Trung Quốc: Hàng loạt giáo viên nước ngoài bị bắt giữ

GD&TĐ - Từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng giáo viên (GV) nước ngoài tại Trung Quốc bị bắt giữ và trục xuất đã tăng vọt do vi phạm luật pháp.

Biểu tượng tại một trường học tiếng Anh tại Bắc Kinh (Trung Quốc)
Biểu tượng tại một trường học tiếng Anh tại Bắc Kinh (Trung Quốc)

Nhiều GV nước ngoài bị bắt giữ

Chia sẻ với hãng tin Reuters, 4 công ty luật tại Trung Quốc cho biết, chỉ trong nửa đầu năm 2019, các yêu cầu đại diện liên quan đến GV nước ngoài đã tăng lên 4 - 10 lần so với trước đó. Bên cạnh đó, các GV và lãnh đạo trường học tại nước này cũng xác nhận rằng, những vụ bắt giữ và tạm giam đối với tội phạm vi phạm lỗi không nghiêm trọng cũng trở nên phổ biến.

Trong một thông báo được gửi tới các nhân viên của Tổ chức Giáo dục quốc tế Education First (EF) có trụ sở tại Thụy Sĩ, nơi điều hành 300 trường học tại 50 thành phố Trung Quốc, nguyên nhân của sự gia tăng đáng kể vụ bắt giữ GV nước ngoài tại nước này là do các cáo buộc vi phạm pháp luật như: Nghiện ma túy, đánh nhau và vi phạm an ninh mạng. Được biết, không ít nhân viên của EF đã bị cảnh sát bắt tại nhà, nơi làm việc cũng như các quán bar và câu lạc bộ đêm. Những người này sau đó đã bị thẩm vấn và buộc phải tiến hành kiểm tra ma túy.

Phát ngôn viên của EF từ chối bình luận về nội dung của thông báo và cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác với chính quyền Trung Quốc”. Cũng theo người này, EF thường xuyên nhắc nhở nhân viên về việc tuân thủ chính sách và quy định pháp luật.

Đại diện một trường quốc tế ở Bắc Kinh và tổ chức giảng dạy ở Thượng Hải cũng xác nhận, các vụ bắt giữ GV nước ngoài đã tăng mạnh trong năm nay. “Nhiều GV nước ngoài phải đối mặt với áp lực nặng nề trong việc duy trì một lối sống lành mạnh. Quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình là phải bảo đảm rằng, Trung Quốc có thể thể hiện được những khía cạnh tốt đẹp nhất với thế giới”, ông Peter Pang, luật sư chính tại Công ty Luật IPO Pang Xingpu ở Thượng Hải kiêm đại diện của các GV nước ngoài cho biết .

Văn phòng An ninh và Bộ GD Trung Quốc không đưa ra bất cứ bình luận nào. Các vụ bắt giam GV nước ngoài diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, trong đó có Mỹ và Australia.

Theo số liệu thống kê năm 2017, có khoảng 400.000 công dân nước ngoài làm việc trong ngành GD, tại các trường học, cao đẳng và viện ngôn ngữ của Trung Quốc. Nhiều GV nước ngoài tại “quốc gia đông dân nhất thế giới” khẳng định, họ phải làm việc trong tình trạng không được cấp thị thực hợp lệ, khiến một số trường học lợi dụng lỗ hổng đó. Các luật sư cho biết, làn sóng phản đối GV nước ngoài tại Trung Quốc sẽ kéo theo hệ lụy là, GV có khả năng cao bị bóc lột sức lao động.

Bất lợi cho GV nước ngoài

Các luật sư khẳng định, nhiều vụ kiện pháp lý liên quan đến GV nước ngoài đều xuất phát từ việc tiến hành kiểm tra ma túy, thậm chí là khám xét bất ngờ tại nhà riêng và nơi làm việc của họ. Chia sẻ với truyền thông, một GV 25 tuổi giấu tên đến từ Florida vừa bị trục xuất cho biết, anh và một đồng nghiệp đã bị tạm giam sau một cuộc kiểm tra bất ngờ tại nơi làm việc và phát hiện dấu vết của cần sa trên tóc. “Tôi chưa từng sử dụng bất cứ chất gây nghiện nào khi tới Trung Quốc”, người đàn ông khẳng định.

Việc lấy mẫu tóc xét nghiệm có thể phát hiện được cần sa trong khoảng thời gian tối đa là 90 ngày. Điều này cũng có nghĩa là, một số GV đến từ các quốc gia hợp pháp hóa cần sa sẽ là những người có khả năng cao phải chịu thiệt thòi. “Lấy mẫu tóc có thể phát hiện được dấu hiệu sử dụng cần sa từ nhiều tháng trước”, ông Dan Harris, quản lý Công ty Luật Harris Bricken có trụ sở tại Seattle chia sẻ.

Hành vi của các GV nước ngoài tại Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý vào tháng trước, khi 19 công dân nước ngoài, trong đó có 7 nhân viên của EF, đã bị bắt giữ tại thành phố Từ Châu do sử dụng ma túy. Truyền thông Trung Quốc sau đó đã chỉ trích gay gắt hành vi của những GV này; đồng thời, kêu gọi ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực mà các GV nước ngoài mang lại.

Tháng 9/2019, chính phủ Trung Quốc đã phát động chiến dịch rộng rãi, nhằm loại bỏ ảnh hưởng của các nước khác khỏi hệ thống GD, kêu gọi cấm các khóa học lịch sử nước ngoài và yêu cầu sửa đổi sách giáo khoa, tập trung vào hệ tư tưởng cốt lõi của Đảng Cộng sản. Tại thời điểm đó, Bộ GD nước này tuyên bố, những nỗ lực không ngừng này nhằm thúc đẩy các giá trị xã hội và tinh thần yêu nước.

Emily, một GV tiếng Anh 25 tuổi đến từ bang Utah (Mỹ), cho biết một trường học ở thành phố Thành Đô đã giữ hộ chiếu của cô trong 10 tuần và chỉ trả lại khi Emily đe dọa sẽ báo cảnh sát. “Luôn luôn có một cái cớ như, đăng ký thông tin chỗ ở của tôi với cảnh sát hoặc chính quyền để chuyển đổi thị thực. Khi đó, họ chỉ khẳng định đang giữ giấy tờ của tôi ở một nơi an toàn”, Emily chia sẻ.

Trước những thông tin này, nhân viên phòng nhân sự tại ngôi trường nói trên xác nhận, Emily từng làm việc tại trường nhưng từ chối bình luận về vụ việc. Trong một tài liệu mà nữ GV 25 tuổi này nhận được, nhà trường cho biết, do có khoản phí phát sinh nên mức lương mỗi tháng của Emily sẽ bị rút từ 16.000 nhân dân tệ (2.269 USD) xuống 14.800 nhân dân tệ.

Các luật sư cho biết, thực tế, điều này không có gì bất thường. “Nhiều quan chức chính phủ cho rằng, việc loại bỏ những ảnh hưởng của phương Tây sẽ mang lại sự phát triển cho nền GD. Bởi vậy, không ít trường học tại Trung Quốc đang tận dụng điều này”, luật sư Harris chia sẻ.

Các luật sư cho biết, tình trạng phản đối yếu tố nước ngoài trong hệ thống GD Trung Quốc có nghĩa là, công dân từ các nước khác cũng có nhiều khả năng phải đối mặt với các vấn đề khác như: Bị cắt bớt lương, không được cấp thị thực, hay thay đổi điều lệ hợp đồng mà không được báo trước.
Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).