Thế khó của Ukraine

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 29/6 tuyên bố không thể hỗ trợ Ukraine hệ thống phòng không tối tân Iron Dome (Vòm sắt) mà Kiev mong muốn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 29/6 tuyên bố không thể hỗ trợ Ukraine hệ thống phòng không tối tân Iron Dome (Vòm sắt) mà Kiev mong muốn, trong khi cuộc xung đột chưa hề giảm nhiệt khiến triển vọng hòa bình ngày càng mờ mịt.

Lý do Israel giải thích không thể viện trợ Iron Dome vì lo ngại hệ thống phòng không này rơi vào tay Iran và có thể bị giải mã công nghệ. Đây là hệ thống phòng vệ vốn là niềm tự hào của đất nước Do Thái vốn thường xuyên bị đe dọa tấn công từ bên ngoài vì có khả năng bắn hạ tới 95% các loại tên lửa xâm nhập.

Iron Dome là một hệ thống phòng không di động tầm ngắn được phát triển bởi công ty Rafael của Israel và được nhà sản xuất vũ khí Raytheon của Mỹ tài trợ. Khí tài này được coi là một trong những hệ thống hiệu quả nhất chống tên lửa tầm ngắn trên thế giới hiện nay.

Ukraine từng nhiều lần yêu cầu mua hệ thống Iron Dome để tăng cường khả năng phòng không của Kiev và đối phó với các cuộc không kích của Nga, nhưng giới chức Israel đã nhiều lần từ chối.

Hồi cuối tuần trước, hai thượng nghị sĩ Mỹ là Lindsey Graham của đảng Cộng hòa và ông Chris Van Hollen của đảng Dân chủ cho biết Israel đang ngăn cản Washington chuyển hai khẩu đội Iron Dome thuộc sở hữu của Mỹ cho Ukraine.

Mặc dù được Mỹ tài trợ nhưng Iron Dome do Israel phát triển nên nước này có quyền phủ quyết cuối cùng việc liệu Washington có bán khí tài này cho các quốc gia khác như Ukraine hay không.

Chính vì vậy, tuyên bố mới nhất Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần như đã đóng lại hoàn toàn khả năng Ukraine được trang bị hệ thống phòng không mà nước này vẫn mong muốn để đối đầu với Nga.

Trong khi đó, Ukraine vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vũ khí viện trợ từ bên ngoài trong cuộc xung đột. Tổng thống Hungary Viktor Orban ngày 28/6 cho rằng Ukraine không thể chiến thắng trước Nga vì sẽ sớm cạn kiệt binh lực ngay cả khi phương Tây nỗ lực viện trợ quân sự cho Kiev. Ông khẳng định việc dựa vào nguồn vũ khí của phương Tây có thể giúp Kiev chiến thắng sẽ không thể xảy ra.

Còn phía Nga thì lại có sẵn tiềm lực quân sự dồi dào và chủ động hoàn toàn nên càng làm lộ rõ hơn thế khó của Ukraine hiện nay. Chính giới lãnh đạo Ukraine cũng thừa nhận điều này khi cuộc phản công của họ trên chiến trường đang chững lại và gặp nhiều khó khăn. Kỳ vọng một cuộc phản công như vũ bão của Ukraine để xoay chuyển tình thế chiến sự đang dần cạn kiệt.

Chính điều này cũng khiến cuộc chiến càng ngày càng lâm vào bế tắc do không có lối thoát để kết thúc. Tổng thống Hungary Orban cho rằng cuộc chiến Nga - Ukraine không thể chấm dứt cho đến khi nào Mỹ, quốc gia đang viện trợ lớn nhất cho Ukraine, quyết định rằng nên thiết lập hòa bình thay vì tiếp tục bơm vũ khí cho Kiev như hiện nay.

Sự phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ bên ngoài cũng đặt ra thế khó lớn nhất cho chính Ukraine khi rơi vào thế bị mắc kẹt trong cuộc xung đột. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt liên tiếp của phương Tây áp đặt cho Nga nhằm mục đích khiến Moscow yếu đi và không đủ nguồn lực cho cuộc chiến lại đang dần chứng minh không có hiệu quả.

Những diễn biến bất ngờ như vụ binh biến của lực lượng quân sự tư nhân Wagner hồi tuần trước từng được kỳ vọng có thể khiến cuộc chiến xoay chuyển cũng kết thúc trong chóng vánh. Theo giới phân tích, điều duy nhất có thể khởi đầu cho hòa bình hiện nay là một lệnh ngừng bắn từ cả hai phía, nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho việc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nước sông Mã đen kịt như nước sông Tô Lịch.

Vì sao cá trên sông Mã chết hàng loạt?

GD&TĐ - Hơn 14 tấn cá lồng trên sông Mã bị chết khiến người dân điêu đứng. Đáng nói, cùng thời điểm này, nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen ngòm!?