Thi tốt nghiệp THPT - Địa phương nhập cuộc: Nỗ lực cho kỳ thi an toàn, hiệu quả

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đang đến gần trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi các địa phương sự chuẩn bị kĩ càng với nhiều phương án tối ưu.

HS lớp 12 tại Lào Cai ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: NTCC
HS lớp 12 tại Lào Cai ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: NTCC

Bà Dương Bích Nguyệt – Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai đã trao đổi với Báo GD&TĐ về công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại địa phương.

Sẵn sàng các điều kiện

-  Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khâu chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp năm 2021 tại địa phương có gì mới, đặc biệt hơn năm trước không?

- Sở GD&ĐT Lào Cai đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức kỳ thi. Mặt khác, sở GD&ĐT cũng tổ chức tập huấn Quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi cho các đơn vị.

Sở GD&ĐT đã ban hành công văn về hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; Chỉ đạo các đơn vị tổ chức tập huấn Quy chế thi, nghiệp vụ thi cho tất cả cán bộ quản lý, GV, nhân viên, HS trong nhà trường; kiểm tra việc nắm Quy chế và nghiệp vụ thi. Tổ chức, hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi...

Cùng đó, Sở tổ chức thi thử tốt nghiệp và yêu cầu các đơn vị tổ chức thi theo đúng các quy định của Quy chế thi. Đặc biệt, các đơn vị đặt Điểm thi phải thực hiện rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức thi; liên hệ bố trí chỗ ăn nghỉ cho cán bộ tham gia làm thi tại các Điểm thi;

Bố trí chỗ ăn nghỉ tập trung cho thí sinh các đơn vị ở xa đến dự thi, không có thí sinh bỏ thi do quên giờ hay khó khăn về kinh phí, điều kiện đi lại và các điều kiện khách quan…

Do dịch Covid-19 ở thời điểm hiện tại rất phức tạp, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch dạy học, đẩy phần ôn tập kiến thức và thi học kỳ II lên trước để chậm nhất hết ngày 8/5 HS khối 12 các trường THPT thi học kỳ II để bảo đảm điều kiện thi tốt nghiệp THPT.

Mặt khác, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, các phương án tổ chức kỳ thi theo các cấp độ diễn biến của dịch Covid-19 để sẵn sàng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế trong mọi tình huống phù hợp với thực tiễn của địa phương...

- Sau mỗi Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương rút ra bài học, kinh nghiệm để hoàn thiện hơn ở năm tới. Vậy, kinh nghiệm của ngành Giáo dục Lào Cai là gì?

- Theo tôi kinh nghiệm trước tiên là cần nhất quán quan điểm từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT và cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kỳ thi; Phải đảm bảo mọi điều kiện để kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối, nghiêm túc, đúng quy chế và tổ chức các khâu theo kế hoạch, không gây áp lực cho các lực lượng tham gia, nhất là HS.

Cùng đó cần chủ động xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó trong các tình huống bất ngờ; Phối hợp tốt với sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức đoàn thể chuẩn bị chu đáo về nhân sự, cơ sở vật chất để bố trí phòng thi dự phòng, Điểm thi dự phòng; chuẩn bị chỗ ăn nghỉ cho cán bộ làm thi, cho thí sinh ở xa về dự thi.

Chú trọng công tác lựa chọn nhân sự đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của Quy chế thi tham gia tổ chức kỳ thi; Tổ chức nhiều đợt tập huấn, phổ biến, quán triệt kỹ Quy chế và hướng dẫn thi cho tất cả bộ phận tham gia tổ chức kỳ thi; Kiểm tra việc nắm Quy chế, hướng dẫn thi của những người tham gia để thực hiện thành thạo các thao tác trong quá trình tổ chức thi.

Thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức các khâu của kỳ thi; phối hợp với thanh tra Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra các khâu của kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế. Chủ động phối hợp tốt với cơ quan truyền thông tuyên truyền cho kỳ thi để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội về tổ chức kỳ thi.

Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai - Dương Bích Nguyệt. Ảnh: NVCC
Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai - Dương Bích Nguyệt. Ảnh: NVCC

Chủ động trước mọi tình huống

- Dịch bệnh, thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vậy ngành GD-ĐT Lào Cai đã sẵn sàng phương án đối phó ra sao để Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 về đích an toàn, hiệu quả?

- Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch dạy học, đẩy phần ôn tập kiến thức và thi học kỳ II lên trước để khối 12 ở các trường THPT hoàn thành thi học kỳ II sớm.

Đồng thời khởi động lại hệ thống dạy, học trực tuyến để sẵn sàng phương án dạy học, ôn thi tốt nghiệp THPT cho HS nếu phải thực hiện giãn cách xã hội.

Chỉ đạo các đơn vị đặt điểm thi phải rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức thi, chuẩn bị các phòng thi dự phòng trong trường hợp có thí sinh có biểu hiện sốt, ho… hoặc xuất hiện tình huống thiên tai bất thường.

Chủ động xây dựng kế hoạch, các phương án tổ chức kỳ thi theo các cấp độ diễn biến của dịch Covid-19; Phối hợp với sở Y tế, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, hóa chất tổ chức phun khử khuẩn các khu vực tổ chức thi, khu vực in sao đề thi, chấm thi…; Rà soát trường hợp GV, thí sinh thuộc diện F1, F2 để xây dựng phương án tổ chức thi…

- Khó khăn ngành phải đối diện khi vừa tổ chức ôn thi, chuẩn bị điều kiện vừa phòng chống dịch Covid-19?

- Ngoài những thuận lợi nhất định, ngành cũng gặp phải một số vướng mắc. Cụ thể như việc tổ chức ôn tập trực tuyến phần nào gây khó khăn cho GV và HS trong quá trình trao đổi, thảo luận, nhất là phần hướng dẫn kỹ năng làm bài thi.

Việc bố trí phòng thi dự phòng, điểm thi dự phòng còn khó về điều kiện cơ sở vật chất (do địa hình miền núi diện tích trường học cơ bản hẹp,  quy mô số phòng học/trường ít nên điểm dự phòng sẽ có nơi phải sử dụng 2 địa điểm cho một điểm thi). Phải huy động số lượng lớn nhân lực tham gia cho cả phương án thi chính thức và phương án dự phòng (cán bộ quản lý, GV cấp THCS) dẫn tới khó khăn cho công tác phổ biến quán triệt Quy chế, nghiệp vụ thi và công tác điều hành tại các điểm thi.

Việc kiểm soát dịch Covid-19 cũng là vấn đề không dễ bởi số lượng thí sinh dự thi và cán bộ tham gia làm thi tại các điểm thi khá đông…

- Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ