Nhiều khó khăn trong quản lý mã vùng trồng sầu riêng

GD&TĐ - Thời gian gần đây, nhiều lô hàng sầu riêng bị nước nhập khẩu trả về do vi phạm kiểm dịch thực vật, gây ảnh hưởng đến uy tín của “cây tỷ USD” Việt Nam.

Nhiều khó khăn trong quản lý mã vùng trồng sầu riêng

Diện tích trồng sầu riêng tăng quá nóng

Dữ liệu từ Cục Trồng trọt, cho biết, tổng diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32.000ha năm 2015 lên hơn 150.000ha năm 2023, tương ứng với sản lượng sầu riêng tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn.

Hiện, diện tích trồng sầu riêng đã vượt gấp đôi so với định hướng phát triển sầu riêng trong đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 (khoảng 65.000 - 75.000ha, sản lượng 830.000 - 950.000 tấn).

Cùng với việc tăng trưởng nhanh về diện tích trồng, dự kiến trong các năm tới diện tích thu hoạch và sản lượng sầu riêng tiếp tục tăng nhanh bởi hiện nay mới chỉ có 76.000ha sầu riêng cho thu hoạch mà sản lượng đã đạt gần 1,2 triệu tấn.

Thời gian gần đây, nhiều lô hàng sầu riêng bị nước nhập khẩu trả về do vi phạm kiểm dịch thực vật. Ảnh: TĐ

Thời gian gần đây, nhiều lô hàng sầu riêng bị nước nhập khẩu trả về do vi phạm kiểm dịch thực vật. Ảnh: TĐ

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho hay, nhờ mở cửa được thị trường Trung Quốc nên doanh thu xuất khẩu sầu riêng đã tăng từ 420 triệu USD năm 2022 lên tới 2,24 tỷ USD trong năm 2023.

Đáng nói, tiềm năng phát triển của ngành hàng này còn rất lớn. Tổng dung lượng thị trường toàn cầu năm 2023 lên tới 25 tỷ USD và có thể tăng đến 46 tỷ USD vào năm 2032. Trong đó, Trung Quốc chiếm 80% dung lượng thị trường.

Cả nước hiện có gần 7.000 mã số vùng trồng và hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp để phục vụ xuất khẩu, tập trung vào các mặt hàng như sầu riêng, thanh long, chuối, nhãn, lúa, xoài... Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng chỉ vào khoảng hơn 40%, cơ sở đóng gói là 17%.

Theo ông Mạnh, tại Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 2 sau Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc cũng ký nghị định thư với nhiều nước như Philippines, Indonesia, Malaysia… Nhưng vấn đề quan trọng hơn là ngành sầu riêng Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn nội tại cần phải vượt qua.

Cụ thể, theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, thời gian qua, Cục đã nhận được nhiều cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm các quy định của nghị định thư từ cơ sở trồng đến đóng gói. Thậm chí nhiều tỉnh diện tích trồng sầu riêng lớn nhưng vi phạm quy định nhiều lần.

Nguồn: Cục Bảo vệ Thực vật

Nguồn: Cục Bảo vệ Thực vật

Cụ thể có 115 mã số vùng trồng và 72 cơ sở đóng gói vi phạm quy định, trong số này có 35 mã số vùng trồng và 29 cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần, nguy cơ đối diện việc tạm ngừng xuất khẩu.

“Việc theo dõi quản lý cấp mã số cũng như giám sát các cơ sở này sau khi được cấp mã số đã được phân cấp về địa phương cấp tỉnh nhưng một số nơi buông lỏng quản lý”, ông Đạt cho hay.

Tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng sầu riêng đạt rất thấp

Từ tháng 3/2023, Bộ NN&PTNT đã phân cấp cho các địa phương quản lý mã số vùng trồng với “cây tỷ USD” sầu riêng, nhưng trên thực tế không phải địa phương nào cũng thực hiện tốt.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, các tỉnh có tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng cao như Lâm Đồng (100%), Gia Lai (75,9%) và Đắk Lắk (72,1% ). Trong khi đó, một số tỉnh lại có tỷ lệ giám sát thấp như Đắk Nông (0%), Bình Phước (1,6%), Vĩnh Long (5%), Bình Thuận (12%), Hậu Giang (27%), Tiền Giang (31%) và Đồng Tháp (37%).

Các tỉnh có tỷ lệ giám sát mã số cơ sở đóng gói cao như Đắk Lắk (66,7%), Lâm Đồng (60%), Tiền Giang (58,2%). Nhưng các tỉnh có tỷ lệ giám sát thấp như Long An (33%), Đồng Nai (50%) mặc dù số lượng mã số cơ sở đóng gói sầu riêng lớn.

Nguồn: Cục Bảo vệ Thực vật

Nguồn: Cục Bảo vệ Thực vật

Nguồn: Cục Bảo vệ Thực vật

Nguồn: Cục Bảo vệ Thực vật

“Nhiều trường hợp, thông tin đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói (quy mô, diện tích, sản lượng...) chưa đúng với thực tế. Chưa kể, hầu hết các cơ sở đóng gói chưa có cán bộ kỹ thuật theo đúng quy định và hệ thống truy xuất đến từng mã số vùng trồng chưa đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định thư”, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, nhận xét.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, khẳng định, nguyên nhân của vấn đề quản lý chất lượng là nhân lực không đủ và nó xuất phát từ cấp huyện.

"Chúng tôi cũng đã báo cáo UBND và Tỉnh ủy để xem xét tháo gỡ. Ngoài ra có những cái thuộc về các quy định pháp luật. Cụ thể như nhiều cơ sở đóng gói chưa được cấp mã số vì nằm ở những vị trí chưa đúng với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Chúng tôi phải chờ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 được ban hành thì mới cấp mã số cơ sở đóng gói được", vị này nêu.

Trong khi đó, đại diện ngành nông nghiệp nhiều địa phương, công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng đã được các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận thương mại. Tuy nhiên, việc cấp, quản lý và sử dụng mã vùng trồng sầu riêng còn gặp nhiều khó khăn như vùng sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết giữa đại diện vùng trồng với các đơn vị chế biến xuất khẩu còn lỏng lẻo, thiếu tính bền vững…

Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy định hướng dẫn từ trung ương trong quản lý sử dụng mã vùng trồng cũng như chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, cụ thể cũng ảnh hưởng đến vấn đề quản lý, sử dụng mã vùng trồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.