Thí sinh có mặt tại điểm thi từ sớm
Thời tiết buổi sáng của ngày thi đầu tiên khá mát mẻ. Tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), từ 6 giờ 30 phút sáng, rất đông thí sinh đã có mặt để chuẩn bị cho môn thi Ngữ văn.
Điểm thi này có 20 phòng thi và 3 phòng dự phòng với tổng số 480 thí sinh dự thi. Điểm thi cũng bố trí khu vực cho giám thị nghỉ ngơi vào buổi trưa.
Có mặt tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản từ sớm, thí sinh Nguyễn Anh Dũng, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) chia sẻ, năm nay em đăng ký nguyện vọng vào 3 trường lần lượt là: THPT Võ Thị Sáu, THPT Ten Lơ Man, Trường THPT Thủ Thiêm.
“Dù học đều các môn và ôn tập rất kỹ nhưng bản thân vẫn khá hồi hộp trước giờ thi. Tuy nhiên em tin mình sẽ hoàn thành kỳ thi tốt nhất. Em nghĩ mình sẽ được 7,5 điểm môn Ngữ văn. Chúc các bạn và mình thi tốt, đạt điểm như ý”, Anh Dũng nói.
Tương tự, Nguyễn Hoàng Gia Bảo cho biết ngày làm thủ tục dự thi đã được cán bộ coi thi hướng dẫn và thông báo về việc gửi đồ dùng vật dụng vì thế em chỉ mang theo những đồ dùng cần thiết.
Riêng sáng nay thi môn ngữ văn em chỉ mang viết và thước kẻ vào phòng thi. Gia Bảo cho biết: “Trong 3 môn thi Ngữ văn, Toán và tiếng Anh, em cũng tự tin nhất là môn đầu tiên này”, Thành chia sẻ.
Thí sinh xem sơ đồ phòng thi tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản. |
Còn tại điểm thi Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), thí sinh Đoàn Nữ An Nhiên cho biết: “Em mong đề thi môn Ngữ văn ra chủ đề về tình cảm gia đình hoặc lòng nhân ái vì các chủ đề này gần gũi với lứa tuổi, cũng dễ dàng tìm dẫn chứng. Em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Gia Định nên quyết tâm đạt kết quả cao trong kỳ thi”.
Cấu trúc đề thi không thay đổi so với năm trước
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, cấu trúc đề Ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10 tại TPHCM năm học 2024-2025 không thay đổi so với kỳ tuyển sinh năm trước. Cấu trúc đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn gồm ba phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm).
Đối với phần đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, văn bản khoa học,... Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng.
Đối với phần Nghị luận xã hội, để làm tốt, thí sinh cần rèn luyện các thao tác lập luận, đặc biệt là thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận.
Ngoài ra, thí sinh cần tránh việc thiếu thao tác lập luận (ví dụ thiếu giải thích về vấn đề bàn luận); vận dụng các thao tác lập luận chưa hiệu quả (dẫn chứng chưa sát với vấn đề, thiếu phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề, …) hoặc chưa rút ra được bài học cho bản thân thông qua việc bàn luận về vấn đề, các ý bàn luận chưa phong phú, chưa sâu sắc, còn sơ sài.
Nhiều thí sinh bình tĩnh, tự tin khi bước vào thi môn Ngữ văn. |
Riêng Phần Nghị luận văn học, thí sinh được lựa chọn một trong hai đề để làm bài. Trong đó, đề 1: Đề yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong sách giáo khoa. Từ đó chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.
Còn đối với đề 2: Đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy.
Trước đó, chiều 5/6, thông tin từ Sở GD&ĐT TPHCM thông tin số lượng thông tin vắng trong buổi làm thủ tục dự thi. Cụ thể, tại 147 điểm thi lớp 10 thường, có 91.057 thí sinh đăng ký dự thi. Thống kê sau ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi, có 309 thí sinh vắng, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục đạt 99,66%. Riêng đối với 11 điểm thi lớp 10 chuyên, có 7.624 thí sinh đăng ký dự thi. Trong ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi, có 77 thí sinh vắng, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi đạt 99,98%.
Bình luận