Động thái này giúp tăng phương thức tuyển sinh cho các trường và mở rộng cơ hội vào đại học cho thí sinh. Song, việc ngày càng nhiều đơn vị tổ chức thi riêng “manh nha” những hệ lụy.
6 trường hợp tác tổ chức kỳ thi V-SAT
Cuối tháng 2/2024, Trường Đại học Cần Thơ công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2024 với 7 phương thức. Đáng chú ý, lần đầu tiên nhà trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT) để xét tuyển. Ngay sau đó, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Đại học Thái Nguyên, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing, Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục cùng ký kết thỏa thuận về việc tổ chức, công nhận và sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT.
Hầu hết cơ sở giáo dục đại học đều công bố bài thi đánh giá năng lực do đơn vị tổ chức bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao.
Do bài thi hướng đến việc đánh giá năng lực nên thí sinh không cần phải luyện thi, học tủ. Bài thi phù hợp với đại đa số học sinh phổ thông và yêu cầu tuyển sinh của các trường.
Thông tin từ Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, theo thỏa thuận, các trường có nhiệm vụ: Chủ trì tổ chức Kỳ thi V-SAT tại đơn vị, với nhiều đợt thi trong năm; xây dựng phương án và sử dụng kết quả chung của kỳ thi để tuyển sinh đại học; thực hiện các nhiệm vụ và trách nhiệm theo hợp đồng ký với trung tâm trong việc phối hợp tổ chức mỗi đợt thi. Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục có trách nhiệm cung cấp ngân hàng câu hỏi, phần mềm tổ chức thi bảo đảm mục tiêu của kỳ thi; phối hợp và hỗ trợ các trường trong tổ chức các đợt thi…
Các bên có trách nhiệm và cam kết cùng nhau tổ chức Kỳ thi V-SAT nghiêm túc và chất lượng. Các trường tổ chức thi V-SAT tự chủ trong việc sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT; ưu tiên công nhận và sử dụng chung kết quả các kỳ thi V-SAT do các đơn vị tổ chức để tuyển sinh của đơn vị mình.
Trước đó, V-SAT với tên gọi kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào trên máy tính được Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức vào năm 2023. PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, kết quả kỳ thi được sử dụng để xét tuyển cho cả chương trình đại học chính quy và chất lượng cao.
Kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào sẽ tổ chức thi 7 môn độc lập, gồm: Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Bài thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập trên máy tính. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 (khoảng 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12; khoảng 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11).
Giám thị kiểm tra vật dụng mang vào phòng thi của thí sinh, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Hàng trăm trường sử dụng chung kết quả
Nếu như V-SAT của nhóm trường trên còn khá non trẻ, kỳ thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia có “thâm niên” hơn. Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) lần đầu được tổ chức vào năm 2015, tiếp tục trong năm 2016 và tạm ngưng từ năm 2017. Năm 2021, kỳ thi được tổ chức trở lại với nhiều thay đổi.
Năm 2023, kỳ thi thu hút hơn 87 nghìn lượt thí sinh dự thi với khoảng 70 trường lấy kết quả kỳ thi để xét tuyển đại học. Còn tại Đại học Quốc gia TPHCM, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức từ năm 2018, đến nay không ngừng lớn mạnh về quy mô. Năm 2023, kỳ thi thu hút hơn 100 nghìn thí sinh đến từ hơn 1.800 trường THPT tham gia và gần 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề. Bài thi nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh; chú trọng đánh giá năng lực suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.
TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) thông tin, từ năm 2025 kỳ thi đánh giá năng lực tiếp tục được thực hiện theo hướng phát triển ổn định, căn cứ trên nền tảng của giai đoạn trước. Theo đó, kỳ thi sẽ triển khai theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy, tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự. Đồng thời, bài thi sẽ có những điều chỉnh về cấu trúc để phù hợp với sự thay đổi của Chương trình GDPT 2018.
Trong khi đó, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ thi đánh giá tư duy (TSA) là một trong 3 phương thức xét tuyển, được áp dụng kể từ năm 2020 (bên cạnh phương thức xét tuyển tài năng và diện tốt nghiệp THPT).
Bài thi gồm 3 phần thi: Tư duy toán học; Tư duy đọc hiểu; Tư duy khoa học, giải quyết vấn đề. Năm nay, TSA được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thành 6 đợt thi bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy tính. Thí sinh được cấp giấy chứng nhận kết quả có giá trị trong 2 năm để đăng ký xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Ảnh: VNU-HCM |
Ở khối trường sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Thí sinh được lựa chọn đăng ký một số bài thi trong số các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Kết quả thi được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.
Hiện kết quả kỳ thi này được gần 10 trường công nhận và sử dụng để xét tuyển như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn,…
Trong khi đó, từ năm 2022, Trường Đại học Sư phạm TPHCM bắt đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để xét tuyển đại học, bên cạnh các phương thức truyền thống. Năm nay, nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo 3 đợt thi, dự kiến mở rộng 1 điểm thi tại Long An. Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt được tổ chức gồm nhiều bài thi: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Ngoài ra, một số trường đại học tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng để phục vụ tuyển sinh cho đơn vị mình như: Kỳ thi TestAS của Trường Đại học Việt Đức (kỳ thi được tổ chức hằng năm với dạng thức đề thi kiểm tra năng lực TestAs do Viện Khảo thí TestDAF, Cộng hòa Liên bang Đức cung cấp); kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 10 cơ sở giáo dục đại học sẽ tổ chức các kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá năng lực trong mùa tuyển sinh năm 2024.
Thí sinh tham gia đánh giá năng lực đầu vào trên máy tính năm 2023 tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Ảnh: HUB |
Thí sinh bối rối
Việc nhiều cơ sở tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực làm tăng phương thức tuyển sinh cho các trường đại học, tăng cơ hội vào đại học cho thí sinh. Song quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực cũng khiến nhiều thí sinh bối rối.
Nguyễn Ngọc Hùng - học sinh lớp 12 ở TP Thủ Đức, TPHCM, khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh ở một số trường đại học thuộc khối công nghệ, kinh tế cảm thấy “ngợp” vì quá nhiều phương thức xét tuyển, nhiều kỳ thi riêng. Chẳng hạn, cùng ngành Hệ thống thông tin mà Hùng quan tâm, các trường thuộc khối Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Tài chính – Marketing… sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực do đại học này tổ chức, trong khi Trường Đại học Ngân hàng TPHCM sử dụng kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính.
“Em hiểu việc thi hay không tùy vào thí sinh, không tham gia thi đánh giá năng lực có thể dùng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, học sinh luôn có tâm lý sợ trượt, muốn tham gia càng nhiều phương thức để cơ hội đậu càng cao. Mà thi nhiều sẽ mất thời gian, công sức, nhất là trong giai đoạn đang chạy nước rút để thi tốt nghiệp”, Hùng chia sẻ.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, ở hầu hết ngành bậc đại học, chỉ cần người học đủ năng lực, mong muốn học, hoàn toàn có thể hoàn thành được chương trình.
Với những ngành chuyên sâu, đặc thù (chẳng hạn như Y khoa) mới cần những kỳ thi đặc thù, kỳ thi riêng để kiểm tra đầu vào. Việc này cũng nhằm giảm thiểu rủi ro cho thí sinh, tránh lãng phí do việc đầu tư đào tạo không đúng người (bởi những ngành này thường có chi phí đào tạo, học phí lớn).
Do đó, theo PGS Bùi Hoài Thắng, nên vận dụng các trung tâm khảo thí lớn, có năng lực và kinh nghiệm thực tiễn tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực để các trường đại học sử dụng chung kết quả, tránh tình trạng mỗi nơi tổ chức một kỳ thi.
“Nếu chỉ để trả lời cho câu hỏi: Người học có năng lực học đại học hay không, những kỳ thi đánh giá năng lực ở các trung tâm lớn đã có thể đáp ứng. Nếu để trả lời: Người học có những năng lực đặc trưng hay không, cũng chỉ một số ít ngành đặc thù cần yếu tố này”, ông Thắng nói và nhìn nhận, các trường cũng có thể kết hợp nhiều tiêu chí để chọn lựa thí sinh phù hợp cho ngành, lĩnh vực; không nhất thiết phải tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cùng quan điểm trên khi cho rằng, các trường đại học không nên chạy đua tổ chức các kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá năng lực. Theo đó, có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các đơn vị có uy tín, như kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM. Với các lĩnh vực đặc thù, đơn vị cùng nhóm có thể liên kết để tổ chức kỳ thi chung, tránh dàn trải, gây rắc rối và tốn kém cho thí sinh.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, Trường Đại học Luật TPHCM triển khai đề án tuyển sinh riêng với việc xét tuyển kết hợp kiểm tra năng lực. Trường xét tuyển dựa theo 3 tiêu chí: Điểm học bạ; điểm kỳ thi THPT quốc gia; điểm kiểm tra năng lực. Tuy nhiên, từ năm 2020, nhà trường thay đổi hoàn toàn phương thức tuyển sinh, trong đó quyết định không tổ chức kỳ thi kiểm tra đánh giá năng lực.
Theo lý giải của nhà trường, quy trình tuyển sinh của kỳ thi kiểm tra năng lực gồm nhiều công đoạn, quá phức tạp với thí sinh. Trong khi đó, các trường đại học khác sử dụng đa dạng phương án tuyển sinh nên nhà trường tính toán, cân nhắc theo phương án đơn giản nhất. Nhiều năm trước, một số trường đại học tại TPHCM cũng công bố việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng để xét tuyển đại học; song vì nhiều lý do, các kỳ thi này chưa được triển khai.