Thêm trân trọng cuộc sống thời bình qua Giáo dục quốc phòng an ninh

GD&TĐ - Mặc dù không phải nội dung bắt buộc nhưng giáo dục quốc phòng – an ninh luôn được trường phổ thông đặc biệt quan tâm và chú trọng.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) tham quan Bảo tàng Thái Bình. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) tham quan Bảo tàng Thái Bình. Ảnh: NTCC

Để giáo dục hiệu quả, ngoài lồng ghép vào một số môn học, các trường còn tổ chức hoạt động ngoại khóa với đa dạng hình thức và chủ đề.

Lồng ghép qua từng bài học

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Hoàng Long, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình): “Để giáo dục kiến thức quốc phòng – an ninh cho học sinh, giáo viên đã lồng ghép vào môn số môn học theo quy định, chuẩn bị tài liệu bằng video, hình ảnh nhằm tạo hứng thú cũng như tăng hiệu quả giờ dạy cho học sinh”.

Trong chương trình lớp 5 có bài tập đọc “Đất Cà Mau”, trước khi dạy, thầy Long tìm kiếm các tư liệu về tỉnh Cà Mau, hiện tượng nước biển xâm lấn. Để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, Nhà nước đã xây hàng rào bê tông, trồng rừng ngập mặn ra sao cho học sinh hiểu…

“Ngoài tiết học trên lớp, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong còn tổ chức buổi sinh hoạt chào cờ hàng tuần, sinh hoạt lớp. Ngày 22/12 hàng năm, ban giám hiệu mời cựu chiến binh đến trường để nói chuyện với học sinh. Riêng hai năm ảnh hưởng bởi Covid-19, chúng tôi tổ chức hoạt động này bằng hình thức trực tuyến”, cô Trương Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết thêm.

Hay môn Lịch sử, Thái Bình có nhiều nhân vật liên quan đến quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Ví dụ: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân, người bắn rơi máy bay B52 của Mỹ, ông cũng là người đầu tiên ở Việt Nam bay vào vũ trụ… Trong bài “Tre Việt Nam” (trang 41, sách Tiếng Việt tập 1, lớp 4), qua hình ảnh cây tre, giáo viên sẽ phân tích đức tính cần cù, đoàn kết, ngay thẳng của con người Việt Nam. Từ đó, giáo dục cho học sinh hiểu về tinh thần dân tộc, quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Còn tại Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), thầy Nguyễn Văn Bắc - Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Đối với hoạt động giáo dục quốc phòng – an ninh, trường luôn đổi mới nội dung và phương pháp dạy theo quan điểm lý thuyết gắn với thực tiễn. Các chủ đề lựa chọn giảng dạy tích hợp, lồng ghép thông qua các bài học trong sách giáo khoa, hoạt động ngoại khóa như tham quan di tích lịch sử, đọc sách, thi kể truyện, vẽ tranh, hội thi tìm hiểu về quốc phòng - an ninh.

“Mục đích của nội dung giáo dục quốc phòng – an ninh là hình thành những hiểu biết ban đầu cho học sinh tiểu học về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; phát triểu của lực lượng vũ trang nhân dân”, thầy Bắc nhấn mạnh.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) nghe thuyết minh về các hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng Thái Bình. Ảnh NTCC.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) nghe thuyết minh về các hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng Thái Bình. Ảnh NTCC.

Đa dạng hoạt động để tăng hiệu quả

Tại Trường Tiểu học & THCS Cửu Long (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), nội dung giáo dục quốc phòng - an ninh được lồng ghép vào các môn như: Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý cấp tiểu học; THCS là môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục và Công dân... Ngoài ra, trường còn giáo dục thông qua hoạt động ngoại khóa, giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ.

Theo cô Hiệu trưởng Chu Thị Thu Hằng, hàng năm, nhà trường còn phát động thi đua quốc phòng toàn dân; tổ chức các hoạt động như: Tuyên truyền về truyền thống bộ đội cụ Hồ; tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ với chủ đề giáo dục quốc phòng – an ninh.

Với đơn vị bộ đội kết nghĩa, trường mời cán bộ đến nói chuyện với học sinh về các chuyên đề liên quan đến an ninh quốc phòng – an ninh, chủ quyền biển đảo…; qua đó truyền thông điệp cho học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm của công dân.

Đồng quan điểm, thầy Phan Văn Thanh – Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS&THPT Đăk G’long (tỉnh Đắk Nông) cho hay: “Chúng tôi dựa trên các chủ đề mà Bộ GD&ĐT cũng như sở GD&ĐT hướng dẫn để đưa vào kế hoạch giảng dạy. Đồng thời, nhà trường lựa chọn các chủ đề theo dòng sự kiện trong năm như: Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; chủ quyền biển đảo; Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc…. Đặc biệt, thực hiện giảng dạy môn Giáo dục địa phương theo chương trình mới, chúng tôi chọn di tích lịch sử Hang Ngo để giới thiệu và trải nghiệm thực tế.

Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức các chương trình biễu diễn văn nghệ với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước để học sinh như tự biên đạo, dàn dựng các tiết mục nhân ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nhiều tiết mục văn nghệ được các em dàn dựng công phu như tái hiện lại cảnh chiến tranh, máy bay dội bom như thế nào; học sinh phải sơ tán trong thời chiến ra sao; qua đó giúp các em hiểu tìm hiểu, nhớ kiến thức và trân trọng cuộc sống thời bình”, thầy Thanh nhấn mạnh.

Trường THCS Quang Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cũng lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng – an ninh vào tiết học của các môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân… Theo chia sẻ của em Ngô Thanh Hà - học sinh khối 7, giờ học tạo cảm hứng với nội dung gần gũi. Đặc biệt, các thầy cô còn chiếu video liên quan đến sự kiện đó để chúng em hiểu hơn vấn đề và nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.