Thêm tin vui cho giáo dục Đại học

GD&TĐ - Việt Nam có đại diện 2 năm liền xuất hiện trong bảng xếp hạng các Đại học có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới; Quan tâm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tới chất lượng đội ngũ GS, PGS 2019; Vấn đề đổi tên Trường ĐH Y dược TP.HCM thành ĐH Sức khỏe,… là những nội dung giáo dục được dư luận quan tâm tuần qua.

ĐH Quốc gia TP.HCM là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng các đại học có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới.
ĐH Quốc gia TP.HCM là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng các đại học có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới.

Việt Nam có đại diện vào top 500 QS GER

Đây là năm thứ 2 liên tiếp ĐH Quốc gia TP.HCM là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng các đại học có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới do QS thực hiện (QS Graduate Employability Rankings 2020).

Bảng xếp hạng top 500 QS GER được chọn lọc từ 2.100 trường hàng đầu của 132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: Theo các khảo sát, sau thời gian tốt nghiệp từ 6 tháng đến một năm, tỷ lệ sinh viên tại các trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM có việc làm xấp xỉ 100%.

Bảng xếp hạng này được Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (Vương quốc Anh) thực hiện lần đầu vào năm 2015, nhằm cung cấp thông tin chi tiết hơn về mối quan hệ giữa đại học với doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp của trường.

Năm 2019, bảng xếp hạng có 27 đại học ở Đông Nam Á đến từ Malaysia (9 đại học), Indonesia (6 đại học), Thái Lan (5 đại học), Phillippines (4 đại học), Singapore (2 đại học), Việt Nam (1 đại học).

QS GER đánh giá chất lượng và khả năng tìm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp dựa trên 5 tiêu chí: danh tiếng với nhà tuyển dụng (chiếm 30% tổng điểm), chất lượng đầu ra của cựu sinh viên (25%), hợp tác với doanh nghiệp (25%), các hoạt động kết nối doanh nghiệp và sinh viên (10%) và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (10%).

Đại học Quốc gia TP HCM hiện có hơn 60.000 sinh viên đại học chính quy, hơn 300 giáo sư, phó giáo sư và khoảng 1.200 tiến sĩ. Đại học này có 7 trường thành viên: Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Công nghệ Thông tin, Kinh tế - Luật, Quốc tế, An Giang và Viện Môi trường và Tài nguyên.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng GS nhà nước phát biểu trong buổi làm việc với Hội đồng GS ngành Y học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng GS nhà nước phát biểu trong buổi làm việc với Hội đồng GS ngành Y học. 

Quan tâm công tác xét tiêu chuẩn chức danh GS, PGS 2019

Trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước đã có buổi làm việc với Hội đồng giáo sư ngành Y học khi Hội đồng này đang tổ chức đợt xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2019.

Theo Văn phòng Hội đồng GSNN, đến nay đã có 9/28 Hội đồng GS ngành, liên ngành hoàn thành công tác xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019.

Năm 2019, số ứng viên thuộc ngành sức khỏe được thông qua tại Hội đồng GS cơ sở gồm 47 người, hiện nay, Hội đồng GS ngành Y học đang tổ chức đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019 cho 39 ứng viên này, trong đó có 10 ứng viên GS và 29 ứng viên PGS.

Cùng với quá trình thẩm định, báo cáo khoa học tổng quan và bỏ phiếu để lựa chọn các ứng viên theo tiêu chuẩn, trong trường hợp ứng viên có ý kiến khác, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - Chủ tịch hội đồng GSNN lưu ý các thành viên Hội đồng ngành, liên ngành cần dành thời gian để trao đổi chuyên môn với ứng viên, đảm bảo quá trình, kết quả xét tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng là năm đầu tiên bước sang giai đoạn mới - bài bản hơn, khách quan hơn và chất lượng hơn.

Theo GS.TS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Y học, xét tiêu chuẩn chức danh GS, PGS không phải là công việc mới nhưng đây là năm đầu tiên Hội đồng GS ngành, liên ngành thực hiện việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chính vì vậy, Hội đồng GS ngành Y học thống nhất quan điểm: Không phải là bao nhiêu ứng viên đạt mà quan trọng là chất lượng đội ngũ GS, PGS trong ngành Y, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ hành nghề.

Nhìn nhận quá trình thực hiện nhiệm vụ của các Hội đồng GS ngành, liên ngành năm 2019 đến thời điểm này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, về cơ bản các Hội đồng đã bám sát các quy định trong Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số vấn đề về kỹ thuật, chuyên môn đã được các Hội đồng khắc phục, đồng thời rà soát để từng bước hoàn thiện cho những năm tiếp theo.

Đánh giá chung cho thấy, các Hội đồng GS ngành, liên ngành đã tuân thủ đầy đủ các quy định tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các Hội đồng đều tổ chức phiên họp trù bị để quán triệt và thống nhất quy trình xét, những điểm cần lưu ý trong quá trình thẩm định hồ sơ, thảo luận và đi đến thống nhất những nội dung quan trọng, phù hợp với đặc thù của ngành, liên ngành nhằm thống nhất sự đánh giá hồ sơ ứng viên.

Các Hội đồng cũng đã phối hợp chặt chẽ với chuyên gia, cán bộ của Văn phòng HĐGSNN để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh (khiếu nại, tố cáo,…). Kết quả đánh giá ứng viên đều nêu rõ những ưu điểm, nhược điểm của từng hồ sơ và lý do hồ sơ không đạt tiêu chuẩn.

Đề xuất "đổi tên" Trường ĐH Y dược TP.HCM thành ĐH Sức khỏe TP.HCM của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gây nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất  "đổi tên" Trường ĐH Y dược TP.HCM thành ĐH Sức khỏe TP.HCM của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gây nhiều ý kiến trái chiều.

Đổi tên trường Đại học theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế

Đề nghị phát triển Trường ĐH Y dược TP.HCM thành ĐH Sức khỏe TP.HCM của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, thậm chí gây ra các ý kiến trái chiều, đặc biệt là những người hoạt động trong ngành Y.

Phân tích trên khía cạnh ngôn ngữ học, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đổi tên thành ĐH Sức khỏe không những sẽ là quá mới mẻ mà còn lạ lẫm. Nên để tên trường là Đại học Y Dược TP HCM và chuyển đổi mô hình sang Đại học, trong đó có các trường thành viên là Trường ĐH Y khoa, Trường ĐH Dược khoa…

Mô hình Đại học trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các Đại học Quốc gia (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh), Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng), mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường Đại học Y, Trường đại học Dược, Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Y tế công cộng... Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế và nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc Trường đại học Y dược TP HCM đang tự gọi là Đại học Y dược TP HCM là không đúng luật. Bởi theo Luật giáo dục đại học, các “Trường đại học” để trở thành “Đại học” phải là các trường lớn, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực... và phải xây dựng đề án chuyển đổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi: Ví dụ Đại học Y Dược TP HCM hiện nay hoạt động theo mô hình Trường Đại học đang làm Đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình Đại học Khoa học sức khỏe. Về tên gọi sẽ cân nhắc cụ thể trong đó có phương án vẫn giữ tên là Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình Đại học khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ