Thêm quốc gia châu Âu vi phạm trừng phạt, mua năng lượng Nga

GD&TĐ -Trong khi Bulgari được miễn trừ trừng phạt để mua dầu Nga thì Bỉ đã tích cực nhập khẩu mặt hàng khí tự nhiên hóa lỏng.

Nga xuất khẩu LNG sang châu Âu ở mức kỷ lục trong tháng 11/2023.
Nga xuất khẩu LNG sang châu Âu ở mức kỷ lục trong tháng 11/2023.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, châu Âu là bên nhanh chóng tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.

Giữa làn sóng tẩy chay "hàng Nga" và kêu gọi từ bỏ phụ thuộc năng lượng Nga thì Bulgari đã được miễn trừ để mua dầu của Nga trên giá trần 60 USD/thùng.

Mới đây, RIA Novosti ghi nhận thêm 1 số quốc gia châu Âu khác không thể kìm lại sức hấp dẫn của mặt hàng năng lượng Nga.

Tờ báo Nga trích dẫn dữ liệu thống kê của EU cho thấy, Bỉ đã nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga ở mức rất cao.

Sau 5 tháng giảm mua hàng, đến tháng 10, lượng LNG của Nga được Bỉ nhập khẩu đã tăng gấp 6 lần.

Vào tháng 4, quốc gia EU này đã mua kỷ lục 745 triệu mét khối (mcm) LNG của Nga, sau đó bắt đầu giảm dần nhập khẩu cho đến khi khối lượng giảm xuống còn 74 mcm vào tháng 9.

Song, đến tháng 10, lượng nhập khẩu khí siêu lạnh của Bỉ đã tăng lên 448,6 mcm. Về mặt giá trị, nhập khẩu LNG từ Nga đã tăng gấp 7 lần lên 166 triệu euro. Tính đến cuối tháng 10, quốc gia EU này chiếm gần 37% lượng nhập khẩu LNG của Nga.

Không chỉ Bỉ, Hà Lan cũng đã nối lại việc mua LNG của Nga vào tháng 9 sau 3 tháng tạm dừng và tiếp tục tăng cường mua vào tháng tiếp theo. Trong tháng 10, nhập khẩu tăng 26% lên 267 mcm.

Hy Lạp và Bồ Đào Nha bắt đầu nhập khẩu khí đốt của Nga sau một tháng tạm dừng - tức tháng 9. Trong tháng 10, các nước đã mua lần lượt 88 mcm và 97 mcm.

Nhìn chung, EU đã tăng gần gấp đôi lượng mua LNG từ Nga lên 1,2 tỷ mét khối (bcm) trong tháng 10.

Khối quốc gia gồm 27 thành viên từng là thị trường trọng điểm của mặt hàng khí đốt tự nhiên Nga, với nguồn cung hàng năm lên tới 150 bcm. Ngay sau khi xung đột Ukraine leo thang, EU bắt đầu loại bỏ nguồn cung cấp từ Nga.

Các lệnh trừng phạt chưa từng có nhắm vào ngành năng lượng của nước này và các yếu tố khác, chẳng hạn như vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc, đã làm giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho EU.

Dẫu vậy, dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) cho thấy, các quốc gia thành viên EU đã chi 6,1 tỷ euro (6,7 tỷ USD) để mua LNG của Nga vào năm 2023 bất chấp cam kết từ bỏ năng lượng của Nga.

Trong tuyên bố mới nhất, Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell đã thừa nhận rằng việc giảm đáng kể sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow là gần như không thể.

Ông cho biết, châu Âu đã phải "trả một cái giá đắt" để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Và cuối cùng lại phụ thuộc năng lượng vào một quốc gia khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quạt tích điện năng lượng mặt trời