2019 này, thí sinh sẽ có thuận lợi gì. Thưa ông?
SV được học tập trong một môi trường thân thiện và hiện đại |
Từ năm 2017, ĐHQGHN đã triển khai Xác nhận nhập học trực tuyến và là đơn vị đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh nhằm hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong việc đi lại và tránh được tình trạng thất lạc hồ sơ, giấy chứng nhận kết quả thi gốc khi gửi qua bưu điện.
Bên cạnh thực hiện tốt công tác tuyển sinh trong nước, VNU đẩy mạnh các hoạt động thu hút các thí sinh quốc tế theo học các CTĐT chất lượng cao, chuẩn quốc tế trong những năm gần đây. ĐHQGHN đã xây dựng Cổng tuyển sinh sinh viên quốc tế hỗ trợ các thí sinh ở nước ngoài dễ dàng đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên, ĐHQGHN đang triển khai mạnh mẽ hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng áp dụng công nghệ và phương pháp dạy học tiên tiến, tăng cường tính tương tác giữa người học và giảng viên, đổi mới giảng dạy các môn chung, phát huy cao nhất lợi thế liên ngành, liên lĩnh vực trong ĐHQGHN.
- Được biết, đào tạo bằng kép là lợi thế của VNU. Đây cũng là thuận lợi lớn cho SV nếu có nguyện vọng theo học tại VNU?
Đúng là, một trong những thế mạnh của VNU là SV có thể theo học lấy 2 bằng đại học chính quy (hay còn gọi là bằng kép, song bằng) trong thời gian đào tạo. Cụ thể, sinh viên nếu trúng tuyển vào ĐHQGHN, sau năm thứ nhất nếu đạt học lực từ loại Khá trở lên có thể đăng ký học để lấy bằng đại học chính quy thứ 2 ở trong trường mình đang theo học hoặc các trường/khoa khác thuộc ĐHQGHN.
Ví dụ sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật xây dựng có thể học lấy bằng cử nhân Công nghệ Thông tin (Trường ĐH Công nghệ) hoặc có thể học thêm để lấy bằng đại học chính quy về Luật (Khoa Luật) hoặc Kinh tế (Trường ĐH Kinh tế) và ngược lại.
Từ năm 2015 đến nay, toàn VNU đã có khoảng hơn 3.000 sinh viên tốt nghiệp nhận 2 bằng đại học và 2.500 sinh viên đang theo học bằng kép. Đặc biệt, bắt đầu từ năm nay, VNU sẽ triển khai đổi mới đào tạo tài năng và chất lượng cao theo hướng cá thể hóa.
Quan điểm của chúng tôi là đào tạo tài năng sẽ được khuyến khích mở rộng cho tất cả các ngành chứ không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực khoa học cơ bản ở khối Khoa học tự nhiên. Đồng thời, đào tạo theo hướng cá thể hóa sẽ gắn đào tạo với nghiên cứu, nhằm phát huy cao nhất năng lực, sở trường của mỗi cá nhân.
- Thời đại 4.0, lý thuyết càng cần gắn với thực tế, vậy hoạt động này ở VNU đang dược triển khai thế nào. Thưa ông?
Bạn có một nền tảng lý thuyết tốt thì bạn càng cần được thực hành để ứng dụng lý thuyết đã học vào thực tế. Thế nên, VNU chúng tôi đặc biệt chú trọng thực hành, thực tập cho sinh viên. Trong quá trình học tập, nhiều chương trình đào tạo đã gửi sinh viên đi trao đổi ở nước ngoài hoặc thực tập 1-2 học kỳ tại các doanh nghiệp.
Những chương trình đào tạo như: Robotic, Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng còn được hỗ trợ của một số trường đại học Nhật Bản trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, hỗ trợ học liệu, cơ sở vật chất thí nghiệm và thực tập cho sinh viên, cũng như tạo cơ hội cho sinh viên đi làm việc tại các doanh nghiệp và học tiếp ở bậc sau đại học.
Có thể nói là chúng tôi đã và đang gắn lý thuyết với thực tế trong đào tạo, giúp SV được trải nghiệm, làm giàu vốn kiến thức cho mình tốt nhất trước khi ra trường.
Xin cảm ơn giáo sư!