Thể thao Việt Nam: Từ SEA Games hướng tới Olympic 2020

Thể thao Việt Nam: Từ SEA Games hướng tới Olympic 2020

Với 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ đoàn TTVN đã kết thúc kỳ SEA Games thành công vượt cả mong đợi. Ở đấy những môn trong hệ thống Olympic vẫn là thế mạnh, đóng góp phần lớn HCV cho Việt Nam.

Thành tích này đã vượt xa chỉ tiêu đề ra ban đầu là giành từ 65 đến 70 HCV, qua đó giúp đoàn TTVN vượt mặt Thái Lan để vươn lên vị trí thứ nhì tổng sắp, vượt hơn cả mong đợi!.

Trong 44 đội tuyển thể thao, điền kinh vẫn là môn giành được nhiều huy chương nhất với 16 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ. Trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nước chủ nhà Philippines khi nhập tịch nhiều hảo thủ từ khắp nơi trên thế giới, hoặc Thái Lan rất quyết tâm lấy lại thế mạnh từ môn thể thao nữ hoàng, các tuyển thủ điền kinh Việt Nam vẫn đem lại những cảm xúc tuyệt vời khi giành đến 16 HCV để giữ vững vị trí số 1.

Thanh Tùng ở môn TDDC là niềm hy vọng lớn của Thể thao Việt Nam ở Olympic 2020
 Thanh Tùng ở môn TDDC là niềm hy vọng lớn của Thể thao Việt Nam ở Olympic 2020

Đáng chú ý, Nguyễn Thị Oanh giành đến 3 HCV cá nhân ở cự ly 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m. Cũng cần nên biết rằng 2 tấm HCV ở nội dung 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật của VĐV cao 1m50 được thực hiện chỉ trong 1 ngày. Còn “bà mẹ bỉm sữa” Nguyễn Thị Huyền giành 2 HCV nội dung chạy 400m và 400m rào cực kỳ ấn tượng khi vừa quay lại thi đấu sau khi sinh con.

Đội bơi Việt Nam cũng tạo dấu ấn đậm nét với 10 HCV, 6 HCB, 9 HCĐ. Nguyễn Thị Ánh Viên dù được xem là không hoàn thành chỉ tiêu khi giành được 6 HCV, nhưng kình ngư người Cần Thơ vẫn được vinh danh là VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30. Ánh Viên giành nhiều huy chương nhất của đại hội với 6 HCV, 2 HCB.

Ở đội tuyển bơi, Nguyễn Huy Hoàng vẫn giữ được phong độ xuất sắc, trong lúc tay bơi trẻ 16 tuổi Trần Hưng Nguyên đang là một hiện tượng khi giành 2 HCV ở cự ly 200m và 400m hỗn hợp.

Sau điền kinh, môn vật đứng thứ 2 với số lượng HCV. Các đô vật trong một kỳ SEA Games chói sáng, đã giành tới 12/14 tổng số HCV. Ngoài vật, tuyển thủ của các môn trong hệ thống Olympic như cử tạ, đấu kiếm, TDDC, quần vợt, bóng bàn, canoeing, bắn cung, judo, taekwondo, xe đạp… đều đã mang về những chiếc HCV quý giá cho đoàn thể thao nước nhà.

Từ những thành tích đáng chú ý trên cho thấy, từ SEA Games tới Olympic của TTVN không phải là một hành trình gian nan như trước. Tất nhiên, để có được tấm vé dự Thế vận hội là cả một sự nỗ lực cả cả ngành thể thao cũng như bản thân các VĐV.

Trong cuộc trò chuyện cùng giới truyền thông khi SEA Games khép lại, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn đã đánh giá rất cao sự nỗ lực của tất cả các tuyển thủ khi mang về những thành tích quý giá cho TTVN, nhất là những môn thi trong hệ thống Olympic, qua đó giúp Việt Nam định hướng để có sự chuẩn bị cho những đấu trường cao và xa hơn như Asian Games, Olympic trong tương lai.

Thể thao Việt Nam quyết để lại dấu ấn ở Olympic 2020
 Thể thao Việt Nam quyết để lại dấu ấn ở Olympic 2020

Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh: “Sau SEA Games, chúng tôi sẽ ngồi lại để có những nhận định và đánh giá chuẩn xác những thành công và thất bại của từng đội tuyển, qua đó sẽ có những sự điều chỉnh cho tốt hơn trong tương lai”.

Theo người đứng đầu ngành thể thao, Trong nhiều năm trở lại đây TTVN đã bỏ qua cách đầu tư theo kiểu “ao làng", và xác định rõ từ SEA Games để vươn tầm Olympic. Nhờ tư duy này, TTVN đang có những hướng đi tích cực và gặt hái được nhiều thành công nhất định.

Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết thêm, sau thành công ở SEA Games 30, thể thao Việt Nam tiếp tục hướng tới sân chơi Olympic trong năm tới, và xa hơn là kỳ SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà. Việt Nam sẽ đầu tư mạnh cho các môn Olympic, và khả năng cắt giảm nhiều nội dung “ao làng” của SEA Games, dù có thể bị nhiều quốc gia phản đối.

Về kế hoạch chuẩn bị cho Olympic, ông Phấn cho biết: “Môn nào được tính chuẩn Olympic thì ngành sẽ giao nhiệm vụ cụ thể. Vấn đề này chúng ta chỉ nói chung chung, vì có những VĐV có phong độ xuất thần, còn những VĐV nào nhắm tới Olympic đương nhiên đó là nhiệm vụ của họ. Nói chung ở SEA Games thường ít số lượng các nội dung tính chuẩn Olympic. Nhưng thể thao Việt Nam sẽ phấn đấu có trên 20 VĐV đến Nhật Bản”.

Ngoài việc định hướng cho các mũi nhọn, ngành thể thao cũng tập trung nâng cao chế độ, dinh dưỡng, thuê chuyên gia, kế hoạch tập huấn nước ngoài cho các VĐV trọng điểm.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 4 VĐV của 3 môn thể thao qua vòng loại và giành quyền tham dự Olympic là Nguyễn Huy Hoàng (Bơi lội), Lê Thanh Tùng (Thể dục) và Nguyễn Hoàng Phi Vũ, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (Bắn Cung). Trong thời gian tới, các môn như điền kinh, bắn sung, taekwondo, karate, bóng đá nữ… được kỳ vọng sẽ mang về thêm những tấm vé dự Olympic cho đoàn TTVN.

TheoDân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ