Thênh thang con đường du lịch xanh

GD&TĐ - Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện nay, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tuy vậy, đến nay loại hình du lịch này vẫn là một tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Thênh thang con đường du lịch xanh

Tạo nguồn lợi kinh tế - hướng tới phát triển bền vững

Trong bối cảnh đầu ra của sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, việc phát triển các trang trại gắn với du lịch sinh thái được đánh giá là hướng đi phát huy được tiềm năng, lợi thế của khu vực ngoại thành Hà Nội. Trang trại giáo dục Edufarm, nay gọi là Học viện Edufarm tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ gần đây luôn tất bật đón hàng trăm khách du lịch tới thăm, chủ yếu là các em học sinh, sinh viên.

Khuôn viên hơn 4ha của trang trại được phủ đầy màu xanh của cây cối, hoa lá và bố trí các khu tái hiện đầy đủ nét đặc trưng của nông nghiệp, nông thôn Bắc Bộ. Đó là khu văn hóa nhà Việt, thảm thực vật, đa dạng động vật trong nông nghiệp, đa dạng côn trùng, thủy hải sản... Đáng chú ý nhất là thảm thực vật bao gồm hơn 700 loại cây đại diện cho vùng nhiệt đới gió mùa gồm các loại cây ăn quả, cây lấy hạt, cây lấy củ, vườn cây thuốc Nam, khu trồng rau hữu cơ. Ngoài ra, khu nuôi và bảo tồn các giống vật nuôi như gà, vịt, lợn, bò cũng thu hút sự quan tâm của du khách.

Ngoài Edufarm, hiện nay, trên địa bàn TP cũng đã xuất hiện một số mô hình trang trại du lịch sinh thái, trang trại giáo dục như nông trại hữu cơ Tuệ Viên (Long Biên), trang trại Đồng Quê (Ba Vì), trang trại Vườn chim Việt (huyện Thanh Trì), vùng trồng rau hữu cơ xã Thanh Xuân (Sóc Sơn)…

 
Nhiều khu du lịch sinh thái kết hợp với trang trại được chú trọng đầu tư và phát triển cùng nhiều chương trình du lịch miệt vườn đang được chào bán. Nếu như cách đây vài năm, chỉ đơn thuần là du lịch miệt vườn lên ngôi với các khu du lịch nổi tiếng thu hút khá nhiều khách trong và ngoài nước như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp… thì ngày nay du lịch nông trại với mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt đã được nâng cấp, đầu tư trở thành trang trại du lịch sinh thái được nhiều du khách ưu tiên lựa chọn.
Thực chất, mỗi chuyến du lịch xanh là một cuộc học hỏi, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên với những gì sẵn có, chứ không nhằm thỏa mãn những đòi hỏi, yêu cầu của du khách như trong một chuyến du lịch nghỉ dưỡng.

Phát huy tính giáo dục

Không đơn giản là tận hưởng thiên nhiên, du lịch xanh còn đòi hỏi mỗi du khách biết tôn trọng, học hỏi và giữ gìn thiên nhiên. Tóm lại, du lịch xanh khuyến khích bảo vệ và giúp xã hội phát triển bền vững.

Vì giữ vai trò giáo dục, nâng cao hiểu biết dân trí về môi trường sinh thái, văn hóa lịch sử… du lịch xanh cũng được coi như giải pháp bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Môi trường sẽ không còn chịu nhiều ảnh hưởng từ hoạt động du lịch (quá trình khai thác, xây dựng cơ sở hạ tầng, rác thải du lịch...), sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên phục vụ nhu cầu du khách cũng giảm, khiến thiên nhiên được bảo tồn nguyên trạng.

Trong diễn biến sự nóng lên toàn cầu, môi trường ngày càng ô nhiễm thì những chuyến du lịch xanh sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người. Thậm chí tại các vườn quốc gia, các khu bảo tồn, phát triển du lịch xanh cũng giúp thực hiện chức năng giáo dục của các cơ sở này.

Tuy mô hình du lịch nông trại khá hấp dẫn và nhận được sự chào đón từ nhiều du khách ở mọi lứa tuổi, nhưng nhìn chung loại hình du lịch này còn khá sơ khai, chưa có sự phát triển mạnh, nhiều hạng mục chưa được đầu tư đúng mức và bài bản, thiếu tính chuyên nghiệp. Hay đến những sản phẩm du lịch tại đây cũng chỉ mang tính mô phỏng, đơn giản chỉ là đi hái rau, hay vợt cá, ngắm thỏ, bò, dê… mà chưa đủ để khách tham quan hình dung được cuộc sống của một trang trại, đồng quê, miệt vườn ra sao và như thế nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ