Yên tâm bố trí nhân sự
Theo chia sẻ của ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 giữ ổn định phương thức thi. Điều này giúp người học và cha mẹ học sinh an tâm. Đồng thời, tạo sự ổn định trong các khâu tổ chức ở địa phương, trong đó có việc ôn tập của nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT, có một số điểm mới tạo thuận lợi cho địa phương trong tổ chức thực hiện.
Nhấn mạnh đến điểm mới về nhân sự, ông Trần Tuấn Khanh cho biết: Quy chế sửa đổi, bổ sung mở rộng thành phần nhân sự tham gia Hội đồng thi, cụ thể gồm: Các Phó Chủ tịch là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, lãnh đạo phòng có chức năng quản lý giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên cấp THPT và công tác thi tốt nghiệp THPT thuộc sở GD&ĐT. Sửa đổi này giúp địa phương thuận lợi hơn trong việc bố trí nhân sự tham gia Hội đồng thi.
“Lãnh đạo Sở GD&ĐT tối đa chỉ có một giám đốc và ba phó giám đốc, không thể kiêm đủ các ban. Chưa kể, có nơi ban giám đốc không đủ 4 người hoặc có thể xảy ra trường hợp trong ban giám đốc có người thân tham gia kỳ thi. Bởi vậy, cho phép lãnh đạo phòng có chức năng quản lý giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên cấp THPT và công tác thi tốt nghiệp THPT thuộc sở GD&ĐT làm phó chủ tịch Hội đồng thi là phù hợp. Mặc dù chưa triển khai bố trí nhân sự, nhưng việc thành lập Hội đồng thi và các ban của Hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại An Giang sẽ mở rộng việc lựa chọn nhân sự cho Hội đồng thi theo đúng quy định của Quy chế”, ông Trần Tuấn Khanh cho biết.
Quán triệt các điểm mới
Một số điều chỉnh, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT có liên quan đến thí sinh như tăng thêm quyền lợi, đồng thời quy định rõ hơn về đình chỉ thi. Phân tích một số điểm mới, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết: Trước đây, không có cơ chế xử lý với thí sinh không đủ điều kiện dự thi do xếp loại hạnh kiểm chưa đạt yêu cầu. Nhưng Quy chế mới đã bổ sung với quy định:
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định.
Ngoài ra, với thí sinh chưa tốt nghiệp đã dự thi đủ các bài thi, việc bảo lưu kết quả năm nay đưa thêm trường hợp: Điểm bài thi tổ hợp đạt từ 5 trở lên và các môn thi thành phần của bài thi này đều đạt trên 1 điểm. Điểm lợi thứ 3 với thí sinh là bổ sung thêm đối tượng ưu tiên thí sinh được giải Tư thi khoa học kỹ thuật quốc gia, được cộng thêm 1,5 điểm.
Quy chế cũng bổ sung quy định xử lý với các thí sinh khi mang vật dụng trái phép vào phòng chờ, hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ. Thí sinh không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.
Các năm trước, dù có quy định áp dụng trong khu vực thi nhưng chưa cụ thể, bao quát nên nhiều thí sinh chưa hiểu đúng và nghĩ rằng mình chỉ tuân thủ Quy chế khi vào phòng thi. Việc quản lý thí sinh trong phòng chờ (nhất là thí sinh đã thi xong) gặp khó khăn, dễ gây mất trật tự làm ảnh hưởng khu vực thi.
Với lỗi vi phạm, Quy chế bổ sung thêm quy định về vi phạm với thí sinh bị đình chỉ thi. Trong đó, đặc biệt lưu ý vi phạm ở phòng chờ. Cụ thể, một trong những trường hợp thí sinh bị đình chỉ là mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 của Quy chế vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết: Những điểm mới nói trên sẽ được đặc biệt lưu ý tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, quán triệt để những người làm công tác thi, giáo viên, đặc biệt là học sinh nắm được. Đây cũng là nội dung được các địa phương chú trọng trong quá trình chuẩn bị tổ chức kỳ thi.
Chia sẻ của ông Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quí, Tháp Mười (Đồng Tháp): Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT, nhà trường có hình thức để triển khai Quy chế đến từng giáo viên, học sinh. Trong đó có việc trích lại các điểm mới gửi giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, để thông qua các tiết sinh hoạt nhắc nhở tới học sinh. Tuyên truyền nội dung này trong sinh hoạt dưới cờ. Việc phối hợp với cha mẹ học sinh được đẩy mạnh để cùng nhắc nhở, hướng dẫn học sinh…
Tại Vĩnh Phúc, thông tin từ ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Sở GD&ĐT, sau khi có hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GD&ĐT, sở sẽ đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, bắt đầu từ mỗi nhà trường; tăng cường phổ biến trên các phương tiện truyền thông, website của sở GD&ĐT... Làm sao để từ cán bộ làm công tác thi, đến giáo viên, học sinh đều nắm vững Quy chế, không mắc vi phạm đáng tiếc.
Áp dụng ngay trong kỳ thi thử
Để thí sinh hiểu kỹ hơn về các điểm mới của Quy chế, một số địa phương cho biết sẽ áp dụng ngay những điểm mới này vào kỳ thi thử, hoặc kỳ khảo sát dành cho học sinh lớp 12. Riêng An Giang, theo ông Trần Tuấn Khanh, sở GD&ĐT sẽ tuyên truyền, vận dụng một số điểm vào kiểm tra cuối học kỳ II sắp tới để học sinh làm quen. Tại Đồng Tháp, hằng năm địa phương vẫn tổ chức kỳ khảo sát với cách thức nghiêm túc tương tự thi thật, thậm chí bố trí cán bộ cũng là 2 người để cả cán bộ làm thi và thí sinh đều được làm quen.
Tại Vĩnh Phúc, hằng năm cũng tổ chức kỳ khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh. Ông Hoàng Minh Tuấn cho biết: Kỳ khảo sát tổ chức giống như thi thật, như gộp thành các điểm thi. Sở yêu cầu các trường thực hiện đúng yêu cầu về số lượng thí sinh khối phổ thông (tối thiểu là 60%), giáo dục thường xuyên (không quá 40%); bố trí phòng chờ (về cơ bản)… Cách làm này không chỉ giúp thí sinh làm quen với điểm thi, cách thức tổ chức thi, mà còn là dịp các nhà trường sẵn sàng cho công tác tổ chức thi tốt nghiệp – cả về điều kiện cơ sở vật chất và con người.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Vĩnh Phúc có xấp xỉ 14.260 thí sinh dự thi, tăng khoảng 2.000 thí sinh so với năm 2020. Dự kiến có 27 điểm thi, với 605 phòng thi, tăng khoảng 80 phòng thi so với năm 2020. Sở GD&ĐT đã chuyển tới các nhà trường Thông tư 05 của Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi Quy chế thi. Địa phương đang chuẩn bị tổ chức khảo sát chất lượng trong toàn tỉnh đối với học sinh lớp 12. Phương án tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp, dự kiến vào 19 - 20/4.
Dù Quy chế cho phép huy động giáo viên THCS tham gia coi thi, nhưng Vĩnh Phúc cố gắng sử dụng toàn bộ là giáo viên THPT. Thời điểm này, các đơn vị, nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng cho tổ chức thi tốt nghiệp. Giáo viên coi thi thực hiện các bước như với kỳ thi tốt nghiệp như là bước chuẩn bị để nắm vững Quy chế thi.
Học sinh được đánh giá chất lượng học tập giúp thầy cô và học sinh có kế hoạch ôn tập cụ thể nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Học sinh được làm quen với địa điểm tổ chức thi (do thi ghép các đơn vị nên học sinh một số nhà trường thi tại trường khác trên địa bàn huyện/thành phố)” - Đây là những thuận lợi cho kỳ thi tới tại Vĩnh Phúc, ông Hoàng Minh Tuấn chia sẻ.