Thi tay nghề - kinh nghiệm từ Hàn Quốc

GD&TĐ - Thi tay nghề giúp nâng cao năng lực của người lao động, nuôi dưỡng nhân tài và góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong công tác thi tay nghề tại Việt Nam đang là vấn đề hết sức cần thiết.

Thi tay nghề - kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Đặc biệt là nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực thi kỹ năng nghề với Hàn Quốc, bởi đây là quốc gia phát triển, có nhiều kinh nghiệm và thành tích cao tại các kỳ thi tay nghề thế giới.

Đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Về các cuộc thi tay nghề tại Hàn Quốc, ông Kwon Sang Won - Chuyên gia Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HDR) cho biết: Trong những năm 60, nền kinh tế Hàn Quốc tập trung vào công nghiệp nhẹ, chính vì thế các hạng mục tổ chức thi tay nghề đều liên quan đến những kỹ năng nghề nghiệp trong công nghiệp nhẹ.

Thời gian này, Hàn Quốc tham gia thi tay nghề trên đấu trường quốc tế và đã gặt hái được khá nhiều thành công, đặc biệt trong ngành may mặc. Những năm 80, nền kinh tế Hàn Quốc có sự chuyển dịch nền công nghiệp sang công nghiệp nặng và công nghiệp hóa dầu. Vì vậy các hạng mục được lựa chọn để thi tay nghề cũng thay đổi để phục vụ cho nền kinh tế như: hàn, chế tạo khuôn mẫu, cơ khí, hóa dầu...

Từ những năm 90, nền kinh tế bước sang giai đoạn mới, nền công nghiệp công nghệ thông tin và những hạng mục thi tay nghề cũng được thay đổi, tập trung vào thiết kế đồ họa, thiết kế web, cơ điện tử... Đến nay, bước vào thời đại công nghệ 4.0, nội dung các cuộc thi tay nghề sẽ tập trung vào phần mềm, smartphone, game, robot công nghiệp, chế tạo tổng hợp, công nghệ cao...

Chia sẻ kinh nghiệm công tác thi tay nghề, ông Kwon Sang Won cho rằng: Nguồn nhân lực Việt Nam hiện rất dồi dào phong phú và có những yếu tố tiềm năng trong phát triển nền kinh tế. Với những điểm tương đồng về giáo dục nghề nghiệp, Hàn Quốc có thể hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam về kinh nghiệm trong tổ chức thi tay nghề quốc gia, ASEAN, huấn luyện tuyển thủ quốc gia tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới.

Tăng cường hợp tác GDNN

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tại Việt Nam, kỳ thi tay nghề của các Bộ ngành và địa phương, được tổ chức hàng năm, hoặc tổ chức vào năm chẵn để chuẩn bị thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề quốc gia. Tất cả các kỳ thi, đều hướng tới kỳ thi tay nghề quốc gia, thi tay nghề ASEAN và thế giới. Thí sinh tham dự các kỳ thi này đều có một điều kiện chung là độ tuổi tính đến thời điểm thi là dưới 22 tuổi, riêng đối với các nghề cơ điện tử, lắp cáp mạng thông tin thí sinh được quy định dưới 25 tuổi. Đây cũng là độ tuổi được quy định tại kỳ thi tay nghề thế giới.

Trong những năm gần đây, thành tích của đoàn Việt Nam tại các kỳ thi trong khu vực và quốc tế là khá ấn tượng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Ông Lê Văn Phòng - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Do chưa có sự đầu tư dài hạn nên quá trình lựa chọn và huấn luyện thí sinh còn rất hạn chế về thời gian và cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị;

Kinh phí tổ chức rất tốn kém nên chỉ tổ chức thi quốc gia ở những nghề dự thi ASEAN và thế giới, cũng như để đầu tư các công nghệ mới; Chính sách cho những thí sinh có thành tích trong các cuộc thi tay nghề còn hạn chế, chưa đủ sức thuyết phục người lao động; Trình độ tiếng Anh của chuyên gia huấn luyện và thí sinh còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến tâm lý cũng như toàn bộ quá trình thi; Công tác truyền thông cũng còn hạn chế, chưa huy động được sự tham gia tích cực và hỗ trợ của các doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cùng với HDR, hai bên đã tăng cường hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung và lĩnh vực thi tay nghề nói riêng. HDR sẽ hỗ trợ tối đa trong phạm vi của mình để giúp Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng tay nghề cho nguồn nhân lực. 

“Trong thời điểm hiện nay, những ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa... đang làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn nhân lực. Tuy nhiên, dù công nghệ có phát triển đến mức độ nào, thì trọng tâm vẫn phải là con người. Năng lực nghề nghiệp của người lao động vẫn luôn đóng một vị trí quan trọng nhất. Nâng cao năng lực nghề nghiệp của người lao động chính là mục tiêu hướng đến của các cuộc thi tay nghề”- ông Kwon nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ