V-League 2021: Dừng, hủy hay hoãn?

GD&TĐ - Số phận của V-League vẫn chưa thể được định đoạt. Quan điểm giữa Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và các CLB tham dự V-League đang mâu thuẫn trầm trọng.

Quế Ngọc Hải sẽ đáo hạn hợp đồng với Viettel vào cuối năm 2021.
Quế Ngọc Hải sẽ đáo hạn hợp đồng với Viettel vào cuối năm 2021.

Rối như canh hẹ

Ngày 19/7, VPF gửi Phiếu xin ý kiến đến CLB, cổ đông để góp ý, đề xuất hoặc đưa ra các phương án tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2021. Theo phương án của VPF đưa ra, V-League 2021 dự kiến trở lại vào 12/2/2022 bằng các trận đá bù vòng 13. Sau đó từ ngày 16/2 đến 12/3/2022 sẽ thi đấu tách nhóm để tìm ra nhà vô địch cũng như xác định đội xuống hạng. Có nghĩa, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, V-League 2021 sẽ hoãn sang năm 2022.

Ý tưởng của VPF đã vấp phải sự phản ứng từ phía các đội bóng. Chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc điều hành Hà Nội FC cho biết: “Chúng tôi đã gửi phản hồi phiếu lấy ý kiến tới VPF. Hà Nội FC luôn mong muốn tất cả các giải đấu diễn ra thành công trọn vẹn và an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, Hà Nội FC chưa đồng ý phương án tổ chức được Ban tổ chức đưa ra trong thời gian qua. VPF tiếp tục lắng nghe ý kiến xây dựng từ các chuyên gia và các đội bóng tham dự để tìm ra phương án tối ưu nhất”.

Không “nhẹ nhàng” như Hà Nội FC, rất nhiều đội bóng lớn khác đã chỉ trích quyết định của VPF. Bầu Đức của HAGL và đại diện một số CLB khác không đồng tình với cách làm của VPF.

Ngày 20/7, các đội bóng mới nhận công văn của VPF nhưng trước đó 4 ngày, tin tức hoãn giải đã tràn lan trên mặt báo như để thăm dò sự phản ứng của người trong cuộc. Thế nên mới có chuyện nhiều người lấy thông tin từ… VPF phỏng vấn lãnh đạo CLB Hải Phòng và ông này lập tức đề nghị giải tán VPF vì cách làm không tôn trọng các CLB.

Bầu Đức cũng phê phán VPF không tôn trọng CLB là chủ thể của cuộc chơi. Chủ tịch của CLB HAGL khẳng định VPF chỉ có trách nhiệm tổ chức giải đấu và hoàn toàn không có quyền phán quyết về vận mệnh của mùa giải. “Tôi không đề xuất gì cả trong giai đoạn dịch dã căng thẳng như thế này. VPF cũng không có quyền hoãn hay hủy giải đấu, mà mọi thứ phải do VFF quyết định” – bầu Đức nhấn mạnh khi được hỏi.

Lãnh đạo các CLB Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa đều không đồng ý với kế hoạch lùi lịch V-League sang năm 2022. SLNA, Đà Nẵng, Bình Dương và Hà Tĩnh cũng không đồng ý với phương án của VPF, nhưng cần thêm thời gian để đưa ra đề xuất khác.

Chủ tịch Trần Văn Hoàn của Hải Phòng cho biết: “Chúng tôi không đồng ý với kế hoạch lùi V-League 2021 sang tháng 2/2022. Hai phương án đề xuất của Hải Phòng là kết thúc giải, trao huy chương cho ba đội Nhất, Nhì, Ba hiện tại, hoặc cho CLB HAGL và Viettel đá một trận tranh chức vô địch”.

“Ý tưởng lùi giải của VPF không có tính khả thi. Việt Nam đã có 4 lần dịch Covid-19, không ai dám chắc sẽ không xảy ra lần thứ 5 - 6. Do đó, VPF liệu có chắc chắn đến tháng 2/2022 có đá được không? Nếu không đá được thì thiệt hại này của các đội sẽ do ai chịu trách nhiệm? Theo tôi, V-League 2021 cần gói lại, đá hết vòng 13 trong năm nay sau đó công nhận thứ hạng từ 1 - 6 cho các đội, không có đội rớt hạng. Cần thiết thì công nhận HAGL vô địch vì họ xứng đáng” - Tổng Giám đốc Lê Hồng Cường (CLB B.Bình Dương) cho biết.

Nam Định là đội bóng luôn gặp khó khăn về kinh phí.

Nam Định là đội bóng luôn gặp khó khăn về kinh phí.

Các CLB bị… bỏ lại phía sau?

Trong văn bản gửi đến 14 CLB tham dự V-League 2021, VPF cũng nêu rõ, nếu các giải chuyên nghiệp của năm 2021 không được hoàn thành mà phải hủy sẽ đi kèm rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho các nhà tổ chức, các đội bóng và cả nền bóng đá. VPF và các CLB sẽ phải đền bù hợp đồng với các nhà tài trợ.  Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, VPF chỉ biết quan tâm đến quyền lợi của bản thân, nhà tài trợ của mình mà không chú trọng đến các đội bóng với cả nghìn con người, từ nhân viên đến cầu thủ, các lớp đào tạo trẻ…

Các đội nhà giàu như CLB TPHCM, Hà Nội FC, Sài Gòn hay thuộc diện “trung lưu” như HAGL, Thanh Hoá, Bình Định đều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi dịch bệnh, kéo dài từ mùa giải 2020 đến nay. Dĩ nhiên, các ông chủ, doanh nghiệp đứng sau đội bóng sẽ phải gồng mình bảo đảm cuộc sống cho nhân viên, “lính tráng” trong hoàn cảnh nguồn thu gần như về con số 0.

Tuy nhiên, họ sẽ không thể duy trì đội bóng “ăn không ngồi rồi” cả nửa năm. Rất nhiều khoản chi phí phát sinh như bổ sung cầu thủ, thay mới ngoại binh chất lượng cao, tập duy trì phong độ…

Vấn đề nghiêm trọng nằm ở nhóm các đội bóng “nhà nghèo”, dễ bị tổn thương. Bình thường, để duy trì tài chính, vận hành đội bóng đã là chuyện vô cùng khó khăn với họ. Nếu V-League 2021 rơi vào tình thế kéo dài đến năm 2022 sẽ là bài toán không có lời giải. Như với Hải Phòng, sự xuất hiện của Chủ tịch Văn Trần Hoàn thay cho ông Trần Mạnh Hùng mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Nhưng ngoài khoản tiền chi cho việc sửa mặt sân, nâng cấp cơ sở vật chất, đội bóng đất cảng cũng chỉ có thêm 10 tỷ đồng cho các nhu cầu khác. Con số quá ít cho một đội bóng.

Nam Định được coi là đội bóng nghèo nhất V-League. Có thời điểm, HLV Nguyễn Văn Sỹ còn phải dùng tiền cá nhân, thay mặt đội bóng chủ quản trả lương thưởng để học trò ra sân đá. Những phát sinh về tài chính đều dễ dàng đẩy đội bóng thành Nam vào cuộc khủng hoảng. Thực trạng đó khiến người ta dễ cảm thông với phát biểu của lãnh đạo đội Nam Định. “Không có thời gian tổ chức trong năm nay thì hủy giải thôi chứ còn gì nữa, để sang năm làm sao được?”, Giám đốc điều hành Trần Thái Toán của CLB Nam Định tâm sự.

Theo chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, các CLB trực tiếp bỏ tiền đào tạo, nuôi dưỡng cầu thủ. Lùi giải nửa năm sẽ gây thiệt hại lớn. Không thi đấu thì không có khán giả, không thể bán vé, không kiếm được tài trợ... Trong khi đó, đội bóng vẫn phải nuôi cầu thủ, trả lương cho nhân viên, nhiều đội bóng sẽ chịu không nổi.

Việc kéo dài mùa giải 2021 sang năm 2022 còn đẩy các đội bóng vào tình trạng mất quân và mất tiền. Với các CLB, vấn đề của họ lúc này nằm ở những bản hợp đồng sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Đấy là các ngoại binh chất lượng và những đương kim tuyển thủ quốc gia. Số lượng nhóm này luôn nằm trong ưu tiên chuyển nhượng của các CLB. Không ai chắc rằng nhóm cầu thủ đáo hạn này sẽ ở lại với CLB, hoặc cần chi thêm bao tiền để gia hạn hợp đồng.

Theo tìm hiểu, một số ngôi sao sẽ hết hạn hợp đồng vào ngày 31/12 tới là Ngọc Hải, Trọng Hoàng (CLB Viettel), Hải Huy (Than QN) hay một số ngoại binh như Oloya Moses (CLB Hà Nội), Paulo Pinto (Thanh Hóa), Hendrio (Bình Định), Gustavo Santos (Quảng Ninh)... Các CLB sẽ gặp rắc rối lớn nếu những cầu thủ ngôi sao quyết tâm ra đi. Đặc biệt với các ngoại binh, họ có thể hướng tới giải đấu khác nếu V-League hoãn quá lâu. Malaysia, Thái Lan đều có mức đãi ngộ cao. Đó rõ ràng là điểm đến hấp dẫn nếu các ngoại binh rời Việt Nam.

Nhiều đội bóng sẽ đối diện nguy cơ thiếu hụt lực lượng, ảnh hưởng chất lượng. Đó cũng là bài toán nan giải cho các CLB khi V-League lần đầu tiên trong lịch sử có thể phải kéo dài trong 2 năm. Các đội hạng trung và nghèo chạy ăn từng bữa sẽ không thể lấy đâu ra những khoản tiền lên đến hàng chục tỷ đồng để giữ chân những cầu thủ chất lượng. Như mới đây, phải đến khi có nhà tài trợ mới, SLNA giữ chân thành công ngôi sao số một Phan Văn Đức bằng hợp đồng 3 năm, số tiền “lót tay” được đồn đoán lên đến 10 tỷ đồng.

SLNA được cho là bỏ ra số tiền 10 tỷ đồng để giữ chân Phan Văn Đức.

SLNA được cho là bỏ ra  số tiền 10 tỷ đồng để giữ chân Phan Văn Đức.

Sóng ngầm?

Mặc dù vậy, nhìn sâu xa hơn, việc nhiều CLB phản ứng ý tưởng của VPF còn dẫn đến khả năng “đồng sàng dị mộng”. Dường như sau giai đoạn bầu Kiên, thời điểm ra đời VPF, giờ đây nhiều đội bóng đang chán ngán cách điều hành của VPF. Những điểm đen tồn tại xuyên suốt nhiều mùa giải, như sai sót của trọng tài, thiếu sự công minh trong điều hành… dẫn đến nhiều phản ứng tiêu cực mà dễ nhận thấy là các phát biểu chỉ trích công tác tổ chức của các HLV, lãnh đạo đội bóng hay tay hiện tượng cầu thủ đá láo trên sân.

Nhiều mũi dùi đã và đang hướng vào vị trí ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT VPF. Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Văn Trần Hoàn của Hải Phòng cho rằng, V-League chưa có được sự thay đổi xứng tầm, còn vai trò của VPF thực sự mờ nhạt và thường xuyên gây tranh cãi. VPF bây giờ cần phải thay đổi ở thượng tầng. Năm 2018, bóng đá Việt Nam có hiệu ứng rất lớn khi U23 Việt Nam giành Á quân U23 châu Á nhưng VPF xảy ra tranh cãi khi bầu Tú ngồi nhiều ghế. Sau đó, lãnh đạo VPF lại xảy ra chuyện tranh cãi với Ban Trọng tài VFF.

Ngoài ra, ông Hoàn một lần nữa nêu quan điểm, VPF không tôn trọng 14 CLB ở V-League, bởi tổ chức tự ý quyết định rồi mới gửi phiếu thăm dò đến các đội bóng. Hay như tiền thưởng nhà vô địch cứ dừng mãi ở mức 3 tỷ đồng – con số này quá thấp, cho thấy V-League đứng yên tại chỗ. Năng lực điều hành của VPF không tốt, cần phải thay đổi. VPF cần người giỏi điều hành để tốt cho V-League, nếu thiếu người giỏi thì chúng ta có thể thuê, thay vì cứ để xuất hiện nhiều vấn đề như hiện tại. VPF cần có những người uy tín, tâm huyết với bóng đá. 

Giải nhà nghề Thái Lan, Thai-League 2021 - 2022 có kế hoạch khai mạc đầu tháng 8. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ban tổ chức Thai-League quyết định tiếp tục hoãn ngày khai mạc đến 3/9. Theo chủ tịch Thai-League, Korrawee Pritsananantakul, nếu đến ngày 3/9 tình trạng này vẫn giữ nguyên, các CLB nằm trong vùng hạn chế có thể phải đá sân trung lập.
Ông Korrawee Pritsananantakul cho biết khi khởi tranh, Thai-League sẽ có các trận đấu giữa tuần. Giải đấu phải “chạy nước rút” để hoàn thành giai đoạn lượt đi vào tháng 11. Sau đó, Thai-League sẽ tạm nghỉ để nhường chỗ cho tuyển Thái Lan dự AFF Cup 2021 từ ngày 5/12 đến ngày 1/1/2022. Sau giai đoạn này, Thai-League sẽ thi đấu với lịch dày đặc để kịp khép lại mùa giải vào tháng 5.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ