Xuất hiện biến chủng nCov mới khó phát hiện ở Phần Lan, số ca mắc toàn cầu giảm

GD&TĐ - Số ca mắc Covid-19 hàng ngày đã giảm trên thế giới trong vòng một tháng và đạt mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10/2020 – theo số liệu của Reuters.

Nhân viên y tế Malaysia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Nhân viên y tế Malaysia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không nên thờ ơ ngay cả khi vaccine đang được triển khai toàn thế giới - nơi hiện có gần 111 triệu ca mắc, bao gồm hơn 387 ngàn ca mới được báo cáo hôm qua (18/2), theo Worldometer.

Số ca mắc và tử vong vì Covid-19 giảm diễn ra cùng lúc với lệnh phong tỏa và các hạn chế nghiêm ngặt những hoạt động tụ tập, di chuyển. Các chính phủ đang cân nhắc sự cần thiết phải hạn chế làn sóng dịch tiếp theo với nhu cầu đưa mọi người trở lại làm việc và trẻ em trở lại trường học.

Tuy nhiên, sự lạc quan về việc thoát khỏi đại dịch bị giảm bớt do sự xuất hiện của các biến chủng của virus, làm dấy lên lo ngại về tính hiệu quả của vaccine. Theo Reuters, đến nay, 85 quốc gia đã được tiêm vaccine cho người dân và đã tiêm ít nhất 187.892.000 liều.

Một chủng virus corona mới có tên Fin-796H đã được xác định ở miền nam Phần Lan – một nghiên cứu chung của các phòng thí nghiệm Vita và Viện Công nghệ sinh học thuộc ĐH Helsinki cho biết. “Các đột biến của chủng virus này rất khó phát hiện trong ít nhất một trong các xét nghiệm PCR do WHO khuyến nghị. Phát hiện này có thể tác động đáng kể đến việc xác định sự lây lan của dịch bệnh” – phòng thí nghiệm cho biết trong một tuyên bố. Mặc dù chủng virus corona mới có chứa các đột biến cũng có thể được tìm thấy ở các chủng phát hiện lần đầu ở Anh và Nam Phi, nó hoàn toàn khác với các chủng đã tìm thấy trước đây.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa có thông tin về nơi phát triển đột biến này, nhưng không chắc điều này đã xảy ra ở Phần Lan vì tổng số ra mắc Covid-19 ở Phần Lan thấp hơn đáng kể so với các nước khác. Hiện chưa biết chủng virus này có kháng với vaccine hiện được sử dụng hay không.

Tại Nga, vaccine CoviVac do trung tâm nghiên cứu Chumakov phát triển dự kiến sẽ được đăng ký vào ngày 20/1. Tổng số ca mắc Covid-19 ở Nga hiện đã vượt 4 triệu ca với tỷ lệ tăng đạt 0,33%.

Tại Anh, số ca mắc trên cả nước giảm hơn 2/3 nhờ lệnh phong tỏa, trong đó các ca mắc ở London giảm 80% – một nghiên cứu của ĐH Imperial College London cho biết. Nghiên cứu được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson hứa đưa nước Anh ra khỏi lệnh phong tỏa theo từng giai đoạn với sự thận trọng. Các trường học Anh dự kiến sẽ mở cửa đầu tiên vào ngày 8/3 cùng với chế độ xét nghiệm rộng rãi. Khi đó phụ huynh của HS trung học sẽ được yêu cầu xét nghiệm cho con mình 2 lần mỗi tuần.

Ấn Độ bắt buộc những người đến từ Anh, châu Âu và Trung Đông phải xét nghiệm Covid-19 khi tới đây từ này 22/2 vì lo ngại các biến chủng ở nhiều quốc gia. Tất cả các hãng hàng không đã được yêu cầu tách biệt hàng khách đến từ Anh, châu Âu và Trung Đông để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà chức trách thực hiện các thủ tục. Bất kỳ người nào có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, mẫu của họ sẽ được lấy để xác minh trình tự bộ gene của chủng virus. Ấn Độ cho biết biến chủng Nam Phi và Brazil có thể dễ dàng ảnh hưởng vào phổi của bệnh nhân hơn so với biến chủng ở Anh. Đến nay, Ấn Độ xác nhận 187 ca mắc biến chủng ở Anh.

Tại Thái Lan, vaccine nội địa thứ 2 sẽ sớm được thử nghiệm trên người và nhà chức trách có kế hoạch sản xuất 5 triệu liều vào cuối năm. Vaccine do ĐH Chulalongkorn sản xuất đã thành công trong các thử nghiệm ở chuột và khỉ, dự kiến sẽ thử ở người vào tháng 4-5 tới. Thông tin này được đưa ra khi chương trình tiêm vaccine của Thái Lan bị chỉ trích là chậm chạp và phụ thuộc quá nhiều vào vaccine AstraZeneca.

Tại Nam Phi, theo các nghiên cứu, khoảng một nửa dân số được cho là đã mắc Covid-19 và số người chết cao hơn hàng chục ngàn người so với con số chính thức. Nam Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nặng nề nhất châu lục với khoảng 120 ngàn ca tử vong kể từ tháng 5/2020. Trong khi đó, theo số liệu chính thức, nước này có gần 1,5 triệu ca mắc và khoảng 48 ngàn ca tử vong.

Theo CNA/Worldometer/Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ