Ôn tập mùa dịch: Trường vùng khó "đua nước rút"

GD&TĐ - Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới dạy học và ôn tập thi tốt nghiệp các trường THPT, đặc biệt trường vùng khó.

Cô trò khối 12 Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) vừa dạy kiến thức buổi sáng vừa ôn tập thi tốt nghiệp buổi chiều. Ảnh: NTCC
Cô trò khối 12 Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) vừa dạy kiến thức buổi sáng vừa ôn tập thi tốt nghiệp buổi chiều. Ảnh: NTCC

Tùy theo điều kiện, thầy cô sẵn sàng phương án ứng phó linh hoạt nhằm đảm bảo kiến thức, tâm lý để học trò tự tin bước vào kỳ thi. 

Linh hoạt kế hoạch

Thầy Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT huyện Bát Xát (Lào Cai) trao đổi: Để giữ an toàn sức khỏe cho học sinh trong bối cảnh dịch phức tạp nên ngay sau Tết trường đã yêu cầu 100% học sinh bán trú ở lại trường cả thứ 7, Chủ nhật.

107 học sinh khối 12 đang học trực tuyến tại lớp với nội dung kiến thức chính khóa. Dự kiến hết tháng 3 khi kết thúc chương trình và giáo viên diện F0 hoàn thành điều trị sẽ tổ chức ôn thi trực tiếp trên lớp.

Thậm chí, ban giám hiệu sẽ trao đổi với tất cả phụ huynh học sinh ngoại trú để đưa các em vào trường ăn ở, ôn thi tập trung tới khi đi thi. Trường hợp xuất hiện học sinh F0, F1 cũng bố trí ăn ở và ôn tập tại phòng cách ly riêng tại trường để tránh lây lan mà vẫn đảm bảo ôn tập.

Trường THPT Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) dù nằm ngoài đảo song dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới trường lớp và việc dạy học ôn tập. Thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Trường có 68 học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp. Sau nghỉ học phòng, chống dịch, học sinh đã trở lại học trực tiếp, song vì thời gian nghỉ nhiều và không triển khai được dạy học trực tuyến nên kế hoạch ôn tập đặt ra đầu tháng 2 chưa thể tiến hành.

Dự kiến tuần 2 của tháng 3 trường vừa dạy kiến thức chương trình chính khóa vào buổi sáng vừa ôn thi tốt nghiệp 2 buổi/tuần các buổi chiều. Số tiết ôn tập sẽ tăng lên khi các nội dung chính khóa hoàn thành.

Theo thầy Hà, do số lượng học sinh khối 12 ít và chủ yếu đăng ký thi các môn khoa học xã hội (gần 90%), môn khoa học tự nhiên (hơn 10%) nên trường tiến hành ôn tập theo lớp với hình thức trực tiếp chứ không chia nhỏ theo nhóm, trình độ…

“Nếu chia theo trình độ thì học sinh có sức học trung bình thường mặc cảm, không tự tin, học không hiệu quả… thậm chí không muốn học, bỏ thi. Ban giám hiệu đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và bộ môn trong quá trình dạy và ôn tập quan tâm tới học sinh sức học yếu, nắm bắt sát sao để có phương pháp bồi dưỡng, ôn tập phù hợp. Như vậy, cũng tạo tâm lý thoải mái hơn, mặt khác ôn tập cùng học sinh khá giỏi cũng hỗ trợ thêm cho các em bên cạnh giáo viên…”, thầy Hà bày tỏ.

Trường THPT Đồng Văn (Đồng Văn, Hà Giang) có gần 100% học sinh dân tộc. Cô Lương Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Do ảnh hưởng của dịch nên trường tiến hành song song vừa dạy kiến thức buổi sáng vừa ôn thi tốt nghiệp 3 buổi/tuần vào buổi chiều.

Vì điều kiện cơ sở vật chất có hạn nên trường không thể thực hiện giãn cách lớp học và ôn tập. Học sinh nào diện F0 sẽ nghỉ ở nhà điều trị, hết bệnh trở lại ôn tập trực tiếp tại trường. Mặt khác, vì khối 12 có 191/192 học sinh đăng ký tổ hợp khoa học xã hội do đó ôn theo lớp thuận lợi hơn chia nhóm.

Trường đang dạy học ở tuần 25, nếu dịch bệnh không bùng phát, học sinh không phải nghỉ học thì cuối tháng 4 sẽ kết thúc chương trình học kỳ II. Ngay sau đó trường sẽ triển khai ôn tập tăng cường cả buổi sáng và chiều để giáo viên, học sinh dồn tổng lực và thời gian ôn tập.

Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà ôn thi tốt nghiệp (trước khi chuyển sang học và ôn trực tuyến). Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà ôn thi tốt nghiệp (trước khi chuyển sang học và ôn trực tuyến). Ảnh: NTCC

Giúp trò vượt “vũ môn”

Dịch bệnh nên việc học, ôn tập của học sinh khối 12 phải thay đổi và ảnh hưởng không nhỏ. Với học sinh vùng khó thì sự tác động càng rõ rệt bởi nhiều em trong quá trình tạm nghỉ học phòng chống dịch chưa thể tiếp cận với học trực tuyến. Việc học có sự gián đoạn nhất định, dẫn tới kết quả không như mong muốn.

Cô Lương Thị Ngọc Hà, bày tỏ: Hy vọng dịch không chuyển biến xấu để việc dạy và ôn tập theo đúng tiến độ. Nếu có dấu hiệu dịch bùng phát, trường sẽ đẩy nhanh tiến độ dạy và ôn để tranh thủ thời gian “vàng” trực tiếp cho học sinh khối 12.

“Với Trường THPT Đồng Văn việc dạy học online khó khả thi. Thống kê sơ bộ, chỉ 1/3 học sinh khối 12 có điều kiện học trực tuyến. Nên tinh thần chung vẫn là tăng cường thêm ôn tập trực tiếp các buổi chiều song song với học kiến thức.

Mặt khác, với học sinh vùng cao, việc nâng cao tâm lý, ý thức với học ôn và thi cử rất cần thiết. Nếu không trao đổi, động viên để các em biết chấp nhận và chủ động khắc phục khó khăn dịch bệnh mang lại rất dễ nảy sinh tâm lý uể oải, lười học, mất tự tin khi bước vào thi...”, cô Hà cho biết.

Trên cơ sở thực tế dịch bệnh cùng hướng dẫn của Bộ, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã yêu cầu các trường kết hợp song song dạy học trực tiếp và trực tuyến linh hoạt. Bên cạnh cung cấp kiến thức mới đi liền với hệ thống hóa kiến thức, các dạng đề, bài… để học sinh sớm ôn tập.

Chia sẻ thông tin trên, ông Lê Văn Tính, Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên (Sở GD&ĐT Quảng Trị) đồng thời cho biết: Sở cũng yêu cầu 100% các trường phải xây dựng kế hoạch ôn tập tốt nghiệp sớm cho từng môn cụ thể về kiến thức, thời gian, giải pháp ôn tập… Sở sẽ tăng cường kiểm tra tiến độ, kế hoạch chất lượng dạy và ôn thi tốt nghiệp. Dù triển khai dạy học, ôn tập trực tiếp hay trực tuyến đều yêu cầu các trường lấy chất lượng làm đầu, không dồn ép về mặt thời gian, tiến độ để ảnh hưởng tới hiệu quả, tâm lý…

Học sinh Vàng Thị Phương, lớp 12A3 Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà - Lào Cai) chia sẻ: Việc học và ôn thi trực tuyến đã kéo dài 2 tuần, tuy nhiên mạng yếu khiến tiếp nhận bài giảng chập chờn, không nghe rõ thầy cô giảng. “Em phải nhắn tin nhờ bạn chụp lại phần bài giảng bị mất sóng để học bổ sung; phần kiến thức nào chưa hiểu em gọi điện nhờ thầy cô giảng lại... Ôn thi trực tuyến không hiệu quả như trực tiếp. Em thấy lo lắng vì kỳ thi đang đến gần. Mong sao dịch bệnh sớm ổn định để em được trở lại trường ôn tập cùng thầy cô và các bạn… 

Tại Trường THPT số 1 Bắc Hà việc dạy và ôn tập học sinh khối 12 chuyển sang trực tuyến 2 tuần nay do dịch. Trong khi đó vẫn còn học sinh không có thiết bị học, hiệu quả không thể bằng trực tiếp. Để khắc phục khó khăn, theo cô giáo Lâm Thị Oanh, Trường THPT số 1 Bắc Hà, giáo viên soạn phiếu ôn tập với nội dung kiến thức căn bản gửi tới tận tay học sinh chưa có thiết bị học tập. Mặt khác, Đoàn trường lập danh sách và kết hợp với đơn vị khác trao thiết bị học tập kịp thời để không gián đoạn học và ôn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ