Ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thành ủy Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể, và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác.
Thành ủy Hà Nội xác định sẽ tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản… phù hợp với thực tiễn Thủ đô.
Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”; khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị…
Để có nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Hà Nội sẽ xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế thi tuyển. Thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; hỗ trợ trao truyền tri thức.
Tạo lập môi trường nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, nhà trường gắn với thúc đẩy giáo dục mở. Xây dựng nhà trường sáng tạo, hình thành thế hệ công dân sáng tạo - công dân toàn cầu.
Có thể thấy rằng, công nghiệp văn hóa thế giới đã đi trước Việt Nam nhiều năm. Chúng ta không thể giậm chân tại chỗ, nhưng cũng tuyệt đối không chạy theo phong trào. Việc Hà Nội xác định công nghiệp văn hóa là mũi nhọn kinh tế trong tương lai, thể hiện tầm nhìn chiến lược.
Con người là cốt lõi của công nghiệp văn hóa, là hạt nhân của sáng tạo. Bởi vậy, định hướng giáo dục, đào tạo thế hệ công dân sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Tuy nhiên, Hà Nội cần song hành giữa việc đào tạo thế hệ sáng tạo mới với việc bảo tồn các giá trị di sản. Trong thời gian qua, hàng loạt vấn đề nổi cộm lấn chiếm di tích, làm biến dạng di sản… xảy ra trên địa bàn Thủ đô. Điều đó cho thấy, những yếu kém trong quản lý, kẽ hở trong bảo tồn di tích.
Ngành công nghiệp văn hóa sẽ trở nên khập khiễng nếu các di tích giống như phế tích. Không khách du lịch nào muốn đến để chiêm ngắm đống gạch vụn, cũng không ai muốn xem một di tích đầy sự chắp vá lầm lỗi.
Bởi vậy, để ngành công nghiệp văn hóa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nội cần đặc biệt gìn giữ các di sản đang có.
Tương lai được quyết định ngay từ hôm nay, vốn liếng công nghiệp văn hóa còn hay mất nằm gọn trong quyết sách của các nhà quản lý.