Thi công 3 gói thầu cuối cùng Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành

GD&TĐ - Sáng ngày 08/11/2017, tại Km57+100 (ấp 1, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cùng các Nhà thầu tổ chức Lễ triển khai thi công 3 gói thầu xây lắp nhánh phía Đông. Đây cũng là 3 gói thầu xây lắp cuối cùng thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (hợp phần ADB tài trợ).

Ảnh: theo VOV
Ảnh: theo VOV

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là Dự án trọng điểm quốc gia - một dự án thành phần trong Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư, giao cho VEC làm Chủ đầu tư.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng vào ngày 19/7/2014, dự kiến hoàn thành năm 2020. Khi hoàn thành, Dự án đóng vai trò là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ; khai thác thế mạnh và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch của TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Nai.

Dự án có chiều dài 57,7km, đi qua các tỉnh Long An: 5,49km (gồm: huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc), TP. Hồ Chí Minh: 24,925km (gồm: huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai: 27,285km (gồm: huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành). Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h (riêng đoạn Km16+600 – Km32+450, vận tốc thiết kế 80km/h).

Do Dự án đi qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp, nhiều sông ngòi, vùng sình lầy, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, vì thế phải xây dựng tới trên 20km cầu và cầu cạn, trong đó đặc biệt có 2 cầu lớn có kết cấu dây văng là cầu Bình Khánh (vượt sông Soài Rạp) dài 2,76km, nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh, có khẩu độ nhịp chính dài 375m; cầu Phước Khánh (vượt sông Lòng Tàu) dài 3,186km, nối huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, có khẩu độ nhịp chính dài 300m.

Cả 2 cầu có độ tĩnh không thông thuyền 55m – độ tĩnh không lớn nhất Việt Nam (tính đến thời điểm hiện nay). Dự án sẽ xây dựng 06 nút giao, hàng trăm hầm chui dân sinh, cống thoát nước cùng các công trình phụ trợ đảm bảo quá trình khai thác như: trung tâm điều hành giao thông thông minh (ITS), trung tâm vận hành / bảo trì, trạm dịch vụ, trạm thu phí…

Tổng mức đầu tư (giai đoạn I) của Dự án là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD); trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 635,7 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 634,8 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành sẽ giúp cho giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP. Hồ Chí Minh. Tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng đường cao tốc – quốc lộ, với hệ thống cảng biển nước sâu quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình và với Sân bay quốc tế Long Thành.

Đồng thời, Dự án góp phần giảm thiểu áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, giảm thiểu tai nạn giao thông; rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa; rút ngắn hành trình từ tỉnh Long An đến tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại, từ đó thúc đẩy phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp, cảng biển do các Nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại các tỉnh phía Nam.

 Bên cạnh đó, khi tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được kết nối thông suốt với cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương sẽ hình thành tuyến đường cao tốc liên vùng, đáp ứng sự mong đợi của người dân; tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Pênh, TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.