Giao thông ở Bangkok luôn là nỗi ám ảnh với khách du lịch đến Thái Lan, các công trình giao thông không thể đáp ứng nổi lượng khách du lịch khổng lồ tới đây hàng năm.
Thái Lan luôn nỗ lực tăng cường chất lượng cơ sở hạ tầng cũng như ban hành những chính sách khắt khe để nâng cao an toàn giao thông.
Bất kỳ công dân nào muốn sử dụng phương tiện giao thông cá nhân đều phải trải qua một cuộc sát hạch 4 bước. Max Euwens người Đức, tới Thái Lan làm việc ở một trung tâm dạy tiếng Anh, rất hào hứng khi bước vào cuộc sát hạch lấy bằng lái xe.
Anh cho biết, ở Đức, việc sở hữu một chiếc môtô phân khối lớn không hề dễ dàng như ở các nước châu Á vì phần lớn các nước phương Tây không coi trọng phương tiện di chuyển cá nhân này.
Thí sinh không nhất thiết phải đi học các lớp hướng dẫn mà có thể mua sách về tự học nhưng phải sử dụng dịch vụ khám sức khỏe tại nơi trung tâm quy định.
Sau khi nộp đơn xin cấp bằng lái xe bao gồm giấy tờ các nhân, giấy khám sức khỏe và lệ phí theo quy định, các thí sinh sẽ được hẹn tập trung theo đợt vào một buổi sáng sớm trong tuần, lí do đơn giản là nếu họ trượt các bài kiểm tra đầu tiên thì vẫn có cả ngày để xử lý các công việc cá nhân khác và quay lại thi tiếp vào ngày hôm sau.
Điều đặc biệt là lệ phí được bảo lưu tới khi nào thí sinh thi đỗ mới thôi, không quan trọng là họ thi bao nhiêu lần, không như ở Việt Nam, nếu mỗi lần thi trượt một bài nào đó thì phải đóng tiếp lệ phí cho lần thi lại tiếp theo.
Luật giao thông ở Thái Lan quy định độ tuổi sử dụng xe máy là 18 tuổi và 15 tuổi đối với các loại xe gắn máy, bằng lái chỉ có giá trị trong vòng một năm đầu tiên.
Trong một năm đó người sử dụng không vi phạm lỗi giao thông nào mới được đăng kí gia hạn bằng lái xe cho 5 năm tiếp theo. Mức lệ phí thi khá thấp, chính là phí duy trì bằng lái xe một năm, 150 baht tiền Thái (4,6 USD), còn với ôtô thì đắt gấp 3 lần tức là 450 baht (13,9 USD).
Bài kiểm tra đầu tiên mà thí sinh nào cũng phải trải qua là “Nhận biết màu sắc”. Mục đích để kiểm tra thị lực và khả năng phân biệt các biển báo, tín hiệu giao thông.
Ít người biết rằng họ bị mù màu cho tới khi tham gia bài kiểm tra này. Carter, anh chàng giáo viên cùng trung tâm dạy tiếng Anh với Max trượt ngay vòng đầu tiên vì chỉ nhận ra màu vàng trong số 3 màu của đèn tín hiệu giao thông. Điều đó đồng nghĩa Carter sẽ không được sử dụng bất cứ phương tiện cá nhân nào khi lưu trú trên lãnh thổ Thái Lan.
Sau khi đỗ bài thi đầu tiên, các thí sinh chuyển qua bài thi Phản ứng. Bài thi này giống như một trò chơi điện tử, người tham gia phải phân biệt Côn-Ga-Phanh khi thi bằng lái ôtô hoặc Ga-Phanh trong bài thi lấy bằng lái xe máy, và sử dụng chúng một cách chính xác ở các tình huống giả định trên máy.
Trong phần thi này, có một hình huống xử lý đưa xe lên dốc tương tự như bài thi Đề-pa của Việt Nam. Những tình huống này đưa ra để kiếm tra độ tỉnh táo và khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy của người tham gia giao thông.
Vòng thứ ba là bài thi tìm hiểu luật giao thông diễn ra trên máy tính, và đây là bài thi khó nhất. Thí sinh được yêu cầu trả lời 50 câu hỏi ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi, và chỉ được phép sai tối đa 5 câu.
Nội dung phần thi lý thuyết này xoay quanh các tình huống thực tế, các luật và quy định về an toàn giao thông, các tín hiệu giao thông thường gặp.
Phần thi trong sa hình. |
Phương Anh, cô bạn đang làm việc tại Bangkok cho biết chính người Thái cũng gặp không ít khó khăn khi tham gia phần sát hạch này. Tại các trung tâm sát hạch ở Thái Lan cũng bán sách hướng dẫn làm bài thi và các câu hỏi mẫu như ở Việt Nam, tuy nhiên số lượng câu hỏi trong sách và thực tế bài thi lại rất chênh nhau.
Thậm chí trong phần thi thực tế, sẽ xuất hiện những câu hỏi kiểu như “Xe tăng có được coi là phương tiện giao thông hay không?”, “Xe tăng có được di chuyển trên đường hay không?”, không hề được nhắc đến trong sách hướng dẫn.
Ngân hàng câu hỏi quá lớn cùng với thời gian ít ỏi, lại thêm sự quản lý nghiêm ngặt từ phía các giám khảo nên dù có 100 thí sinh ngồi chung phòng thì chuyện gian lận rất ít khi xảy ra.
Cũng có thể vì lý do đó mà tỷ lệ thí sinh trượt vòng thi này khá cao, khoảng 30% mỗi đợt thi. Đối với người nước ngoài, việc thi đỗ lại càng khó khăn hơn bởi 100% sách hướng dẫn đều được in bằng tiếng Thái.
“Mình buộc phải tham gia lớp hướng dẫn học lái xe dành cho người nước ngoài trước khi thi hai tuần để học luật và cách làm bài thi”, Phương Anh lý giải cho việc phải thi lại tới lần thứ 3 mới lấy được bằng.
"Làm bài thi lý thuyết bằng lái ở đây khó không khác gì ngày mình thi đại học ở Việt Nam, đầy cân não".
Vòng thi cuối cùng là phần thực hành trong sa hình. Các thí sinh được quyền sử dụng phương tiện cá nhân để tham gia phần thi này theo yêu cầu ngẫu nhiên của giám thị: đi zigzag, đi theo tín hiệu giao thông, xử lý phương tiện trong đường hẹp, đỗ xe tại các địa điểm đặc biệt như trường học, bệnh viện...
Tuy đa số các thí sinh đến trường thi bằng chính phương tiện giao thông cá nhân, nhưng khi gặp các tình huống cụ thể như diễn ra trên phố do ban giám khảo yêu cầu, nhiều thí sinh lại tỏ ra lúng túng do không có kinh nghiệm xử lý. Đặc biệt là với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đây.
“Khi sinh sống và làm việc ở nước ngoài, phải tham gia giao thông cùng họ mới thấy văn hóa nhập gia tùy tục rất quan trọng. Nếu không kiên nhẫn mà chủ quan lái xe theo kiểu Việt Nam thì sớm muộn gì cũng gây tai nạn, nhất là khi chạy xe với tốc độ cao như ở Thái Lan” - Phương Anh chia sẻ.
Điều khác biệt lớn nhất là người Thái Lan lái xe bên trái đường, ngược chiều với hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính của các vụ tai nạn có người nước ngoài tham giao thông tại nước này.
Qua trò chuyện, Phương Anh và Max đồng tình nếu bị cảnh sát phạt, thì tốt nhất là hãy tự giác kí vào biên bản và nộp phạt. Cảnh sát Thái Lan không có thói quen gây khó dễ cho các phương tiện vi phạm nhưng chống đối sẽ thu bằng lái, phạt rất nặng và cấm sử dụng phương tiện cá nhân một thời gian dài, phải đi thi lấy bằng trở lại.
"Mà thi lấy bằng thì... không ai muốn lặp lại lần hai", Phương Anh phân trần.