Chọn Điện Biên là minh chứng điển hình cho tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”
Năm 2024, nhóm tác giả Phạm Mai, Thuỳ Giang, đến từ Báo VietnamPlus tham gia Giải Báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam với tác phẩm “Từ lời kêu gọi thắp sáng vùng cao của Đảng đến kỳ tích giáo dục Điện Biên”.
Với chủ đề, nội dung ý nghĩa, sâu sắc, công phu trong tác nghiệp, trình bày đẹp, chùm bài được Ban giám khảo đánh giá cao và giành giải thưởng ở loại hình báo điện tử.
Chia sẻ về lý do chọn nội dung thể hiện trong tác phẩm, nhà báo Phạm Mai - cái tên quen thuộc với Giải Báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam những năm qua - cho biết:
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng khi tròn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, chiến thắng mang tính quyết định, mở ra giai đoạn lịch sử mới cho dân tộc Việt Nam khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.
Ngay sau khi giành được độc lập, vấn đề “diệt giặc dốt”, xóa mù chữ, phát triển văn hoá, giáo dục đã được Bác Hồ, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất là đối với miền núi phía Bắc - khu vực địa chính trị đặc biệt quan trọng nhưng cũng là nơi chậm phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội, ít cơ sở Đảng.
Với tư tưởng “không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi các cán bộ, giáo viên miền xuôi tình nguyện lên với vùng cao.
Ngày 15/8/1959, Chính phủ ban hành Thông tư số 3116-A7 về việc điều động giáo viên cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác, nhằm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và góp phần phát triển văn hóa giáo dục miền núi.
Nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, của lãnh đạo ngành Giáo dục, cuối năm 1959, 860 giáo viên từ nhiều tỉnh thành đã tình nguyện lên đường thắp sáng vùng cao. Phong trào tình nguyện lên miền núi vẫn được tiếp tục duy trì các năm sau đó với sự tham gia của hàng nghìn giáo viên miền xuôi.
Sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô đã góp phần quan trọng phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, phát triển cơ sở Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị cho miền núi, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển và giữ vững an ninh chính trị của miền biên giới – khu vực địa chính trị có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia.
Và từ những “viên gạch” đầu tiên được xây dựng bởi các giáo viên tình nguyện miền xuôi đã tạo nền móng vững chắc để giáo dục vùng cao ngày càng phát triển, đạt nhiều thành tựu.
Chùm bài được triển khai nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Tây Bắc, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2024 cũng tròn 65 năm ngày 860 giáo viên đầu tiên theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, của tình yêu tổ quốc, của lý tưởng nghề nghiệp, tình nguyện lên đường thắp sáng giáo dục vùng cao.
Báo Điện tử VietnamPlus đã chọn Điện Biên là minh chứng điển hình cho thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, của tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, của những nỗ lực, cống hiến, hy sinh không mệt mỏi của hàng nghìn giáo viên trẻ khắp miền Bắc trong phát triển giáo dục miền núi qua tác phẩm “Từ lời kêu gọi thắp sáng vùng cao của Đảng đến kỳ tích giáo dục Điện Biên”.
Bài học giáo dục còn nguyên giá trị
Để thực hiện bài viết, nhóm tác giả đã tìm gặp những người giáo viên miền xuôi tình nguyện năm xưa. Họ đã gác lại tình yêu, tình thân, cuộc sống nhiều thuận lợi để vượt núi băng rừng, trèo đèo lội suối đến gieo chữ nơi những bản làng heo hút chênh vênh bên sườn núi hay lẩn khuất giữa đại ngàn, cùng người dân chặt tre, dựng lớp, mở trường, đồng thời xây dựng, phát triển cơ sở Đảng vững mạnh cho miền núi.
Những thế hệ nhà giáo Điện Biên hôm nay đã tiếp nối những thành quả mà những giáo viên tình nguyện miền xuôi năm xưa đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để vun đắp, dựng xây. Từng giáo viên, hiệu trưởng, lãnh đạo ngành Giáo dục Điện Biên đã nỗ lực trong phát triển các hoạt động phong trào, rèn kỹ năng cho học sinh, đổi mới phương pháp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là sáng tạo, tiên phong triển khai các mô hình mới phù hợp với thực tế để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường.
Trải qua hành trình 65 năm, từ chỗ 99% dân số mù chữ, trắng lớp, trắng trường, từ những “viên gạch” đầu tiên được “xây” bởi những giáo viên tình nguyện miền xuôi và sự tiếp nối của các thế hệ nhà giáo, giáo dục vùng cao nói chung và Điện Biên nói riêng đã có những bước tiến thần kỳ.
“Điều khó khăn khi thực hiện bài viết là các giáo viên tình nguyện năm xưa nay tuổi đã cao, nhiều người đã ra đi mãi mãi, một số sức khoẻ yếu. Các nhà giáo còn khỏe và minh mẫn lại đang sinh sống các tỉnh, thành khác nhau. Bên cạnh đó, do tuổi cao, trí nhớ giảm sút nên trong câu chuyện của các thầy, cô có những nội dung, chi tiết kể khác nhau và người viết phải mất nhiều thời gian, nghiệp vụ xác minh để thông tin đúng đến bạn đọc, trong đó có thông tin về các văn bản chỉ đạo, chủ trương, đường lối của Đảng”, nhà báo Phạm Mai chia sẻ.
Chùm bài “Từ lời kêu gọi thắp sáng vùng cao của Đảng đến kỳ tích giáo dục Điện Biên” được thể hiện dưới dạng mega story - thể loại báo chí đặc trưng của báo điện tử với sự kết hợp đa phương tiện của nhiều loại hình báo chí với nhiều hình ảnh, video, nội dung thông tin bài viết dày dặn, chuyên sâu.
Bài viết được thiết kế giao diện trình bày đẹp, tạo ấn tượng cho người đọc với ý tưởng nền xanh được lấy cảm hứng từ biểu tượng cho tuổi trẻ - sức mạnh của thanh niên - giáo viên trí thức miền xuôi, kết hợp với màu đỏ biểu tượng cho tư tưởng lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Màu xanh cũng biểu tượng cho một sức sống mới mà những người thầy “cõng chữ lên non” đã “gieo hạt” nơi những mầm non miền sơn cước, “vun trồng” để các em trở thành những “hạt giống đỏ”, những công dân có đủ đức – trí - thể - mỹ, đưa miền núi tiến lên cùng sự phát triển chung của đất nước.
Chùm bài một lần nữa khẳng định bài học về sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, tôn vinh những đóng góp to lớn của các cán bộ, giáo viên ngành giáo dục đã không quản ngại gian khổ, hy sinh vì học sinh, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong đoạn lịch sử đặc biệt, góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chùm bài cũng là minh chứng sinh động cho quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” của Đảng và Nhà nước ta, là bài học cho sự ưu tiên phát triển giáo dục, khẳng định vai trò to lớn của ngành giáo dục trong tiên phong mở lối, đặt nền tảng tri thức, từ đó tạo sự thay đổi về nhận thức, tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài về mọi mặt kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội.
Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay, khi toàn ngành Giáo dục đang triển khai “đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng với rất nhiều khó khăn thách thức cả về nhân lực, vật lực và rất cần được bố trí nguồn lực ưu tiên.
Chúng tôi rất vui và vinh dự khi được nhận Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm nay. Sau 6 năm tổ chức, Giải đã thực sự khẳng định được uy tín, chất lượng, sức lan tỏa; khích lệ, động viên các tác giả thêm đi sâu khai thác thông tin, phát hiện các vấn đề hay, những gương tiêu biểu, những mô hình tốt trong giáo dục. Từ đó, góp phần lan toả thông tin tích cực; đồng thời chỉ rõ và đưa ra giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại của ngành, góp phần xây dựng nền giáo dục chất lượng hơn, hiện đại hơn.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” cũng tiếp thêm nguồn động lực, để những người làm báo giáo dục chúng tôi dấn thân hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa các tác phẩm hay về giáo dục.
Nhà báo Phạm Mai, Thuỳ Giang, Báo VietnamPlus