Sức mạnh của tuổi trẻ

GD&TĐ - Nhiều năm nay, mùa thi không bao giờ thiếu màu áo xanh tình nguyện.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Có mặt từ lúc thí sinh chưa đến, về khi không còn ai ở điểm thi, thanh niên tình nguyện luôn là lực lượng hỗ trợ sĩ tử hùng hậu nhất, với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa, góp phần quan trọng vào thành công mỗi mùa thi.

Trong 3 ngày diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, hình ảnh các đoàn viên, thanh niên không quản mưa như trút nước, nắng như đổ lửa, bám chốt tại điểm thi đã ghi lại dấu ấn thật đẹp: Những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt đẫm mồ hôi gửi đến sĩ tử và người nhà phần cơm, nước uống, sữa, đồ dùng học tập miễn phí; cánh tay thoăn thoắt lật từng chiếc mũ bảo hiểm trên xe để tránh bị ướt giữa trời mưa lớn... Nhiều bạn trẻ đang tuổi ăn, tuổi ngủ vẫn sẵn sàng dậy từ 3 giờ sáng, tự tay đi chợ, sơ chế thức ăn, nấu nướng để có suất ăn bảo đảm vệ sinh, dinh dưỡng cho thí sinh.

Đặc biệt, hình ảnh thí sinh chẳng may bị nạn được tình nguyện viên giúp đỡ, cõng vào tận phòng thi gây xúc động mạnh trong 3 ngày qua. Câu chuyện đẹp này được ghi lại từ nhiều điểm thi trên cả nước: Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội); Trường THPT Nguyễn Đức Mậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An); Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Đăk Hà, Kon Tum)…

Không chỉ sẵn sàng “làm đôi chân” cho sĩ tử, các bạn trẻ trong màu áo xanh tình nguyện còn túc trực để giúp thí sinh cần được hỗ trợ di chuyển đến điểm thi. Chỉ trong buổi thi Ngữ văn sáng 28/6, tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã có 20 lượt xe ôm miễn phí chở thí sinh đến điểm thi và về nhà.

Nhiều cách làm hay được các bạn trẻ sáng tạo để động viên sĩ tử, như tạo hashtag, gấp hạc giấy, viết lời chúc kèm những biểu tượng đặc biệt của gen Z... Có phụ huynh tâm sự, nụ cười là của những tình nguyện viên là năng lượng tích cực nhất, giúp các sĩ tử cởi bỏ nhiều áp lực trước khi bước vào phòng thi.

Cùng hoạt động ý nghĩa khác (hướng dẫn phân luồng xe; cùng lực lượng công an giữ gìn trật tự trước điểm thi; trông xe miễn phí cho người nhà thí sinh; hỗ trợ giữ điện thoại, đồ dùng cá nhân; che dù, tặng áo mưa và gọi điện thoại miễn phí...), có thể nói hoạt động tình nguyện đã chạm đến từng nhu cầu nhỏ nhất, góp phần làm giảm đi rất nhiều sức nóng của trường thi.

Cũng phải nói đến điểm nhấn trong hoạt động tiếp sức mùa thi là lực lượng vô cùng hùng hậu. Mỗi địa phương đều có hàng nghìn áo xanh cùng ra quân với tinh thần tình nguyện và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Như ở TP Hồ Chí Minh, hơn 5.000 sinh viên tình nguyện trực tại 156 địa điểm thi trên toàn thành phố để hỗ trợ thí sinh, người nhà. Con số này ở Đà Nẵng là hơn 1.500; Tuyên Quang là trên 1.000; Quảng Ngãi gần 1.000; Hải Dương là 1.815 đoàn viên thanh niên với 102 đội hình tiếp sức mùa thi; Quảng Ninh có 37 đội hình tiếp sức mùa thi với gần 2.000 đoàn viên, thanh niên…

Với truyền thống từ nhiều năm nay, có lẽ hoạt động tiếp sức mùa thi đã thể hiện rõ nhất sự dấn thân của tuổi trẻ. Đây không chỉ là dịp giúp các bạn trưởng thành hơn, có những trải nghiệm ý nghĩa, mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Điều này cũng cho thấy giới trẻ không vô cảm mà biết sống ý nghĩa, sống hết mình, mang lại những giá trị đẹp cho bản thân và cộng đồng. Hoạt động tình nguyện cũng là minh chứng sống động cho sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội, hướng tới kỳ thi thành công và đầy tính nhân văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.