Làm sao để trẻ biết bơi?

GD&TĐ - Đây là chủ đề Chương trình Tọa đàm trực tuyến do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Tổng cục Thể dục, Thể thao tổ chức chiều 13/11.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm.

Với sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, Tọa đàm đã phản ánh rõ nét thông điệp đến gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm về công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước của trẻ; góp phần bảo vệ trẻ an toàn hơn trong cuộc sống hôm nay.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước đứng hàng đầu thế giới, cao hơn các nước khác trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 234 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020; ban hành Chỉ thị 17 về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.

Kết quả triển khai, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng nhanh từ dưới 30% trong năm 2016 lên khoảng 35% trong năm 2019. Tỷ lệ tử vong do đuối nước năm 2015 là trên 3.000 thanh thiếu nhi đã giảm dần xuống dưới 2.000 em trong năm 2018 - 2019.

Như vậy, việc dạy trẻ em biết bơi đã góp phần làm giảm rõ rệt tình trạng đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, thực trạng đuối nước như hiện nay vẫn còn nhiều, đặc biệt là trẻ em biết bơi giỏi vẫn đuối nước, tình trạng đuối nước tập thể rất thương tâm liên tiếp xảy ra.

Trao đổi tại Tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh đến nguyên nhân tình trạng đuối nước ở trẻ em; những hạn chế trong công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước; sự nhận thức chưa sâu sắc về công tác này trong gia đình, nhà trường, xã hội và truyền thông đại chúng…

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: Hàng năm, tỷ lệ trẻ em Việt Nam đuối nước vẫn đáng báo động. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là đặc thù về địa hình và khí hậu, nước ta có rất nhiều diện tích bờ biển, sông ngòi, kênh rạch thì cần tập trung vào những nguyên nhân chủ quan. Đầu tiên là nhận thức về tình hình đuối nước ở trẻ em và nguy cơ đuối nước trẻ em vẫn chưa tốt. Cùng với đó, chúng ta chưa cung cấp được những kiến thức và kỹ năng cho trẻ cũng như những người liên quan đến giữ trẻ và giáo dục trẻ biết được cần phải có những kỹ năng gì để phòng tránh đuối nước cho trẻ.

Một nguyên nhân khác là việc đầu tư nguồn lực để thực hiện phòng, chống đuối nước cho trẻ em đã được quan tâm nhưng vẫn đang thiếu nguồn lực, thiếu cơ sở vật chất như hệ thống hồ bơi, các điều kiện để dạy bơi cho trẻ… Do đó, cần phải có sự kiểm định kỹ hơn về trách nhiệm của từng bộ ngành, địa phương để làm sao làm rõ được những nguyên nhân chủ quan dẫn tới việc chúng ta vẫn chứng kiến những cái chết thương tâm do trẻ bị đuối nước như hiện nay.

HS tham gia giải bơi do ngành GD&ĐT quận Cầu Giấy tổ chức.
HS tham gia giải bơi do ngành GD&ĐT quận Cầu Giấy tổ chức.

Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục, Thể thao chia sẻ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành liên quan chỉ đạo 63/63 tỉnh, thành xây dựng và triển khai kế hoạch, đề án Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước hoặc triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn. Các cấp chính quyền, nhà trường, các cơ sở, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh dần về cơ sở vật chất, bể bơi và đẩy mạnh phong trào phổ cập bơi cho trẻ em…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại các địa phương ở đâu đó vẫn chưa quyết liệt. Trước đây, chúng tôi đã có kế hoạch triển khai dự án xã hội hóa liên quan đến lắp đặt hệ thống bể bơi để giúp cho việc phổ cập bơi nhưng gặp nhiều khó khăn dẫn tới triển khai không hiệu quả.

Về công tác phòng chống đuối nước trong nhà trường, nhiều ý kiến cho rằng, công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành…

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết: Ngành GD&ĐT đã đặc biệt quan tâm đến công tác này từ ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện đến xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về xây dựng trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước. Nhiều địa phương đã đưa môn bơi vào dạy thay môn thể dục ở những trường học có điều kiện. Quan tâm tập huấn cho CBGV về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, kỹ năng bơi cho HS. Nhà trường chú trọng giáo dục nhận thức, thay đổi hành vi, trang bị cho HS kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước để tự biết cách phòng, tránh nguy cơ đuối nước có thể xảy ra khi các em tham gia mọi sinh hoạt trong đời sống hàng ngày…

Theo ông Huy, xã hội cần chung tay với ngành GD nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kỹ năng cho HS về phổ cập bơi, bơi an toàn. Cần khuyến khích trẻ em bơi giỏi, bơi an toàn.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đề ra nhiều giải pháp triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em cho giai đoạn 2021- 2030 từ góc độ quy định pháp luật đến các giải pháp về quản lý và thực tiễn thực hiện. Qua đó, giúp việc triển khai Chương trình phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe và phòng chữa một số bệnh tật cho trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực thế hệ trẻ Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ