Tuyển sinh 2024: Nhìn nguồn tuyển để lựa chỉ tiêu

GD&TĐ - Trên cơ sở phân tích nguồn tuyển, điểm trúng tuyển của các năm trước liền kề, nhiều trường ĐH điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp từng phương thức tuyển sinh...

Đa dạng phương thức xét tuyển tạo sự chủ động, giúp nhà trường lựa chọn thí sinh phù hợp yêu cầu, đặc thù riêng. Ảnh: INT
Đa dạng phương thức xét tuyển tạo sự chủ động, giúp nhà trường lựa chọn thí sinh phù hợp yêu cầu, đặc thù riêng. Ảnh: INT

Tăng chỉ tiêu xét tuyển

Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng sử dụng 64% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT với 1.719/2.710 tổng chỉ tiêu năm 2024. Với phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ, chỉ có 688, chiếm 25% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Tương tự, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng phân bổ 2.340 chỉ tiêu trong tổng 3.650 chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, chiếm 64,1% tổng chỉ tiêu. Phương thức tuyển sinh bằng kết quả học bạ THPT chỉ có 590 chỉ tiêu, chiếm 16% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Riêng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng, hơn 76% chỉ tiêu tuyển sinh dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT với 1.221 chỉ tiêu. Chỉ có 320 chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển kết quả học bạ…

Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế chỉ áp dụng 2 phương thức tuyển sinh. Phương thức 1 là xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đối với 11 ngành: Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược học, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Y tế công cộng và Dinh dưỡng. Phương thức 2 là xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học.

Tuy nhiên, số chỉ tiêu dành cho phương thức 2 thấp hơn nhiều so với 1. Như ngành Y khoa chỉ có 40 chỉ tiêu cho phương thức 2 so với 400 chỉ tiêu đối với phương thức 1.

PGS.TS Võ Ngọc Dương - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Ba năm gần đây, gói chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả học bạ của nhà trường giảm theo lộ trình, dao động từ 600 – 700 chỉ tiêu”.

Năm 2024, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng có 5 mã ngành không xét tuyển kết quả học bạ THPT. Trong đó, ngoài 3 mã ngành Công nghệ thông tin còn có Kỹ thuật ô tô, Vi điện tử - thiết kế vi mạch. Ngoài ra, một số ngành khác sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả học bạ theo lộ trình như ngành Kỹ thuật máy tính, năm nay chỉ còn 3 chỉ tiêu (giảm 4 chỉ tiêu so với năm 2023).

ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng thông tin: “Những năm qua, nhà trường dành gần 70% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Qua phân tích kết quả tuyển sinh cho thấy, thí sinh nhập học theo phương thức này luôn đạt tỷ lệ cao hơn các phương thức khác”.

Ngoài ra, theo ThS Nguyễn Vinh San, thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT được đo bằng thang đo chung nên độ tin cậy cao hơn phương thức khác. Kết quả phân tích phổ điểm thi của các môn thi những năm qua cho thấy chất lượng ra đề và phổ điểm thi đáp ứng được điều kiện cho các trường lựa chọn thí sinh trúng tuyển một cách chính xác, công bằng và khách quan.

Học sinh Trường THPT Thanh Khê (TP Đà Nẵng) trải nghiệm một ngày làm sinh viên Khoa Sinh – Môi trường tại phòng thí nghiệm, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT Thanh Khê (TP Đà Nẵng) trải nghiệm một ngày làm sinh viên Khoa Sinh – Môi trường tại phòng thí nghiệm, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Tăng cơ hội trúng tuyển

Thống kê của ĐH Đà Nẵng cho thấy, tổng số chỉ tiêu dự kiến của các trường, đơn vị thành viên là 15.570 chỉ tiêu. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT là 7.900 chỉ tiêu (chiếm 50,7%), phương thức tuyển sinh theo học bạ chiếm 21,3%; phương thức tuyển sinh riêng chiếm 24,6%, phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực chiếm tỷ lệ thấp.

Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, ĐH Đà Nẵng có 600 chỉ tiêu (chiếm 40%) đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT. Phương thức tuyển sinh theo học bạ có 498 chỉ tiêu (33%), tuyển sinh theo phương thức riêng 327 chỉ tiêu (21,8%), xét điểm thi theo kỳ thi đánh giá năng lực 75 chỉ tiêu…

Theo TS Huỳnh Ngọc Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, ĐH Đà Nẵng, đa dạng phương thức xét tuyển tạo sự chủ động, giúp nhà trường lựa chọn thí sinh phù hợp yêu cầu, đặc thù riêng của trường. “Phân bổ chỉ tiêu của nhà trường chủ yếu dựa vào kết quả tỷ lệ sinh viên nhập học hằng năm theo các phương thức, đồng thời trong quá trình xét tuyển, nhà trường điều chỉnh qua lại một số chỉ tiêu cho phù hợp”, TS Huỳnh Ngọc Thọ thông tin.

Đối với những ngành có nguồn tuyển hẹp, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng dành khoảng 40 – 50% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển sinh dựa theo kết quả học bạ THPT. Điều này nhằm đảm bảo sự cân đối giữa tổng nguồn tuyển, chất lượng đầu vào và cơ cấu nhân lực cung cấp cho thị trường lao động.

Theo ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT được hầu hết trường đại học lựa chọn những năm qua một phần do tính tiện lợi cũng như phủ khắp đối tượng.

Trong đó, có thí sinh tự do đã tốt nghiệp những năm trước, nếu sử dụng kết quả học bạ để tham gia xét tuyển sinh thì không cần phải thi lại các môn nằm trong tổ hợp môn xét tuyển ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm. Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này là không cùng một thang đo đánh giá khi mỗi trường THPT, địa phương có thể đánh giá nặng nhẹ khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

cách để trúng tuyển mùa tuyển sinh đại học 2024