Là chủ nhân tác phẩm tre bonsai “lưỡng long chầu nhật” tại tiệc trà khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nghệ nhân trẻ Nguyễn Sỹ Luân rất tự hào vì góp công sức trong việc quảng bá văn hóa Việt.
Theo đuổi đam mê
Tre không chỉ thuộc nhóm tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”, mà còn là biểu tượng cho sự dẻo dai, kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt. Tre không chỉ đi vào lịch sử, văn chương, mà từ tre - văn hóa được tạo lập, từ văn hóa làng đến văn hóa quốc gia. Từ tre - nghệ thuật cũng được khắc họa, từ nghệ thuật đánh giặc đến nghệ thuật ứng dụng, và đặc biệt là nghệ thuật bonsai đang rất thịnh hành.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Sỹ Luân là một thành viên năng động và rất có uy tín của Hội Tre bonsai Việt Nam, anh cũng là chủ của hợp tác xã Vườn Chum thuộc thôn Bảo An, xã Hoàng An (Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Trên hội nhóm mạng xã hội chuyên về tre, trúc, Sỹ Luân được biết đến là một chuyên gia tâm huyết. Anh thường xuyên chia sẻ những tác phẩm tre bonsai đã hoàn thiện cho đến những phôi tre vừa được khai thác.
Thế nhưng, ít ai biết trước khi đến với nghệ thuật tre bonsai, Sỹ Luân từng là công nhân làm việc tại khu công nghiệp thị xã Quế Võ (Bắc Ninh). Ngày đi làm nhưng vì yêu thích nghệ thuật bonsai nên tối nào anh cũng lên mạng tìm hiểu kỹ thuật từ các nghệ nhân.
Càng tìm hiểu, Sỹ Luân càng bị nghệ thuật bonsai lôi cuốn, thế rồi anh từ bỏ công việc tại khu công nghiệp để theo học nghệ nhân Nguyễn Anh Tuấn ở Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội). Trong thời gian học nghề, anh nhận ra cây gì cũng có thể làm bonsai nếu người làm kiên trì, tâm huyết và biết sáng tạo.
Sỹ Luân cũng đặc biệt nhận ra vẻ đẹp tiềm tàng của loài tre. Tuy nhiên, lúc này gần như rất ít người chế tác tre thành tác phẩm bonsai nên phần nào khiến Sỹ Luân phải lăn tăn khi chọn cho mình một con đường riêng để đi trong hành trình chinh phục cái đẹp.
Khi đã chọn rồi, khi đã quyết tâm theo đuổi thì lại chẳng có sự thuận lợi nào đuổi theo. Với hàng tỷ đồng tiền phôi tre gần như mất trắng khi: Phôi thì không ra rễ, phôi thì dần ngả màu, phôi thì dù đã ra rễ đâm chồi vẫn chết như thường. “Vạn sự khởi đầu nan” là ở chỗ làm sao để phôi tre sống được, sống khỏe thì mới có cơ hội để cái đẹp lan tỏa.
Sau rất nhiều thử nghiệm với rất nhiều học phí đắt đỏ, cuối cùng Sỹ Luân đã thành công khi từng gốc tre đâm mầm tươi tốt, khi đưa lên chậu, đưa vào chum thì tre vẫn phát triển bình thường và dần thuần chậu để qua tạo tác trước khi trở thành một tác phẩm đúng nghĩa bonsai.
Cho đến bây giờ, 2ha vườn cảnh của Sỹ Luân đầy ắp những tre. Các dáng thế, các loại tre vươn lên xanh mướt. Ở đó, anh chia ra thành các cung bậc của người chơi và đối với thị trường bonsai tre hiện nay, đó còn như khu vườn chứa đầy báu vật với những siêu phẩm mà ai cũng khát thèm mong được sở hữu.
Thông qua các tác phẩm tre bonsai, anh Luân muốn truyền cảm hứng văn hóa đến mọi người. |
Vẻ đẹp của tre, lan tỏa văn hóa
Một trong những siêu phẩm trong Vườn Chum của Nguyễn Sỹ Luân hiện nay chính là tác phẩm “lưỡng long chầu nhật” từng xuất hiện tại tiệc trà khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023.
Kể về quá trình tạo tác tác phẩm độc đáo này, Sỹ Luân cho biết phải mất thời gian khá dài và phải rất hữu duyên mới tìm được hai phôi tre ngà ưng ý. Sau thời gian uốn nắn, tạo tán… anh quyết định đưa tác phẩm lên chậu. Tuy nhiên, chọn chậu nào để phù hợp với thế dáng lại không đơn giản. Sẵn có cái chum trong sân, Luân lờ mờ nhận ra dáng “song long chầu nguyệt”.
Hết phác thảo ra giấy lại cưa cắt chum theo hình thế định sẵn, anh quyết định đưa cây lên chum. Ban đầu, Sỹ Luân đặt tên cho tác phẩm là “lưỡng long chầu nguyệt”, sau lại đổi tên là “lưỡng long chầu nhật” với ý nghĩa Mặt trời tươi sáng, rạng tỏa ánh sáng tới muôn loài.
Thế rồi, trong lần trưng bày nhân sự kiện chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam tại 87 Mã Mây (Hà Nội), 21 tác phẩm bonsai tre của Sỹ Luân đã gây sự chú ý đặc biệt của giới chơi cây và công chúng yêu bonsai.
Vui hơn nữa, tác phẩm “lưỡng long chầu nhật” sau đó được lựa chọn để trang trí tại tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Từ lúc này, hình ảnh cây tre Việt Nam được lan tỏa ra khắp thế giới, cũng từ đó hợp tác xã Vườn Chum của Sỹ Luân nườm nượp khách tham quan, chiêm ngưỡng các tác phẩm tre độc đáo.
Trên hội nhóm mạng xã hội chuyên về tre bonsai, các thành viên cũng gửi lời chúc mừng “ông chủ” Vườn Chum, và hình ảnh tác phẩm “lưỡng long chầu nhật” cũng trở thành biểu tượng của cái đẹp, được đông đảo thành viên chia sẻ hình ảnh và trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi.
Mỗi tác phẩm tre bonsai có một vẻ đẹp riêng. |
Sau niềm vui từ những thành công, nghệ nhân trẻ Nguyễn Sỹ Luân tiếp tục hành trình cái đẹp của tre bonsai. Theo anh Luân, không chỉ muốn lan tỏa cái đẹp của thị giác, anh muốn nét đẹp của văn hóa Việt Nam được nhiều người biết đến theo cách sâu sắc hơn.
Ví như cổ tích Thánh Gióng dùng tre đánh giặc, hay cha ông ta chế tác cung nỏ, vũ khí từ tre như Thép Mới đã viết: “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người…”.
Để nét đẹp của văn hóa Việt được lan tỏa, Sỹ Luân không giấu giếm bí quyết trồng tre bonsai, ngược lại anh còn kỳ công viết những bài chia sẻ từ cách chọn phôi, cắt rễ, ngâm thuốc cho đến cách trồng và giâm ủ… để những ai muốn tìm vẻ đẹp xưa của văn hóa làng có thể tự trồng, tự cảm nhận và lan tỏa nét văn hóa ấy đến tất cả mọi người.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Sỹ Luân cho rằng, là người Việt thì hầu như ai cũng có những kỷ niệm về cây tre, được nghe những câu hát, câu thơ về tre. Thế nhưng trước làn sóng đô thị hóa và bê tông hóa thì tre hiếm dần, nhiều làng không còn một khóm tre. Từ khóm tre làng, người ta đã lớn lên và hình thành những nét văn hóa của sự giản dị nhưng kiên cường. Tre bonsai cũng mang những ý nghĩa như vậy, và có thể từ những gốc tre làng chúng ta thêm yêu văn hóa, yêu quê hương mình hơn.