Ngân hàng quốc doanh tung gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng:

Thị trường bất động sản có lấy lại 'phong độ'?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 4 ngân hàng quốc doanh đã thống nhất có một gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ giải pháp phát triển nhà ở xã hội.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ giải pháp phát triển nhà ở xã hội.

Ngày 20/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, 4 ngân hàng quốc doanh đã thống nhất có một gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Thị trường bất động sản (BĐS) được kỳ vọng “bứt phá” sau đồng loạt những biện pháp nhằm gỡ vướng mắc pháp lý, khơi thông dòng vốn, đặc biệt với gói cho vay này.

Khan hiếm nhà ở thu nhập thấp

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, năm 2022 nguồn cung BĐS, nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung, cao cấp.

Nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm BĐS bình dân giảm dần từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5% trong năm 2022, số lượng dự án triển khai rất hạn chế.

Phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Cụ thể, năm 2022, cả nước có 682 dự án với 301.967 căn hộ, dự án nhà ở xã hội có 150 dự án với 19.967 căn hộ. Vì vậy, phải có những giải pháp thúc đẩy nguồn cung với doanh nghiệp xây dựng phân khúc này, từ đó mới thúc đẩy nguồn vốn cho thị trường BĐS.

Bộ Xây dựng đề nghị trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc.

Mục tiêu là nhằm thực hiện có hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện giai đoạn 2013 - 2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Tại Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiện có 219 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đang triển khai theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, có 140 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; 48 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; 21 dự án nhà ở tái định cư và 10 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Nguồn cung sản phẩm BĐS tại Hà Nội vẫn ở mức thấp, chủ yếu từ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ trước. Dự án đầu tư mới được chấp thuận, chỉ một vài dự án đấu giá đất với quy mô nhỏ.

Theo ông Tuấn, chính sách tín dụng siết chặt, giá nguyên vật liệu tăng cao... đã đẩy giá thành sản phẩm BĐS tăng theo, giá tăng trên 10%. Đồng thời, một số vướng mắc về thủ tục đầu tư... khiến các chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường.

Nguồn cung BĐS thông qua các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 có sự sụt giảm rõ rệt, giảm khoảng 24% số lượng căn hộ và giảm khoảng 56% diện tích sàn xây dựng.

“Bơm tiền” tăng nguồn cung nhà ở

Cư dân khu nhà ở xã hội Ecohome2 (Hà Nội).

Cư dân khu nhà ở xã hội Ecohome2 (Hà Nội).

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) kiến nghị 2 giải pháp tháo gỡ 2 khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay: Vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp BĐS, khó khăn về nguồn vốn (vốn tín dụng ngân hàng, vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng).

Với việc tháo gỡ “vướng mắc về pháp lý”, Chủ tịch HoREA kiến nghị, giải pháp tháo gỡ vướng mắc do luật. Tiếp đó là giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Và cuối cùng là tháo gỡ vướng mắc về pháp lý thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh địa phương.

Liên quan đến nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ có gói 120 nghìn tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Gói tín dụng được kì vọng sẽ giúp tăng cung về nhà ở xã hội, giảm mất cân đối với thị trường BĐS.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, với đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110 nghìn tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, NHNN nhận thấy rằng, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường BĐS.

NHNN đã họp với 4 ngân hàng quốc doanh thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp. Về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.

“Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chúng tôi thấy nhiều ý kiến, đó là Bộ Xây dựng cần rà soát tất cả các dự án, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án gắn với sản xuất kinh doanh, gắn với thương mại và dịch vụ, thì sẽ có ứng xử và giải pháp tháo gỡ riêng. Chúng tôi sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục làm việc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này...”, bà Nguyễn Thị Hồng thông tin.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, để phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững, cần phải hướng tới phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu thực về nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...
Ảnh minh họa.

Cân nhắc khi học trung cấp y

GD&TĐ - Bộ Y tế thông báo không cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ trình độ trung cấp sau ngày 31/12/2026.