Trường vùng khó ôn thi tốt nghiệp: Thầy giúp thầy, trò giúp trò

GD&TĐ - Các phương án gỡ khó trong công tác ôn thi tốt nghiệp đã được nhiều trường THPT vùng khó xây dựng, tính toán dựa trên điều kiện thực tế dịch bệnh, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…

Học sinh Trường THPT số 3 Mường Khương nỗ lực ôn tập. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT số 3 Mường Khương nỗ lực ôn tập. Ảnh: NTCC

Khó khăn từ thực tế

Trường THPT Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng đối diện một số khó khăn khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ đầu năm học tới nay, toàn trường trải qua 4 đợt nghỉ phòng, chống dịch với thời gian khoảng 2 tháng. Việc dạy học xen kẽ trực tuyến - trực tiếp không mang lại hiệu quả, chất lượng như mong muốn. Mặt khác tâm lý, ý thức học sinh cũng bị ảnh hưởng. Cùng đó, một số học sinh sống ở bè, lán nên sóng điện thoại chập chờn, kết quả học trực tuyến không cao; có học sinh đi học xa hàng chục km, việc đi về trong ngày khiến mệt mỏi, không có thời gian ôn tập…

Thầy Nguyễn Trung Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà trao đổi: Trường đã cơ bản hoàn thành việc dạy học chương trình cốt lõi, công tác phòng dịch trên địa bàn cũng dần ổn, học sinh trở lại học trực tiếp… nên trường sẽ tận dụng tối đa thời gian “vàng” để vừa dạy vừa ôn tập trực tiếp cho học sinh khối 12.

Việc ôn tập cũng được trường chia theo từng nhóm với trình độ, năng lực tiếp thu tương đương để giáo viên có phương pháp ôn phù hợp. Tuy nhiên, công tác ôn tập đặc biệt tập trung vào nhóm học sinh khó khăn, tiếp thu chậm, năng lực yếu kém.

Trường THPT số 3 Mường Khương là một trong số trường vùng cao khó khăn nhất của huyện Mường Khương và tỉnh Lào Cai với trên 98% học sinh dân tộc, sức học và tiếp thu chậm, yếu phương pháp tự học. Đội ngũ giáo viên trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề nên kinh nghiệm ôn tập chưa nhiều; số giáo viên/bộ môn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu ôn thi hàng ngày.

Với 85 học sinh lớp 12/2 lớp, 100% học sinh đăng ký thi tổ hợp Khoa học xã hội, trường dự định kết thúc dạy học nội dung chương trình chính khóa trước 30/4 sau đó tập trung ôn tập 3 ca sáng, chiều, tối theo các hình thức khác nhau.

Thầy Lù Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Để tháo gỡ khó khăn trong công tác ôn thi tốt nghiệp THPT, Ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên thường xuyên trao đổi chuyên môn, phương pháp ôn tập với những giáo viên trong tỉnh (đặc biệt giáo viên ở các trường giàu truyền thống ôn thi) qua hình thức trực tuyến.

Mặt khác, phong trào “trường giúp trường” cũng được đẩy mạnh. Trường THPT chuyên Lào Cai đã cử đội ngũ giáo viên ôn tập cho học sinh khối 12 theo cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Học sinh câu lạc bộ tiếng Anh lớp 12 trường chuyên cũng chia sẻ phương pháp ôn tập với học sinh Trường THPT số 3 Mường Khương.

Ngoài cách tháo gỡ khó khăn trên, thầy Lù Văn Thành cũng khẳng định: Sau khi kết thúc năm học, học sinh lớp 10, 11 nghỉ hè trường sẽ thống nhất với phụ huynh đưa hoàn toàn học sinh khối 12 vào trường ăn ở, sinh hoạt và ôn thi tập trung. Như vậy sẽ hạn chế nguy cơ lây mắc dịch bệnh, mặt khác hiệu quả ôn tập tại trường sẽ tốt hơn so với các em tự ôn.

Ở chặng “nước rút” trường sẽ chia 85 học sinh thành 3 nhóm: Khá, trung bình và nguy cơ trượt tốt nghiệp để ôn tập. Buổi sáng dạy ôn đại trà, buổi chiều ôn theo đối tượng, buổi tối hướng dẫn học sinh tự ôn luyện đề trên máy tính.

Trường THPT Đồng Văn (Đồng Văn, Hà Giang) có gần 100% học sinh dân tộc Mông, tiếp thu hạn chế, sự quan tâm của gia đình đối với việc học chưa cao. Về phía nhà trường, tổng 17 lớp mới có 14 phòng học nên vẫn phải chia các lớp thành 2 ca để dạy; thiếu phòng nên trường cũng không thể tăng thêm số buổi ôn tập cho học sinh khối 12 vào buổi chiều.

"Dự kiến sau khi kết thúc năm học sẽ chia 158 học sinh khối 12 theo nhóm ôn tập các buổi sáng và tuần 3 buổi chiều. Các buổi chiều ôn tập có ít nhất 1 buổi giáo viên hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp, và quan tâm đặc biệt với học sinh có sức học yếu…”, thầy Huân trao đổi.

Theo thầy Nông Thế Huân, Hiệu trưởng nhà trường, thầy cô đang song song dạy kiến thức căn bản các buổi sáng kết hợp ôn tập đại trà cho học sinh theo lớp, 3 buổi chiều/tuần. “Vì điều kiện gia đình khó khăn nên học sinh của trường không thể học ôn theo hình thức trực tuyến. Do đó, nhà phải tận dụng tối đa thời gian dịch bệnh chưa bùng phát, học sinh học tại trường để ôn tập.

Giáo viên, học sinh Trường THPT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) song song dạy kiến thức mới và ôn tập. Ảnh: NTCC
Giáo viên, học sinh Trường THPT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) song song dạy kiến thức mới và ôn tập. Ảnh: NTCC

Tạo mọi điều kiện để ôn tập hiệu quả

Khó khăn lớn nhất trong công tác ôn thi của Trường THPT Cát Bà là điều kiện sinh hoặt ăn ở của học sinh còn khó khăn (ở lán bè, xa trường). “Do đó bước vào đợt ôn tập cao điểm (cả sáng và chiều) trường sẽ sử dụng phòng công vụ, phòng khách cho học sinh nghỉ lại buổi trưa, tránh “vạ vật” ảnh hưởng sức khỏe. Mặt khác, trường tính đến phương án để học sinh có hoàn cảnh khó khăn (nếu có nhu cầu) ở lại trường trong 2 tháng ôn tập “nước rút”, sẽ bố trí công tác hậu cần hỗ trợ. Như vậy, các em sẽ không mất thời gian di chuyển trong ngày”, thầy Nguyễn Trung Thành trao đổi.

Bên cạnh khó khăn chung, Trường THPT Đồng Văn đối diện rào cản riêng là ý thức của học sinh trong việc học và ôn thi tốt nghiệp chưa cao. Do đó cần phải tháo gỡ bằng nhiều cách.

Theo thầy Nông Thế Huân, một mặt sẽ cho học sinh khối 12 sinh hoạt, ăn ở tại trường để ôn tập theo khép kín nhằm bảo đảm cao nhất sự tập trung, vừa phòng trừ lây nhiễm dịch bệnh. Với học sinh mang tâm lý thi tốt nghiệp không quan trọng, trường đẩy mạnh tuyên truyền, động viên để các em nâng cao ý thức, tránh tâm lý rã đám, học đối phó dù vẫn tham gia ôn tập.

Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT Lào Cai) bày tỏ: Dạy học trực tuyến chỉ đạt hiệu quả đối với học sinh có máy tính. Với em có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa thì việc học qua Internet hiệu quả chưa cao. Do đó với nhóm học sinh thiệt thòi khi học trực tuyến, nhận thức yếu, sở yêu cầu các trường cần kiểm tra kiến thức để tổ chức ôn tập, phân hóa đối tượng; nên tổ chức ôn tập riêng để bổ sung kiến thức cho học sinh.

Nội dung ôn tập phải tinh giản phù hợp, không tăng số tiết ôn tập quá nhiều ở môn Toán, Tiếng Anh gây quá tải cho học sinh; quan tâm động viên hướng dẫn tự học các buổi chiều, buổi tối trong khu bán trú, nội trú của nhà trường… “Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, sở yêu cầu các trường quan tâm đặc biệt đến học sinh yếu, học trực tuyến không hiệu quả, có nguy cơ trượt tốt nghiệp…”, ông Tùng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ