Thí sinh hồi hộp với mục tiêu cao tham gia thi đánh giá năng lực

GD&TĐ - Hàng nghìn thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển vào trường đại học mong muốn.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tại điểm thi Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tại điểm thi Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Hàng nghìn thí sinh thi đánh giá năng lực

Trong 2 ngày 20-21/4, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực lần thứ 3, với khoảng 18.000 thí sinh đăng ký dự thi. Riêng tại Trung tâm Khảo thí Trường Đại học Vinh (Nghệ An), đây là lần đầu tiên kỳ thi được phối hợp tổ chức cho gần 2.000 thí sinh tham dự.

Thí sinh xem thông tin sơ đồ phòng thi tại điểm thi Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Thí sinh xem thông tin sơ đồ phòng thi tại điểm thi Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Bài thi đánh giá năng lực gồm ba phần, thời gian làm bài 195 phút. Phần 1 (tư duy định lượng) là kiến thức toán học với 50 câu hỏi, thời gian tương ứng là 75 phút. Phần 2 (tư duy định tính) là kiến thức ngữ văn - ngôn ngữ, với 50 câu hỏi, thời gian 60 phút. Phần 3 (khoa học) gồm kiến thức về khoa học tự nhiên, xã hội, với 60 câu hỏi, thời gian 60 phút. Tổng kết quả bài thi là 150 điểm.

Trước khi vào phòng thi, thí sinh được kiểm tra thẻ dự thi, căn cước công dân, các vật dụng được phép mang theo vào phòng thi. Thí sinh nhận đề, làm và nộp bài thi trực tiếp trên máy tính.

Kiểm tra thông tin thí sinh trước khi bước vào phòng thi. Ảnh: Hồ Lài.

Kiểm tra thông tin thí sinh trước khi bước vào phòng thi. Ảnh: Hồ Lài.

Mặc dù con gái Nguyễn Thanh Tú (học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã vào trong làm thủ tục dự thi, nhưng bố em vẫn đứng nán lại ngoài sân trường. “Vừa nãy, cháu phải bỏ lại Atlat Địa lý ngoài phòng thi, do mua nhầm sách do Nhà xuất bản ĐH Quốc gia Hà Nội xuất bản chứ không phải của Nhà xuất bản Giáo dục. Tôi ở đây đề phòng cháu có cần hỗ trợ gì còn kịp thời xử lý, khi nào cháu bắt đầu vào thi thì tôi ra ngoài đợi”, vị phụ huynh nói.

Thanh Tú học khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) dự định xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin, lĩnh vực bảo mật thông tin. Tuy nhiên, do trường đại học em yêu thích chỉ lấy rất ít chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, nên em đăng ký thêm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để thêm cơ hội cho mình. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, em phải tự học ôn thêm nhiều môn xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.

Đây là lần thi đánh giá năng lực đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tại Nghệ An, với khoảng 2.000 thí sinh tham gia trong đợt thi ngày 20-21/4. Ảnh: Hồ Lài

Đây là lần thi đánh giá năng lực đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tại Nghệ An, với khoảng 2.000 thí sinh tham gia trong đợt thi ngày 20-21/4. Ảnh: Hồ Lài

“Năm nay lại là năm cuối cùng thi tốt nghiệp THPT theo phương thức cũ, từ năm sau là kỳ thi cho học sinh chương trình SGK mới. Vì vậy cháu rất lo lắng, áp lực và đang cố gắng để đậu đại học trong năm nay. Là phụ huynh tôi chỉ biết động viên, chăm lo tốt cho sức khỏe của cháu”, bố Thanh Tú chia sẻ.

Chuyển hướng thành kỳ thi chính

Trước đó, thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Vinh và Đại học Quốc gia Hà Nội, trong năm 2024, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT (tại điểm thi Trường Đại học Vinh theo 2 đợt (đợt thi 403 và 404). Trong đó, đợt thi thứ nhất (đợt thi 403) sẽ được tổ chức từ ngày 20 - 21/4 và đợt thi thứ 2 (đợt thi 404) sẽ diễn ra từ ngày 11 - 12/5/2024. Mỗi đợt thi diễn ra trong 2 ngày và chia thành 4 buổi, mỗi buổi thi sẽ có hơn 750 máy tính cho thí sinh làm bài thi.

Trong đợt thi tổ chức tại Nghệ An, không chỉ thí sinh trong tỉnh, mà nhiều em đến từ các tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Ảnh: Hồ Lài

Trong đợt thi tổ chức tại Nghệ An, không chỉ thí sinh trong tỉnh, mà nhiều em đến từ các tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Ảnh: Hồ Lài

Mặc dù đây là kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều trường đại học sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Vì thế, có rất đông thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi để tăng lựa chọn và cơ hội trúng tuyển vào trường, ngành học mình yêu thích. Trong đợt thi tổ chức tại Nghệ An, không chỉ thí sinh trong tỉnh, mà nhiều em đến từ các tỉnh thành khác nhau trên cả nước.

Em Nhật Anh (học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An) cho biết, em dự định đăng ký vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, xét tuyển điểm thi khối A01 (Toán – Lý – Anh). Tuy nhiên, năm nay ngành học em yêu thích chỉ lấy 18% chỉ tiêu xét tuyển điểm tốt nghiệp THPT, còn 50% chỉ tiêu xét tuyển điểm bài thi đánh giá năng lực. Vì vậy, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực trở thành kỳ thi chính đối với Nhật Anh và nhiều bạn cùng lớp.

Thí sinh đến dự thi được chụp lại hình ảnh kèm thông tin thẻ căn cước công dân để đảm bảo tính chính xác, nghiêm túc theo quy chế. Ảnh: Hồ Lài

Thí sinh đến dự thi được chụp lại hình ảnh kèm thông tin thẻ căn cước công dân để đảm bảo tính chính xác, nghiêm túc theo quy chế. Ảnh: Hồ Lài

“Trước đó em làm các đề thi thử và đề của năm ngoái, điểm số cao nhất đạt được là 70/150. Thời gian vừa qua em cố gắng tập trung ôn thi đều các môn tự nhiên, xã hội mục tiêu giành được trên 90 điểm trong lần thi này. Đây cũng là mức điểm năm ngoái trúng tuyển vào trường theo phương thức xét tuyển kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau kỳ thi này em sẽ tiếp tục ôn thi tốt nghiệp THPT”, Nhật Anh chia sẻ.

Trong khi đó, em Bùi Hoàng Nam là học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự Nhiên tại Hà Nội, nhưng lặn lội hơn 300k vào Nghệ An để dự thi. Hoàng Nam cùng mẹ lên tàu từ tối 19/4, đến sáng sớm 20/4 kịp có mặt tại TP Vinh (Nghệ An) để chuẩn bị cho ca thi vào chiều cùng ngày.

Các bộ phục vụ thi được hướng dẫn thí sinh trước khi vào phòng thi. Ảnh: Hồ Lài

Các bộ phục vụ thi được hướng dẫn thí sinh trước khi vào phòng thi. Ảnh: Hồ Lài

Nam sinh cho biết mình đặt mục tiêu vào Trường ĐH Công Nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) và xác định tham gia kỳ thi đánh giá năng lực từ năm lớp 11. Tuy nhiên, kiến thức các môn xã hội nhiều và trải rộng nên em cũng vất vả để ôn tập đáp ứng kỳ thi. Đây cũng là đợt thi đầu tiên và duy nhất của Bùi Hoàng nam, nên dù đã chuẩn bị kỹ càng, em vẫn khá hồi hộp.

“Em muốn thi ở Hà Nội để thuận tiện, nhưng khi hệ thống mở đăng ký dự thi, có rất nhiều bạn tham gia nên nghẽn mạng. Em chỉ kịp đăng ký thành công đợt thi tại Trường ĐH Vinh vào dịp 20-21/4 này, còn các đợt thi tiếp theo đây cũng không đăng ký được”, nam sinh đến từ Hà Nội chia sẻ.

Theo kế hoạch, thí sinh sẽ tra cứu điểm thi và nhận giấy chứng nhận sau 14 ngày.

Trước đó, trong chương trình Tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2024, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Bài thi đánh giá năng lực được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi theo chương trình giáo dục phổ thông. Các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước có thể tham khảo kết quả thi phục vụ công tác tuyển sinh.

Hiện có 90 trường Đại học trong cả nước cho biết sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển đầu vào, trong đó, 17 trường quân đội. Với tính chất này, nhiều thí sinh ở mọi năng lực đều có thể tham dự để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH Quốc gia HN và các trường đại học khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ