Bảo tồn di sản bắt đầu từ ý thức

GD&TĐ - Ngành du lịch Việt đang được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên di sản vô cùng phong phú và đa dạng. Tiềm năng này đã góp phần quan trọng thúc đẩy cho ngành du lịch phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, để việc khai thác di sản bền lâu thì vấn đề bảo tồn cần được ý thức, gìn giữ.

Bảo tồn di sản bắt đầu từ ý thức

Thảm họa hậu du lịch

Khai thác di sản văn hóa cũng đồng nghĩa đưa di sản văn hóa vào thực tế khiến di sản chịu nhiều tác động từ cả thiên nhiên lẫn con người.

Có một thực tế, càng vào mùa du lịch cao điểm thì di sản văn hóa vật thể càng trong tình trạng oằn mình gánh chịu những tác động, hành xử thiếu văn minh của du khách. Thật không hết xót xa khi hàng năm vào mùa lễ hội, cảnh quan núi rừng chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội) hay đền Hùng (Phú Thọ) cho dù được chuẩn bị, đầu tư tu bổ… vẫn trở nên chật chội, lộn xộn, nhếch nhác, ô nhiễm vì quá tải.

Di sản văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào mỗi mùa thi lại trở thành nơi “thiêng” để học trò tới thăm. Những hành động tưởng chừng như vô thức đã khiến di sản chịu tác động. Rồi tình trạng, các chùa, đình, lăng tẩm vì hành vi thiếu văn hóa của du khách mà trở nên hết đẹp, mất mỹ quan, ảnh hưởng tới hiện vật…

Sự tác động của du khách đến các quần thể di tích trong quá trình tham quan cùng sự tác động của thời gian, thiên nhiên… đã khiến nhiều di tích trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, với cả văn hóa phi vật thể cũng chịu biến dạng từ tác động quá tả bên ngoài.

Điển hình khu du lịch nổi tiếng Sa Pa (Lào Cai) hiện nay đang được cảnh báo nghiêm trọng về mất bản sắc văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên thay đổi. Khu phố cổ Hội An trước đây thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế bởi nét đẹp nguyên sơ thì sau quá trình khai thác mạnh cho du lịch đã trở nên thay đổi, du khách ít tìm đến. Di sản thế giới Vịnh Hạ Long nhiều lần bị đe dọa bởi những dự án san đồi, lấn biển, tình trạng rác thải du lịch…

Bảo vệ di sản bắt đầu từ ý thức

Ngành du lịch không những cần giới thiệu, bảo tồn được toàn vẹn tính nguyên bản, chân thực của những giá trị văn hóa mà đồng thời theo định hướng thị trường cung cấp được các dịch vụ liên quan cho khách hàng, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Cần thực hiện được cách tiếp cận du lịch có trách nhiệm tới du khách thì ngành du lịch sẽ khai thác ngày càng hiệu quả hơn các giá trị văn hóa.

Đã tới lúc cần triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trước tiên, việc chia sẻ lợi ích và đảm bảo sự tham gia đồng đều của tất cả các bên.

Đến nay rất nhiều nơi phát triển du lịch nhưng cộng đồng địa phương chưa được hưởng lợi nhiều từ việc phát triển du lịch mà chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, thậm chí là các doanh nghiệp ở ngoài nước…

Còn cộng đồng của địa phương chủ yếu làm nghề ở mức độ thấp trong nấc thang công việc như phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn. Vì vậy, cần có sự cân bằng nhất định trong khai thác di sản vào du lịch của người dân địa phương và bên ngoài.

Các hãng du lịch hoàn toàn có thể kêu gọi sự chung tay từ du khách vào các hoạt động để bảo tồn, tái tạo du lịch...

Thực tế cũng cho thấy, việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể từ tác động tới ý thức là vô cùng quan trọng. Không chỉ nâng cao nhận thức cho chính cộng đồng địa phương nơi có di sản mà cần tuyên truyền để họ hiểu hết giá trị từ đó yêu và tự giác trong hoạt động bảo vệ những tiềm năng ấy.

Bảo tồn và phát triển di sản trong du lịch cần được tiến hành song hành. Di sản đã và đang chịu nhiều tác động từ quá trình khai thác du lịch. Vì vậy, nếu không có ý thức bảo tồn ngay từ khách du lịch, người khai thác du lịch thì việc hư hỏng, mất bản sắc văn hóa là điều khó tránh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính.