Hội thảo nhằm cung cấp thông tin, vai trò của vi chất dinh dưỡng với sức khoẻ, cũng như những vấn đề thực thi tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Karen Codling, đại diện Mạng lưới I ốt toàn cầu, cho biết: Thiếu hụt I ốt được chứng minh là nguyên nhân chính dẫn đến khả năng mất trí tuệ ở trẻ em, gia tăng tình trạng thai chết lưu và sảy thai ở sản phụ. Với tình trạng thiếu I ốt trong cộng đồng hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 19 quốc gia trên thế giới thiếu I ốt mức báo động.
Bên cạnh tình trạng thiếu I ốt, thiếu vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, canxi, axit folic cũng tương đối phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt là ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và trẻ dưới 5 tuổi. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, việc thiếu hụt kẽm ở trẻ em rất cao (69%) và phụ nữ mang thai (80,3%).
Thiếu sắt làm tăng nguy cơ tử vong mẹ, phát triển thai nhi kém, suy yếu phát triển nhận thức, vận động ở trẻ em cũng như giảm năng suất lao động ở người lớn. Thiếu kẽm làm tăng tỷ lệ mắc tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trẻ em.
Việc bổ sung vi chất vào thực phẩm chế biến và các loại gia vị mặn, dầu ăn và bột mì đã được toàn cầu ghi nhận và là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp để tăng lượng dưỡng chất vào cơ thể mà không cần phải thay đối thói quen ăn uống hoặc cần tới nguồn ngân sách lớn của quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo toàn bộ muối ăn được dùng trong gia đình hay chế biến thực phẩm đều cần được tăng cường I-ốt như là chiến lược hiệu quả và an toàn để phòng ngừa và kiểm soát các rối loạn do thiếu I-ốt gây ra. Tổ chức này cũng đề nghị bổ sung vi chất vào bột mì khi đa số dân trong một quốc gia thường xuyên tiêu thụ bột mì được chế biến công nghiệp.
Đến nay, số nước có quy định bắt buộc bổ sung vi chất vào muối, bột mì và dầu ăn lần lượt là 108, 85 và 29. Đặc biệt, trong 108 quốc gia đang bắt buộc bổ sung I-ốt vào muối ăn, có 98 nước yêu cầu dùng muối đã bổ sung I-ốt cho thực phẩm chế biến.
Ở nước ta, Nghị định 09/2016 của Chính phủ cũng quy định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì, dầu ăn và sử dung muối I-ốt và bột mì đã bố sung vi chất trong chế biến thực phẩm.
Theo ông Friday Nwaigwe, Trưởng phòng Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em (UNICEF), Nghị định 09/2016 được ban hành trên cơ sở các bằng chứng khoa học về việc cần phải hành động để giải quyết vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng nghiêm trọng của người dân Việt Nam.
Nghị định cũng phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về một chiến lược có hiệu quả cao với chi phí thấp giúp phòng ngừa và kiểm soát thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, cũng như cho thấy cam kết của Chính phủ trong lĩnh vực cải thiện sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, ông Friday Nwaigwe cũng chỉ rõ, cho đến nay Nghị định 09/2016 chưa được thực hiện mạnh mẽ sau hơn hai năm ra đời, cho dù tăng cường vi chất vào thực phẩm, bao gồm cả việc sử dụng nguyên liệu đã được bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm, vốn là một xu hướng toàn cầu, không gây ra tác động bất lợi nào lên thành phẩm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Điều này cho thấy cần sự vào cuộc hơn nữa của cơ quan chức năng, đơn vị truyền thông để thúc đẩy việc thực thi quy định, tăng sự hiểu biết về tác dụng của vi chất cũng như những yêu cầu về sản phẩm của người dân” - Trưởng phòng Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em (UNICEF) khuyến cáo.