Tiếp cận kỹ thuật mới
Sáng 5/7, TS.BS Đỗ Anh Tiến - Phó khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực đã tiến hành khám lại cho 2 bệnh nhân: N.V.S (63 tuổi, Hà Nội) và N.T.T (38 tuổi, Thanh Hóa) được phẫu thuật bằng kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki với vết mổ khô, không có biến chứng sau mổ. Sau hơn 1 tuần, 2 bệnh nhân này đã có thể đi lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường và dự kiến có thể ra viện vào cuối tuần này.
Trước đó, 2 bệnh nhân này được GS Shigeyaki Ozaki và các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E thực hiện phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki vào cuối tháng 6/2017. Bệnh nhân N.V.S (63 tuổi, Hà Nội) được phát hiện hẹp khít van động mạch chủ dẫn đến đau tức ngực, khó thở, với tình trạng suy tim mức độ trung bình và bệnh nhân N.T.T (38 tuổi, Thanh Hóa) bị hở van động mạch chủ nặng, suy tim nặng. Cả 2 bệnh nhân đều được phát hiện bệnh cách đây 1 năm. Sau khi hội chẩn, dưới sự giúp sức chuyển giao kỹ thuật từ GS Ozaki, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch đã quyết định thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki cho 2 bệnh nhân này.
GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E - cho hay, với tạo hình van động mạch chủ bằng màng tim, các thao tác khó nhất đều dồn hết cho phẫu thuật viên. Phẫu thuật viên phải tạo hình được các lá van động mạch chủ tương ứng với vòng van động mạch chủ của bệnh nhân. Từ đó, van động mạch chủ bằng màng tim thích ứng, hoạt động tốt, giảm biến chứng đào thải van động mạch được thay thế. Vì van động mạch chủ được làm từ “nguyên liệu” là màng tim của bệnh nhân nên hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh nhân không phải dùng thuốc chống đông sau mổ, hạn chế được những biến chứng khi dùng thuốc chống đông. Chi phí điều trị cho bệnh nhân có chỉ định thay van động mạch chủ sẽ giảm, vì bệnh nhân không mất chi phí mua van tim nhân tạo (khoảng 40 triệu đồng).
Chuyển giao công nghệ tiên tiến
Với tư cách là Chủ tịch Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, GS Lê Ngọc Thành khẳng định, đây là kỹ thuật hiện đại rất phù hợp với những quốc gia như Việt Nam có mức thu nhập của người dân còn thấp, kiểm soát đông máu sau mổ kém và bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa là phổ biến.
Vì thế, trong lần thứ 3 GS Ozaki tới Việt Nam và Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) vào cuối tháng 6 vừa qua, GS Thành đã quyết định mời GS Ozaki chuyển giao kỹ thuật tiên tiến này cho các bác sĩ chuyên ngành tim mạch ở các bệnh viện: Chợ Rẫy (TPHCM), Y Dược TPHCM, Nhi T.Ư, Tim Hà Nội, ĐK Việt Tiệp (Hải Phòng), ĐK Thanh Hóa, ĐK Thái Bình, ĐK Hải Dương… với mong muốn, người bệnh được hưởng lợi từ những tiến bộ khoa học trong điều trị các bệnh lý tim mạch, trong đó có van động mạch chủ.
Để các bệnh viện khác có thể triển khai rộng rãi kỹ thuật tiên tiến này, theo GS Lê Ngọc Thành cần phải có lộ trình nhằm đào tạo phẫu thuật viên thực hiện thành thạo kỹ thuật này. “Chúng ta phải đặt sự an toàn của người bệnh lên hàng đầu, trước khi thực hiện bất kỳ kỹ thuật nào, kể cả kỹ thuật đó được cho là tiên tiến, hiện đại” - GS Lê Ngọc Thành khẳng định. Chính vì thế, ngay từ ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam thực hiện phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki vào năm 2013 đến nay, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E đã cử các phẫu thuật viên giỏi là TS.BS Đỗ Anh Tiến, ThS.BS Nguyễn Công Hựu (thuộc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E) sang Bệnh viện Đại học Toho (Tokyo, Nhật Bản) tham gia các khóa đào tạo do GS Ozaki tổ chức giới thiệu, chuyển giao cho các nước trên thế giới.