Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) thi tốt nghiệp THPT thành phố để làm rõ công tác chuẩn bị kỳ thi, tránh xáo trộn không đáng có cho thí sinh.
Chủ động trước mọi tình huống
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT đến gần, Ban Giám đốc Sở GD&ĐT có biến động nhân sự (Giám đốc vừa chuyển công tác; Phó Giám đốc xin nghỉ việc). Việc này ảnh hưởng thế nào đến công tác chuẩn bị, tổ chức, điều hành kỳ thi?
- Sự biến động này về mặt nhân sự đã phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý của lãnh đạo, công chức và người lao động của cơ quan sở GD&ĐT.
Tuy nhiên, việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố. Do đó, Thành ủy, UBND thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc chuẩn bị và tổ chức kỳ thi từ những ngày đầu năm học 2020 - 2021.
Mặt khác, đây là công việc được tổ chức thành công nhiều năm. Sau mỗi kỳ thi, BCĐ thi cấp thành phố đều đánh giá, rút kinh nghiệm những ưu điểm, hạn chế trong quá trình điều hành, phối hợp tổ chức. Chính vì vậy, lãnh đạo sở, cán bộ quản lý ngành GD-ĐT cũng như các sở, ban, ngành của thành phố đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác tham mưu, phối hợp để chuẩn bị, tổ chức điều hành kỳ thi.
Có thể nói rằng đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị, tổ chức, điều hành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn diễn ra bình thường theo kế hoạch, không bị ảnh hưởng bởi sự biến động về nhân sự của sở GD&ĐT.
- Thành phố đã có phương án bổ sung, thay thế nhân sự thành viên BCĐ thi như thế nào, thưa ông?
- Trong quá trình chỉ đạo xây dựng Quy chế làm việc, BCĐ thi cấp thành phố đã thảo luận và đưa ra nhiều phương án để dự phòng các tình huống phát sinh trong quá trình chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức kỳ thi.
Phương án chính thức cũng như phương án dự phòng đã bao phủ toàn bộ những vấn đề, nội dung mang tính trọng tâm, quyết định sự thành công của kỳ thi, từ công tác tổ chức, cách thức thông tin điều hành, phương án nhân sự, chuẩn bị cơ sở vật chất, an ninh, an toàn, công tác phòng, chống dịch Covid-19, phòng, chống thiên tai, công tác xã hội hóa, hỗ trợ tổ chức kỳ thi...
Do đó, việc bổ sung, thay thế nhân sự thành viên BCĐ, nhân sự tham gia Hội đồng thi và các ban của Hội đồng thi đã được xem xét, cân nhắc và lựa chọn kỹ lưỡng về phẩm chất đạo đức, năng lực điều hành, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ để việc tổ chức điều hành kỳ thi không bị ảnh hưởng.
Truyền thông tạo đồng thuận trong xã hội
- Ngoài việc chủ động bổ sung nhân sự thay thế trong BCĐ thi, thành phố có những biện pháp nào để tạo sự an tâm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng như thí sinh, phụ huynh, nhất là trong bối cảnh đặc biệt như năm nay?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm luôn được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Hơn nữa, kỳ thi năm nay diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, việc tổ chức kỳ thi đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát.
Chỉ thị số 09CT/TU ngày 11/6/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã cho thấy cả hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố được huy động với mục tiêu tổ chức kỳ thi an toàn, đúng quy chế. Bên cạnh việc bổ sung, thay thế nhân sự tham gia BCĐ kỳ thi, UBND thành phố đã có nhiều chỉ đạo sát thực để ngành GD-ĐT, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện khẩn trương tổ chức thực hiện trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, căn cứ vào điều kiện thực tế, các đơn vị trường học tiếp tục tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 bằng nhiều hình thức khác nhau, không để học sinh vì những khó khăn nảy sinh trong việc phòng, chống dịch Covid-19 mà lơ là, gián đoạn việc học tập, ôn tập. Tổ chức cho học sinh, tham gia kỳ thi thử, qua đó, ngành GD-ĐT có những đánh giá, rút kinh nghiệm cho đội ngũ thầy cô giáo về cách thức tổ chức và phương pháp giảng dạy. Đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn cho học sinh phương pháp và kỹ năng làm bài thi.
Tổ chức quán triệt và học tập Quy chế thi, nghiệp vụ thi đến từng cán bộ quản lý, công chức, nhân viên tham gia kỳ thi. Xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức kỳ thi linh hoạt, sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Chú trọng việc lựa chọn, bố trí và phương án phòng chống dịch tại các điểm thi. Lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi (nhất là với các khâu trọng yếu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi); rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.
Tổ chức truyền thông về kỳ thi, đặc biệt quan tâm đến các chủ trương của lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể đối với kỳ thi, mục đích, yêu cầu, các điểm mới của kỳ thi năm nay đến toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố, qua đó tạo sự quan tâm, đồng thuận của toàn xã hội.
Công tác chỉ đạo, thông tin trong kỳ thi được tổ chức thực hiện nghiêm túc, bảo đảm thông suốt từ Trung ương, thành phố đến từng quận, huyện. Tiếp nhận đầy đủ và định hướng thông tin chính thức, kịp thời đến nhân dân trên địa bàn thành phố về kỳ thi thông qua các cơ quan truyền thông, báo, đài.
BCĐ cấp thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương... căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp với sở GD&ĐT chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn, đúng quy chế. Đặc biệt, quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; các điều kiện và phương án để phòng, chống dịch Covid-19 trước, trong và sau khi diễn ra kỳ thi; các phương án hỗ trợ thí sinh tham gia kỳ thi, nhất là các thí sinh có hoàn cảnh cần hỗ trợ, thí sinh ở vùng ven, vùng khó khăn về phương tiện di chuyển...
- Xin cảm ơn ông!