Thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Bảo đảm an toàn ở vùng khó

GD&TĐ - Những ngày qua, các tỉnh miền núi liên tục ghi nhận tác động tiêu cực của thời tiết, thiên tai (mưa lũ, sạt lở đất…). Bên cạnh việc hoàn tất công tác chuẩn bị, các lực lượng địa phương đồng thời phải dồn sức ứng phó, nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất để Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra thuận lợi.

Các tổ chức đoàn thể hỗ trợ thí sinh dự thi tại điểm Trường THPT Mường Kim (Lai Châu).
Các tổ chức đoàn thể hỗ trợ thí sinh dự thi tại điểm Trường THPT Mường Kim (Lai Châu).

Chủ động ứng phó thiên tai

Điện Biên liên tục ghi nhận mưa lớn, gây sạt lở, ách tắc trên nhiều tuyến giao thông. Đặc biệt là trên tuyến Quốc lộ 12, 4H… lưu thông đi các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay…

Theo ông Lương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ II Điện Biên, từ Km0 đến Km71 (Quốc lộ 4H) chỉ trong 3 ngày 3 – 5/7 đã xuất hiện hơn 100 điểm sạt, lở taluy dương và lấp tắc cống. Tổng khối lượng sơ bộ ước tính trên 10.000 mét khối đất đá.

“Do có sự trao đổi từ trước nên đơn vị đã chủ động trong công tác phối hợp bảo đảm an toàn, thông suốt phục vụ thi tốt nghiệp. Các sự cố sau khi xảy ra đều được huy động tối đa máy móc, phương tiện và nhân lực để xử lý, bảo đảm thông suốt trong thời gian sớm nhất”, ông Tùng cho hay.

Dự báo trước tình hình, đa phần cán bộ, giáo viên làm thi tại các điểm thi xa (ngoài khu vực lòng chảo Điện Biên) đều bố trí di chuyển trước 1 ngày. Được phân công coi thi tại điểm Trường THPT Chà Cang (huyện Nậm Pồ), thầy Nguyễn Văn Thạch, Trường THPT Mường Luân di chuyển từ ngày 5/7.

Học sinh dự thi tại Trường THPT Than Uyên (Lai Châu) được bố trí ăn, nghỉ nội trú tại trường.

Học sinh dự thi tại Trường THPT Than Uyên (Lai Châu) được bố trí ăn, nghỉ nội trú tại trường.

Thầy Thạch cho hay, do mưa liên tục nên suốt chặng đường đi gặp không ít điểm sạt lở, gây nhiều khó khăn. Nặng nhất là trên Quốc lộ 4H, trong đó tại Km 50 khối lượng đất đá “khổng lồ” đã lấp trọn nền đường, khiến giao thông tê liệt cục bộ.

“Tôi đi sớm nên dắt xe qua được. Sau đó mưa to, đất, đá trên đồi sạt xuống liên tục thì tắc hoàn toàn. Một số giáo viên sợ muộn phải bơi qua suối. May mà có nhân dân hỗ trợ. Lực lượng cảnh sát giao thông và cán bộ địa chất đã rất cố gắng giúp đỡ cán bộ đi làm thi vượt qua chỗ sạt lở an toàn. Sự cố cũng được khắc phục sau đó vài giờ”, thầy Thạch cho hay.

Tương tự, thầy Nguyễn Mạnh Tuân, Trường THPT huyện Tuần Giáo phải vượt hơn 80km để đến điểm thi Trường THCS – THPT Tả Sìn Thàng nhận nhiệm vụ. Đây được xác định là điểm khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa.

Một điểm sạt lở trên Quốc lộ 4H (Điện Biên) đã được khắc phục kịp thời.

Một điểm sạt lở trên Quốc lộ 4H (Điện Biên) đã được khắc phục kịp thời.

“Tôi đi từ 12 giờ trưa, đến 18 giờ tối mới tới nơi. Cả chặng gặp hơn 20 điểm sạt lở. Nhiều chỗ khó khăn, bùn lội ngập gối phải vất vả mới dắt xe qua được. Có thầy cô cùng điểm thi với tôi xuất phát lúc 8 giờ sáng từ thành phố cũng 18 giờ tối mới tới nơi”, thầy Tuân chia sẻ.

Khó khăn trong di chuyển, song theo thầy Phạm Văn Hạ, Trưởng điểm thi Trường THPT Chà Cang thì do chủ động nên không cán bộ, giáo viên nào để ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

“Mỗi cán bộ, giáo viên đều chủ động di chuyển sớm để có mặt tại điểm thi đúng thời gian quy định. Mặt khác cần phải ghi nhận sự phối hợp, hỗ trợ đắc lực của các lực lượng địa phương. Trong đó, tại mỗi điểm sạt lở đều có tổ đội lưu động hỗ trợ cán bộ làm thi di chuyển, vận chuyển đồ đạc an toàn”, thầy Hạ thông tin.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, xác nhận: Toàn bộ cán bộ, giáo viên (bao gồm cả cán bộ giám sát của 2 Trường Đại học Tây Bắc và Thủy lợi được Bộ GD&ĐT điều động đến địa phương tham gia kiểm tra công tác coi thi) đều đã có mặt đầy đủ, an toàn tại các điểm thi vào ngày 5/7.

Thí sinh tại Điện Biên đã đến làm thủ tục dự thi an toàn.

Thí sinh tại Điện Biên đã đến làm thủ tục dự thi an toàn.

Hỗ trợ đắc lực thí sinh

Những ngày qua tại huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) liên tục xảy ra mưa lớn, một số tuyến đường sạt lở, ách tắc cục bộ. Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện, không thí sinh nào gặp khó khăn hoặc phải lo lắng trong việc di chuyển.

“Để thí sinh dự thi đầy đủ và an toàn, chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng có phương án hỗ trợ em ở xa, điều kiện khó khăn được ăn, nghỉ tập trung tại trường hoặc gần trường từ sớm. Vừa bảo đảm cho thí sinh ổn định các điều kiện, đồng thời cũng yên tâm tập trung cho thi cử”, ông Chiến chia sẻ.

Nhà em Tòng Văn Kiên, lớp 12A4, Trường THPT Than Uyên ở xã Tà Hừa, cách điểm thi khoảng 60km. Giao thông ở đây chủ yếu là cấp phối, đường đất… Mùa mưa thường xuyên xảy ra sạt lở, lầy lội, trơn trượt khó di chuyển. Ngay từ thời gian cao điểm ôn thi, Kiên được nhà trường tạo điều kiện cho về ở tập trung nội trú tại trường.

“Ở trong trường, em có chỗ nghỉ ngơi rộng rãi. Được thầy cô chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ và thường xuyên động viên về tinh thần, hướng dẫn cách giữ ổn định tâm lý nên chúng em khá thoải mái. Đợt thi này em còn được nhận tiền hỗ trợ thêm. Hiện, em không có gì lo lắng, chỉ tập trung để làm sao làm bài thi tốt nhất”, Kiên bộc bạch.

Theo cô Huỳnh Thị Quế, giáo viên Trường THPT Than Uyên, sự hỗ trợ không chỉ tạo thêm động lực cho học sinh, mà còn tháo gỡ khó khăn cho nhà trường. Số tiền các thí sinh được hỗ trợ sẽ chia trong 3 ngày (từ 6 - 8/7). Theo đó, mỗi ngày 120 nghìn đồng sẽ bảo đảm đủ thực phẩm, dinh dưỡng 3 bữa/ngày cho học sinh.

Còn tại huyện Sốp Cộp – địa bàn biên giới khó khăn của tỉnh Sơn La, các nhà trường cũng chủ động mọi phương án hỗ trợ để thi sinh ổn định chỗ ăn, nghỉ, yên tâm thi cử. Cô Nguyễn Thị Thư, Trưởng điểm thi Trường THPT huyện Sốp Cộp, cho biết: Mặc dù, thời điểm mùa mưa có xảy ra mưa bão tại một số nơi, song không ảnh hưởng đến học sinh và công tác chuẩn bị tại điểm thi.

“Hiện có 40 học sinh ở ngoài, tuy nhiên đều có nhà nằm gần điểm thi, thuận lợi đi lại. Mọi khâu chuẩn bị đã được nhà trường lên phương án chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em yên tâm thi cử. Thời tiết từ 5/7 đến nay khá thuận lợi, không xảy ra mưa hoặc nắng nóng cục bộ nên tâm lý và sức khỏe của thí sinh ổn định”, cô Thư cho hay.

“Sáng 5/7 các điểm thi đã họp phiên thứ nhất, bao gồm trưởng, phó trưởng, thư ký và thanh tra. Chiều cùng ngày kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ thi bảo đảm theo quy định. Ngày 6/7, toàn thể cán bộ làm công tác thi tiếp tục họp quán triệt và phân công nhiệm vụ tại điểm thi. Các thí sinh tham gia đăng ký thi thuận lợi, không gặp vướng mắc”. - Ông Nguyễn Văn Đoạt (Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.