I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA
Tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
II. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Tên gọi
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024.
2. Quy định về tác giả, tác phẩm và số lượng tác phẩm tham dự
2.1. Về tác giả
- Là công dân Việt Nam, bao gồm những nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, có tác phẩm báo chí xuất sắc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phù hợp với tiêu chí của Giải.
- Tác giả dự Giải không vi phạm các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và luật pháp khác.
- Mỗi tác giả, nhóm tác giả gửi tối đa 05 tác phẩm tham dự Giải.
- Thành viên Hội đồng chấm Giải, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức không gửi tác phẩm tham dự Giải.
2.2. Về tác phẩm
- Tác phẩm báo chí tham dự Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là những tác phẩm bằng tiếng Việt được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 05/9/2023 đến ngày 05/9/2024. Nếu tác phẩm đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm trong khoảng thời gian nêu trên.
- Không xét các tác phẩm đang chờ đánh giá và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền; tác phẩm đoạt giải của Giải báo chí Quốc gia hoặc các Giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác.
- Các tác phẩm dự thi phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm được công bố.
III. TIÊU CHÍ XÉT TRAO GIẢI
1. Về nội dung
- Tác phẩm bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về Giáo dục và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới Giáo dục. Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu.
- Các hoạt động giáo dục tiêu biểu đã và đang triển khai ở các địa phương, cơ sở giáo dục các cấp học từ mầm non đến đại học.
- Các tập thể, cá nhân có nhiều giải pháp, kết quả, thành tích nổi bật, đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
- Những câu chuyện xúc động, có ảnh hưởng, tác động tích cực và truyền cảm hứng đối với xã hội về hình ảnh người thầy và những cống hiến của họ đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
2. Thể loại và loại hình báo chí được xét trao Giải
- Loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình.
- Thể loại: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, phim tài liệu, các chương trình phát thanh, truyền hình.
- Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (như thơ, tiểu phẩm, truyện ngắn, câu chuyện văn nghệ, phim truyện, kịch truyền thanh…).
- Tác phẩm được xét trao Giải phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm công bố.
- Các tác phẩm là một loạt bài phải thực hiện cùng một thể loại báo chí.
Quy định đối với từng thể loại như sau:
a. Báo in, tạp chí in
- Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và thực hiện cùng một thể loại báo chí.
- Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không cùng một đề tài.
b. Báo điện tử, tạp chí điện tử
- Tác phẩm tham dự Giải phải là tác phẩm thực hiện riêng cho báo điện tử; thể hiện được đặc trưng của báo điện tử (ngắn, gọn, có tính liên kết, tính đa phương tiện), bao gồm cả các sản phẩm đa phương tiện. Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) dưới hình thức thông tin văn bản, âm thanh, hình ảnh hoặc đa phương tiện của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và thực hiện cùng một thể loại báo chí.
- Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng tải khác nhau, không cùng một đề tài.
c. Phát thanh
- Mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt chương trình phát thanh (không quá 05 chương trình phát thanh, mỗi chương trình không quá 60 phút) về cùng một chủ đề.
- Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn.
d. Truyền hình
- Mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt tác phẩm/ chương trình truyền hình (không quá 05 chương trình, mỗi chương trình không quá 120 phút) về một chủ đề.
- Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo hình là hình ảnh động; kỹ thuật hình ảnh, âm thanh phải đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn.
3. Hình thức trình bày
Các tác phẩm phải được trình bày bằng tiếng Việt, được đăng tải trên các loại hình báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong nước và ở nước ngoài; thời gian đăng, phát từ ngày 05/9/2023 đến ngày 05/9/2024.
IV. HỒ SƠ TÁC PHẨM VÀ ĐỊA CHỈ NHẬN TÁC PHẨM
1. Hồ sơ tác phẩm
Tất cả các tác phẩm tham dự Giải phải ghi rõ: Họ và tên tác giả (tên khai sinh và bút danh, nếu có), tên tác phẩm, thể loại báo chí, đơn vị, địa chỉ, điện thoại của tác giả; ngày, tháng, năm đăng báo, tạp chí hoặc phát sóng của tác phẩm.
Nếu là tập thể tác giả, phải ghi tên từng tác giả, nếu bút danh phải ghi tên thật (trong hồ sơ).
Các tác phẩm dự thi sai quy định sẽ bị loại và Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm giải quyết các khiếu nại có liên quan.
- Đối với tác phẩm báo in, tạp chí in: Là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in nhưng phải rõ ràng. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 hoặc A3 và đánh số trang phần tiếp nối.
- Đối với tác phẩm báo điện tử, tạp chí điện tử: Phải gửi đường link tác phẩm và bản in chụp từ giao diện điện tử (không nhận tác phẩm đánh máy lại). Hội đồng giám khảo chấm theo đường link tác phẩm.
- Đối với tác phẩm phát thanh: Phải ghi lên đĩa CD hoặc USB, mỗi đĩa/USB chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng, kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm (nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng Việt), kèm theo xác nhận của đơn vị phát hành.
Các tác phẩm phát thanh phải gửi kèm đường link tác phẩm trên trang điện tử của đơn vị (nếu có).
- Đối với tác phẩm truyền hình: Phải ghi lên đĩa VCD hoặc DVD, USB, mỗi đĩa/USB chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tác giả, tác phẩm, thể loại, thời lượng, thời gian phát sóng, có kịch bản, lời bình chi tiết, kèm theo xác nhận của đơn vị phát hành.
Các tác phẩm truyền hình phải gửi kèm đường link tác phẩm trên trang điện tử của đơn vị (nếu có).
2. Thời gian và địa chỉ nhận tác phẩm
- Thời gian nhận tác phẩm: từ ngày phát động đến hết tháng 9/2024.
- Địa chỉ nhận tác phẩm: Tòa soạn Báo Giáo dục và Thời đại, 15 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc qua email: cuocthiVSNGDVN@moet.gov.vn
Đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Bài tham gia dự Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024.
V. CƠ CẤU VÀ GIÁ TRỊ GIẢI THƯỞNG
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024 được trao cho các tác phẩm: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình.
1. Cơ cấu giải
01 Giải đặc biệt được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giải thưởng cho mỗi loại hình gồm: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và một số giải Khuyến khích.
Giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải (02 nhân vật).
2. Giá trị giải thưởng
- Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”.
- Chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tiền thưởng bằng tiền mặt:
+ Giải đặc biệt: 60.000.000 đồng (Sáu mươi triệu đồng);
+ Giải nhất: 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng);
+ Giải nhì: 15.000.000 đồng/giải (Mười lăm triệu đồng);
+ Giải ba: 10.000.000 đồng/giải (Mười triệu đồng);
+ Giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải (Năm triệu đồng).
Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).
Giải phụ: Ban Tổ chức Giải xem xét quyết định, tùy tình hình thực tế của mỗi năm tổ chức.
Tiền thưởng nêu trên đã bao gồm thuế thu nhập mà các tác giả đoạt giải phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Kết quả cuộc thi sẽ được thông báo đến tác giả và đăng tải trên Báo Giáo dục và Thời đại (03 số báo liên tiếp), trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://moet.gov.vn ).
Lễ tổng kết và trao giải được tổ chức vào ngày 16/11/2024 (dự kiến).
3. Sử dụng tác phẩm
Tất cả các tác phẩm tham dự Giải không trả lại tác giả.
Ban Tổ chức được quyền sử dụng các tác phẩm tham dự Giải phục vụ cho công tác tuyên truyền và quảng bá các hoạt động của Ngành giáo dục dưới mọi hình thức.
VI. CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC GIẢI THƯỞNG
Báo Giáo dục và Thời đại là Cơ quan thường trực Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan xuất bản, các bộ, ngành và địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức hữu nghị Việt Nam với các nước, các tác giả trong và ngoài nước có tác phẩm báo chí phù hợp các quy định trong Thể lệ Giải lựa chọn và gửi tác phẩm dự thi đến Cơ quan thường trực Giải thưởng.
VII. KINH PHÍ TỔ CHỨC
Kinh phí thực hiện Giải sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Xem toàn văn Quyết định ban hành Thể lệ Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024 TẠI ĐÂY.