Xúc tiến cho cuộc gặp thượng đỉnh

GD&TĐ - Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Timo Soini vừa lên tiếng xác nhận các nhà ngoại giao Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đã có cuộc thảo luận “mật” tại nước này. Cuộc gặp ba bên diễn ra tại Tòa nhà Konigstedt ở Vantaa, gần thành phố Helsinki thủ đô Phần Lan, như một bước quan trọng để xúc tiến cho cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo 3 nước tới đây trong vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Xúc tiến cho cuộc gặp  thượng đỉnh

Tạm gác vấn đề phi hạt nhân hóa

Được biết có 18 người tham dự cuộc họp: Triều Tiên, Hàn Quốc và Hoa Kỳ mỗi phái đoàn có 6 người. Đại biểu Triều Tiên duy nhất được nêu tên là ông Choe Kang Il, Phó Tổng Giám đốc phụ trách về Bắc Mỹ sự vụ tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên; trong khi phái đoàn Hàn Quốc bao gồm các cựu Đại sứ và các cố vấn an ninh quốc gia. Washington phái 3 cựu Đại sứ và các chuyên gia về Đông Á đến Helsinki.

Theo Đài Truyền hình Nhật NHK, phái đoàn Mỹ bao gồm bà Kathleen Stephens, cựu Đại sứ Mỹ tại Seoul rất thông thạo tiếng Triều Tiên.

Theo Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto thì vai trò của Phần Lan chỉ hạn chế trong việc tổ chức cuộc gặp mang tính bước ngoặt này.

Còn Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Soini, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông đã cho biết chương trình hạt nhân của Triều Tiên không được thảo luận trong cuộc gặp vừa diễn ra.

Hiện thế giới đang chú ý đến việc Triều Tiên sẽ nói gì về khả năng họp thượng đỉnh với Mỹ sau cuộc gặp này, khi mà trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Cụ thể Tổng thống Trump đã đồng ý gặp ông Kim Jong Un vào cuối tháng 5 và hai miền Triều Tiên sẽ mở thượng đỉnh vào cuối tháng Tư.

Một địa điểm chưa được ấn định cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, trong khi ông Kim Jong Un và ông Moon Jae-in nhiều khả năng sẽ gặp nhau tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngang qua biên giới giữa hai miền Triều Tiên.

Sự cởi mở của ông Donald Trump được cho là do thiện chí bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi mà vào đầu tháng 3 này Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng muốn đàm phán với Hoa Kỳ về phi hạt nhân hóa và sẽ ngưng thử nghiệm hạt nhân trong khi các cuộc thảo luận diễn ra.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 6/3, ông Trump cho thấy đó là một “tiến bộ khả dĩ” và sẵn sàng gặp gỡ ông Kim nếu các bên có thể thương thuyết những nội dung khả dĩ nhất cho cuộc gặp.

Triều Tiên giữ im lặng, Trung Quốc nhận công lao

Vào đầu tháng 3 này, Hàn Quốc đã cử một phái đoàn sang thăm và thảo luận với Bình Nhưỡng về quan hệ hai nước, trước khi sang Trung Quốc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bàn về vấn đề tương tự.

Các phương tiện truyền thông Triều Tiên đề cập tới chuyến thăm này, nhưng không tường thuật về lời mời của lãnh đạo Kim Jong Un gửi đến Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc Tổng thống Hàn Quốc để thảo luận về tương lai của chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.

“Chúng tôi không thấy hoặc nhận được phản hồi chính thức nào từ Bình Nhưỡng về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên”; “Theo tôi, Triều Tiên đang tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng và họ cần thời gian để đưa ra một lập trường”, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun nói trong một cuộc họp báo thường kỳ vào giữa tháng 3.

Lý giải của giới quan sát cho thấy sự im lặng của Triều Tiên về các hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Hoa Kỳ và Hàn Quốc có lẽ là do sự thận trọng của họ về một lập trường đối với các cuộc họp này. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh đã góp phần giúp giải tỏa đáng kể căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên.

Cụ thể theo Nhân Dân Nhật Báo, nhờ kế hoạch của nước này yêu cầu Triều Tiên đình chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa cũng như yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ đình chỉ các cuộc diễn tập quân sự, mà tình hình mới tiến tới khoảnh khắc này (tức các cuộc hội đàm và khả năng cao về những cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới).

Tuyên bố này là một bằng chứng nữa cho thấy, Trung Quốc tiếp tục khẳng định mình là nước đóng vai trò trung tâm trong bất kỳ thỏa thuận nào, dù trên thực tế cho đến thời điểm hiện tại, cường quốc này vẫn chủ yếu đứng ngoài hoặc thụ động trong những tranh cãi về mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên hay các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ