Thêm doanh nghiệp ‘nêu khúc mắc’ với Bộ Khoa học và Công nghệ

GD&TĐ - Khúc mắc của nhóm doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh inox với Bộ KHCN chưa kết thúc, lại có thêm DN kiện Bộ trưởng và Cục trưởng Bộ này.

Thêm doanh nghiệp ‘nêu khúc mắc’ với Bộ Khoa học và Công nghệ

Tháng 8/2023, nhóm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép không gỉ (inox) gửi đơn tới Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, phản ánh Bộ KHCN báo cáo nhiều việc “chưa chính xác” so với nội dung buổi đối thoại giữa nhóm doanh nghiệp và Bộ, tổ chức hôm 13/7 vừa qua.

Nội dung buổi đối thoại xoay quanh những bất cập trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019 (Quy chuẩn 20).

Sau buổi đối thoại này, Bộ KHCN đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đề xuất giải quyết kiến nghị của một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép không gỉ.

Báo cáo này tóm tắt lại các ý kiến của các bộ, doanh nghiệp và hiệp hội tham dự buổi đối thoại, làm cơ sở kiến nghị giải quyết.

Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp cho rằng cuộc đối thoại có nhiều ý kiến của đại diện doanh nghiệp, nhưng trong báo cáo của Bộ KHCN gửi Phó Thủ tướng chỉ nêu 2 nội dung, gồm việc doanh nghiệp phản ánh Quy chuẩn 20 gây khó khăn, khiến cho sản phẩm của doanh nghiệp ra thị trường không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài; đặt vấn đề Bộ KHCN cần đánh giá việc áp dụng Quy chuẩn 20 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ KHCN đề xuất Phó Thủ tướng giao cho Bộ nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn Việt Nam về thép không gỉ, tăng cường quản lý Nhà nước, kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và ngăn chặn gian lận thương mại…

Thế nhưng, các doanh nghiệp cho rằng hàng loạt câu hỏi được nêu ra ở buổi đối thoại “bị Bộ KHCN bỏ quên” chưa trả lời hoặc không nêu trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng.

Để chứng minh cho những điều trên, các doanh nghiệp đã gửi biên bản và ghi âm cuộc đối thoại làm bằng chứng.

Vụ việc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép không gỉ phản ứng với Quy chuẩn 20 của Bộ KHCN còn chưa kết thúc, thì mới đây, Công ty CP Hải Dương Gas đã kiện Bộ trưởng Bộ KHCN và Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) liên quan vấn đề huỷ bỏ nhãn hiệu mà doanh nghiệp này đã đăng ký.

Nội dung vụ việc, Công ty CP Hải Dương Gas đăng ký nhãn hiệu “DAI HAI PETROL GAS, hình” từ 7/2013 cho 2 nhóm sản phẩm gồm: Các nhiên liệu dùng để đốt (khí khô, khí thấp áp, khí hóa lỏng (ga) và bình ga, bồn chứa ga bằng kim loại.

Năm 2015, Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký nhãn hiệu số 239620 cho Công ty CP Hải Dương Gas.

Sau đó, Công ty TNHH Dầu khí Đài Hải nộp đơn đề nghị Cục SHTT huỷ bỏ hiệu lực của GCN số 239620 của Công ty CP Hải Dương Gas, lý do là "tương tự với tên thương mại của Công ty TNHH Dầu khí Đài Hải và nhãn hiệu “DHP GAS” được bảo hộ số 24332".

Tuy nhiên, Cục SHTT ra Quyết định số 374 năm 2016, không đồng ý với yêu cầu của Công ty TNHH Dầu khí Đài Hải và giữa nguyên hiệu lực GCN nhãn hiệu số 239620 của Công ty CP Hải Dương Gas.

Công ty TNHH Dầu khí Đài Hải tiếp tục khiếu nại Quyết định 374 của Cục SHTT.

Lần này, Cục SHTT có Quyết định số 2117 năm 2017 hủy bỏ hiệu lực GCN nhãn hiệu số 239620 đã cấp cho Công ty CP Hải Dương Gas.

Không đồng tình với quyết định của Cục SHTT, Công ty CP Hải Dương Gas đã 2 khiếu nại tới Bộ trưởng Bộ KHCN nhưng Bộ trưởng Bộ này giữ nguyên theo quyết định của Cục SHTT, khiến Công ty phải khởi kiện ra TAND tỉnh Hải Dương.

Tại phiên toà sơ thẩm hồi tháng 2/2023, TAND tỉnh Hải Dương tuyên bác nội dung khởi kiện của Công ty TP Hải Dương Gas và giữ nguyên các quyết định của Cục SHTT và Bộ trưởng Bộ KHCN.

Trong phiên xử phúc thẩm ngày 7/8/2023, thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp có phần lỗi của Cục SHTT. Tuy nhiên, trong phần tuyên án, HĐXX tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hải Dương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ