Thế hệ thanh niên quật khởi với tinh thần "Ba sẵn sàng"

Thế hệ thanh niên quật khởi với tinh thần "Ba sẵn sàng"
(GD&TĐ)- Trong lịch sử phong trào thanh niên Việt Nam thế kỉ 20 có một cuộc vận động có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp của tuổi trẻ Hà Nội, sau đó trở thành phong trào chung của cả nước, đó là  “Ba sẵn sàng”, được xuất phát từ Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nhớ về một  thời “Ba sẵn sàng”, mọi người thường nghĩ ngay đến hình ảnh những thanh niên áo xanh đội mũ tai bèo với khẩu hiệu “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, “Đâu có giặc là ta cứ đi”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...
Đoàn trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận cờ thưởng Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 5 năm liền (2006-2011). Ảnh: gdtd.vn
Đoàn trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận cờ thưởng Đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 5 năm liền (2006-2011). Ảnh: gdtd.vn
 Ban đầu, thanh niên trường đại học sư phạm Hà Nội có phong trào “tam bất kì”. Lúc đó, đất nước vừa có chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam, vừa có xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Theo tư tưởng của Bác Hồ và đại hội 3 của Đảng năm 1960: xây dựng miền Bắc là hậu phương lớn cho miền Nam. Lúc đó, phong trào thanh niên nói chung, đặc biệt thanh niên đại học sư phạm Hà Nội có nhu cầu là đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi mà tổ quốc cần. 
Từ năm 1964 đến 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn miền Nam, tiến hành đánh phá miền Bắc. Cả nước là 1 chiến trường. Thanh niên, học sinh, sinh viên của cả nước ngoài việc phục vụ xây dựng miền Bắc thì có 1 nhu cầu nữa là chi viện cho miền Nam. Nhận thấy phong trào “3 bất kì” trước đây không còn phù hợp nữa, Đoàn trường đại học sư phạm Hà Nội đã mở ra phong trào “3 sẵn sàng”. Đó là: sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi mà tổ quốc cần. 
Từ năm 1965 đến 1975, phong trào “ba sẵn sàng” của đoàn trường Đại học sư phạm Hà Nội đi vào những nội dung rất cụ thể. Ví dụ như: sẵn sàng chiến đấu. Khi Mỹ đánh phá miền Bắc thì bảo vệ miền Bắc trở thành nhu cầu để giữ vững sản xuất và học tập, nghiên cứu xây dựng miền Bắc. Nhu cầu thứ 2 là chi viện cho miền Nam. Hàng nghìn thanh niên sinh viên đại học sư phạm Hà Nội đăng kí, rất nhiều đồng chí viết đơn bằng máu lên đoàn trường, lên đảng ủy xin bằng được đi chiến đấu. 
1.jpg
Ông Trần Quang Nhiếp. Ảnh, gdtd.vn
 Hồi tưởng về thời kì sục sôi của phong trào “Ba sẵn sàng”, ông Vũ Hữu Loan, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội khóa 4 chia sẻ: “Lúc ấy là thời kì “Ba sẵn sàng”, thể hiện tinh thần rất quyết liệt, thể hiện được lý tưởng của thanh niên thời kì đó. Có thể nói là vô cùng sâu sắc, vô cùng đẹp đẽ. Không có một hành động gì khác ngoài vấn đề chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam. 
Thanh niên tham gia phong trào lúc bấy giờ bất kể là nam hay nữ, họ đã viết đơn bằng máu gửi ra Thành đoàn. Thậm chí họ không phải là con trai được đi chiến đấu, họ giả trai để đi chiến đấu. Thậm chí họ phải mang gạch trong người để đủ cân nặng để được đăng kí vào bộ đội. Có thể nói đấy là thời kì hết sức sâu sắc. Hàng vạn thanh niên như vậy. Đấy là một thời kì sôi sục lắm”, ông Loan nói.Phong trào thanh niên xung phong đi nhập ngũ sôi nổi ở các lớp, các khoa, quyết tâm ra đi để chi viện, để chiến đấu cho miền Nam. Trước tình hình như vậy đặt ra sự lựa chọn cho sinh viên, một là tiếp tục ở lại học tập, hai là đi chiến đấu, ba là đi nước ngoài học tập để đào tạo cán bộ lâu dài của Đảng và nhà nước, nhưng hầu hết là chọn đi chiến trường.
Có những đồng chí đã có quyết định triệu tập đi nước ngoài nhưng nằng nặc xin ở lại để đi chiến đấu như đồng chí Đặng Xuân Dương – là bí thư đoàn trường lúc đó, có quyết định đi học ở nước ngoài nhưng đã kiên quyết xin ở lại ra chiến trường và hy sinh. Và còn rất nhiều đồng chí khác, là sinh viên của trường đã ra chiến trường trở thành chiến sĩ và chiến đấu trên nhiều mặt trận, như đồng chí Phạm Tiến Duật, một sinh viên của nhà trường và trở thành nhà thơ của chiến trường, theo sát bước chân của các binh đoàn, có những cống hiến rất to lớn về mặt tinh thần cho hàng vạn, hàng triệu chiến sĩ nơi chiến trường, v.v.v và rất nhiều đồng chí đã hy sinh không trở về. Họ để lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường, ông Loan cho biết.
Phong trào “Ba sẵn sàng” từ Hà Nội-cái nôi của phong trào, đã lan tỏa nhanh đến các tỉnh, thành phố, vùng Đông Bắc Duyên Hải, Tây Bắc, Việt Bắc, các tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trong hơn một tháng, cả miền Bắc đã có hơn 1.000.000 đoàn viên và thanh niên biểu thị lòng quyết tâm đăng ký thực hiện “Ba sẵn sàng”. Điển hình là tỉnh Sơn La vùng Tây Bắc, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” với hơn 40.000 đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia, trong đó gần 20.000 đoàn viên, thanh niên đăng ký gia nhập quân đội.
Những người ở lại Thủ đô, họ quyết tâm xây dựng miền Bắc chi viện cho miền Nam, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong trận đánh phá của giặc Mỹ. 
Ông Trần Quang Nhiếp, nguyên bí thư Đoàn đại học sư phạm thời kỳ ấy kể lại: “Đoàn trường Đại học sư phạm Hà Nội tổ chức những cuộc vận động ví dụ như: hè năm 1965-1966 tổ chức đoàn hơn 100 người đi phục vụ chiến đấu và trực tiếp tham gia chiến đấu tại trận địa pháo Hàm Rồng, Thanh Hóa. Hoạt động trong vòng 1 tháng, có rất nhiều kỉ niệm về tinh thần phục vụ chiến đấu, tinh thần gắn bó quân dân. Nhiều đồng chí  khuân đạn, rồi thì thao tác pháo cỡ lớn để bắn máy bay địch, bảo vệ cầu Hàm Rồng”.
2.jpg
Ông Vũ Hữu Loan. Ảnh, gdtd.vn
 Bên cạnh đó, có những đợt đi thực tế ở nhiều công trường khác như mỏ than, các tuyến giao thông, tham gia các hoạt động bảo vệ thủ đô. Trong trận chiến 12 ngày đêm, thanh niên Hà Nội đã cùng với các lực lượng. Trên sân thượng nhà A7, anh em khuân các bao cát lên làm ụ pháo. Đội cán bộ sinh viên trực chiến của trường vừa quan sát máy bay địch bay vào Hà Nội, vừa bắn trả địch khi địch bắn phá Hà Nội. Tiểu đội này đã thông tin rất kịp thời, báo cho bộ chỉ huy thành phố biết để thông tin cho các lực lượng ứng phó chiến đấu. Sau đó bộ tư lệnh gọi đây là “con mắt phía tây” của Hà Nội, ông Nhiếp chia sẻ.
Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, là dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua "dạy tốt học tốt". Thầy trò các trường đại học gồng gánh bàn ghế, đồ đạc đến các nơi sơ tán cách Hà Nội hàng trăm cây số, rồi tổ chức làm hầm, đào hào, làm lớp học, làm nhà bếp v.v.v để học tập. 
Ông Nhiếp cho biết: suốt mấy năm liền sinh viên học sinh ở nơi sơ tán đã phải học tập trong điều kiện cực kỳ khó khăn ví dụ như bàn ghế lớp học, phương tiện học tập, tài liệu sách vở, điện không có, nếu đốt đèn dầu lên thì máy bay Mỹ đánh, lại phải tắt đèn đi. Có những đồng chí khi học phải chui vào gầm tượng của nhà chùa thắp đèn dầu lên để học. Trong nơi sơ tán như vậy, học sinh sinh viên có những phong trào thi đua dạy tốt học tốt, tìm ra các phương pháp mới để học tập.
Không khí chiến thắng tràn ngập khắp nơi các tầng lớp nhân suốt đêm đi sơ tán và lực lượng dân quân, bộ đội rầm rập trở về thành. Cả ngày, cả đêm thành phố Hà Nội không ngủ, mà không khí quyết thắng giặc Mỹ cuồn cuộn khắp các nẻo đường, góc phố và các tầng lớp nhân dân.  
Phong trào "Ba sẵn sàng" có một sức sống rất lớn, đi vào cuộc sống, đi vào mọi lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, bảo vệ học tập trong giai đoạn đó. Thành công của phong trào “Ba sẵn sàng” của miền Bắc và cùng với phong trào “Năm xung phong” của miền Nam đã động viên khuyến khích tinh thần tuổi trẻ, đưa hàng triệu thanh niên đi vào tuyến đầu của cuộc kháng chiến, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975. 
Có thể nói điệp khúc: Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến, luôn thường trực cùng nhịp đập của hàng vạn trái tim tuổi trẻ. “Ba sẵn sàng” đã đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca của tuổi trẻ, là nền tảng để phong trào “Thanh niên tình nguyện” tiếp bước gánh vác sứ mệnh lịch sử của thanh niên trong thời đại mới, thể hiện rõ bản lĩnh “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. 
Đinh Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.