Nghị quyết này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, ngày 17/11/2020.
Theo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là các đơn vị quân đội, đơn vị công an, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, và cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nghị quyết nhấn mạnh, việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
“Không được sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết”, Nghị quyết nêu rõ. Qua đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Nghị quyết, đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, để kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải lập phương án sử dụng đất trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.
Trong đó, phương án sử dụng đất bao gồm: Vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được giao; vị trí, diện tích đất, nội dung, thời hạn sử dụng đất kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; tác động đối với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội…
Việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức lao động, giáo dục, giáo dục cải tạo, rèn luyện, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, dịch vụ hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật thì không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo quy định của Nghị quyết này.
Nghị quyết cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Trong đó có việc quyết định phê duyệt hoặc chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; phương án xử lý dự án, hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Bộ trưởng cũng có nhiệm vụ tổ chức việc rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và thực hiện theo quy định sau:
Đối với khu đất có giá trị kinh tế lớn không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Khu đất có giá trị kinh tế lớn quy định tại điểm này là khu đất có giá trị từ 500 tỷ đồng trở lên tính theo giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo mục đích sử dụng thể hiện trong quy hoạch đã được phê duyệt.
Đối với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và quản lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
Tổ chức lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định của pháp luật…
Với 8 điều được quy định, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021 và hết hiệu lực khi Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.