Thị trường bất động sản TPHCM ngày càng lệch pha cung cầu

GD&TĐ - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA)  vừa có báo cáo đánh giá thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2022.

Thị trường bất động sản TPHCM ngày càng thiếu nhà ở phân khúc bình dân.
Thị trường bất động sản TPHCM ngày càng thiếu nhà ở phân khúc bình dân.

Theo HoREA, thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2022 đã có dấu hiệu dần phục hồi, trong đó điểm sáng là thị trường bất động sản công nghiệp và thị trường bất động sản logistics. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, thách thức.

Nguyên nhân bắt nguồn từ một số vướng mắc từ thể chế pháp luật và khâu thực thi pháp luật, thể hiện qua hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của hơn 80 doanh nghiệp dừng triển khai thực hiện, trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc "đất công" hoặc do cổ phần hóa trước đây.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, TPHCM chỉ có 21 dự án đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 11.600 căn nhà; trong đó có 10.166 căn hộ chung cư, chiếm 87,6%, và 1.434 căn nhà thấp tầng, chiếm 12,4% tổng số nhà ở đưa ra thị trường. Giai đoạn này không còn nhà ở bình dân. Riêng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động có 5 dự án khởi công.

Đặc biệt, do quy định dự án phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà nhiều năm qua hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản tại TPHCM tiếp tục bị "ách tắc". 9 tháng đầu năm 2022, TPHCM chỉ 1 dự án được phép chuyển nhượng.

Thị trường bất động sản TPHCM đã xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu, thiếu nguồn cung dự án dẫn đến rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2022 có đến 9.305 căn nhà cao cấp ra thị trường, chiếm đến 80,2% số căn hộ trên toàn thị trường.

Theo HoREA, năm 2017 là năm thị trường bất động sản TPHCM tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua với tổng số 42.991 căn nhà.

Nhưng, từ năm 2018 đến nay đã xuất hiện rõ rệt tình trạng “lệch pha” cung - cầu, sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền, thể hiện qua số lượng nhà ở đưa ra thị trường liên tục sụt giảm qua các năm.

Cụ thể, năm 2018 nguồn cung chỉ có 28.316 căn nhà, chỉ bằng 65,8 % so với năm 2017. Năm 2019 nguồn cung chỉ có 23.046 căn nhà, chỉ bằng 53,6 % so với năm 2017. Năm 2020 nguồn cung chỉ có 16.895 căn nhà, chỉ bằng 39,2 % so với năm 2017. Năm 2021 nguồn cung chỉ có 14.443 căn nhà, chỉ bằng 33,6 % so với năm 2017.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lĩnh vực của nền kinh tế TPHCM phục hồi và tăng trưởng mạnh sau dịch Covid-19, chỉ riêng thị trường bất động sản là tăng trưởng âm (-5,82%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ