Thêm hơn 1,1 triệu liều vắc xin AstraZeneca về Việt Nam

GD&TĐ - Ngày 13/8, lô AstraZeneca hơn 1,1 triệu liều đã về tới TP Hồ Chí Minh, nâng tổng số hiện có lên trên 20,5 triệu liều.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, 1.113.400 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca trong hợp đồng đặt mua của Công ty cổ phần vắc xin VNVC, đã về đến TP Hồ Chí Minh. Lô vắc xin đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Tp Hồ Chí Minh, lúc gần 10h ngày 13/8.

Đây là lô thứ 8 do Việt Nam đặt mua thông qua công ty cổ phần vắc xin Việt Nam VNVC trong hợp đồng cung ứng 30 triệu liều của AstraZeneca.

Như vậy đến nay, Việt Nam nhận được hơn 20,5 triệu liều ngừa Covid-19 từ nhiều nguồn, trong đó Covax hỗ trợ gần 9,2 triệu liều. Việt Nam đặt mua qua VNVC hơn 5 triệu liều. Nguồn được tặng là hơn 3,7 triệu liều; 1 triệu liều Sinopharm đặt mua và hơn 1,2 triệu liều Pfizer.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cập nhật, tính đến nay đã có hơn 4,3 triệu người TP Hồ Chí Minh được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo Bộ Y tế cập nhật, tính đến ngày 12/8, cả nước đã tiêm chủng hơn 12 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 các loại, trong đó tiêm một mũi là 11.006.121 người, tiêm mũi hai là 1.092.700 người.

Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống Covid-19 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác này diễn ra ngày 12/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dịch đang rất căng thẳng và vẫn thiếu vắc xin ở cả nước. TP Hồ Chí Minh rất cần vắc xin tiêm cho người dân để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm và nếu bị nhiễm thì triệu chứng cũng sẽ không nặng.

Chúng ta đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vắc xin nhưng trong tháng 8/2021 chỉ có thêm khoảng 3 triệu liều vắc xin về Việt Nam, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của riêng TP Hồ Chí Minh để đủ miễn dịch cộng đồng, chưa kể còn một số địa phương khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay TP. Hà Nội.

Trong tháng 9/2021, dự kiến chỉ có khoảng 9,3 triệu liều vắc xin được nhập về. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ nước ngoài đang bị chậm tiến độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.