Các nhà thầu tham gia dự án gồm: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - Công ty cổ phần (Cienco 6), Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng B.M.T và Hanshin Engineering&Construction Co.,Ltd (hợp phần do ADB tài trợ).
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khởi công ngày 19/7/2014 và dự kiến thông xe toàn tuyến trong năm 2020. Đây là dự án đường bộ cao tốc thứ hai ở phía Nam do VEC làm Chủ đầu tư, có ý nghĩa quan trọng là động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế Đông Nam Bộ; khai thác tối đa thế mạnh, thu hút đầu tư, du lịch… của TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, tỉnh Đồng Nai và các vùng lân cận.
VEC ký kết hợp đồng các gói thầu xây lắp Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng B.M.T và Hanshin Engineering&Construction Co.,Ltd |
Dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2925/QĐ-BGTVT ngày 08/10/2010; được phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở tại Quyết định số 968/QĐ-BGTVT ngày 12/4/2013 và Quyết định số 5096/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014 về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 57,1km; đi qua các tỉnh/thành phố: Long An, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h; có 17 hạng mục cầu với tổng chiều dài trên 20km, trong đó có 2 công trình cầu dây văng (cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh) có độ tĩnh không thông thuyền lớn nhất Việt Nam hiện nay (55m); có 06 nút giao trong giai đoạn I và 02 nút giao trong giai đoạn II; 02 trạm dừng nghỉ; đường gom dân sinh, cống hộp dân sinh, cống thoát nước và các công trình ngầm; tường chống ồn; hệ thống chiếu sáng, hệ thống an toàn giao thông và hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) toàn tuyến.
Tổng mức đầu tư Dự án (giai đoạn I) là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.489 triệu USD), được huy động từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Với việc ký kết 3 gói thầu xây lắp cuối cùng của đoạn tuyến phía Đông Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ tạo điều kiện để Chủ đầu tư và Nhà thầu khẩn trương triển khai thi công, đảm bảo kết nối liên hoàn đồng bộ phân đoạn phía Tây với phân đoạn giữa và phân đoạn phía Đông, phấn đấu hoàn thành thông tuyến đưa vào khai thác toàn Dự án vào năm 2020, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư cũng như hiệu quả kinh tế-xã hội của Dự án.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ giúp cho giao thông liên vùng phía Tây và phía Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP. Hồ Chí Minh; nối trực tiếp với mạng đường cao tốc – quốc lộ, với hệ thống cảng biển quốc tế lớn nhất khu vực như Hiệp Phước, Thị Vải - Cái Mép và với Sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời, Dự án góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, giảm thiểu tai nạn giao thông; rút ngắn quãng đường cũng như thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Long An đến TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại, từ đó phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam.
Việc hình thành cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông cũng thể hiện chủ trương đầu tư ”đi tắt, đón đầu” đúng hướng của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, bởi trong tương lai nếu kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành với cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Penh, TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.