Thông điệp “lằn ranh đỏ”

GD&TĐ - Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga năm nay tập trung vào vấn đề Covid-19, những khó khăn kinh tế của Nga, nhưng đặc biệt đáng chú ý là những cảnh báo “lằn ranh đỏ” với phương Tây. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong Thông điệp liên bang ngày 21/4 trước các chính trị gia và quan chức nhà nước ở thủ đô Moscow,  Tổng thống Putin nhấn mạnh Điện Kremlin muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia, kể cả những quốc gia đã rạn nứt quan hệ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ông Putin cho rằng một số quốc gia đã có thói quen nhằm vào Nga mà không có lý do. “Họ nên nhớ điều này: Phản ứng của Nga sẽ không cân xứng, sẽ cứng rắn và mạnh mẽ” – ông nói. 

Putin cũng nhằm vào những người mà ông gọi là “kẻ xúi giục”. Ông nhấn mạnh bất kỳ ai đe dọa “lợi ích an ninh cơ bản” của Nga sẽ phải “hối tiếc như chưa bao giờ hối tiếc vì điều gì đó”. Ông nói, Nga hành động khiêm tốn để đối mặt với “những hành động không thân thiện” và sự “thô lỗ” của nước ngoài. 

Kết thúc phát biểu, ông Putin cảnh báo các nhà lãnh đạo nước ngoài chớ “vượt lằn ranh đỏ” trong quan hệ với Nga, và nhấn mạnh rằng Nga sẽ là người vạch ra lằn ranh. 

Phát biểu của ông Putin đưa ra trong bối cảnh quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi. Dễ hiểu trong bối cảnh này, Nga sẽ phải có tiếng nói cứng rắn để đối đầu với những thứ mà Nga cho là sức ép từ phương Tây.

Vài tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký mệnh lệnh hành pháp áp dụng trừng phạt với Nga để phản ứng cáo buộc nước này tấn công mạng và can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2020. Nga trục xuất số nhà ngoại giao Mỹ bằng con số Mỹ đã trục xuất, triệu tập đại sứ Mỹ tại Nga và “có cuộc thảo luận khó khăn”.

Thậm chí vài tuần sau đó Đại sứ Sullivan phải trở về Mỹ để tham vấn trong nước. Song cho dù căng thẳng, Nga vẫn nói rằng họ xem đề xuất của Tổng thống Biden về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên là tích cực, và ông Putin đã đồng ý hội đàm với ông Biden bên lề cuộc họp thượng đỉnh khí hậu vào 22/4. 

Bên cạnh đó, những tuần qua, Mỹ và EU đang “nín thở” theo dõi những căng thẳng biên giới giữa Nga với Ukraina, khi phương Tây cáo buộc Nga tập chung hàng chục nghìn quân ở biên giới. Các chuyên gia quân sự và Nhà Trắng cho rằng quân đội Nga đang tập trung ở mức cao nhất tại đây kể từ cuộc xung đột giữa lực lượng Ukraina và quân nổi dậy thân Nga bùng phát năm 2014.

Tuy nhiên Nga nói họ đang tiến hành tập trận dọc biên giới để đáp lại những động thái đe dọa từ NATO. EU mặc dù lo ngại hành vi của Nga và một số thành viên EU là các quốc gia Đông Âu muốn EU trừng phạt, song các thành viên như Đức, Anh, Pháp tỏ rõ ý muốn không làm căng thẳng thêm quan hệ với Nga hiện nay và thông qua đối thoại để tháo gỡ căng thẳng. 

Mỹ cũng muốn NATO gây sức ép với Nga, nhưng châu Âu chắc chắn không muốn, không cần điều đó. Xung đột nếu nổ ra thì Nga có đủ sức mạnh để áp đảo các nước châu Âu, còn Mỹ “nước xa không cứu được lửa gần”.  

Năm ngoái, ông Putin đã công bố đề xuất sửa đổi hiến pháp để mở đường cho việc cầm quyền tới năm 2036. Có những tranh luận khác nhau về ông Putin, một số cho rằng ông là “sa hoàng”, là “độc tài”, nhưng cũng có quan điểm cho rằng việc này vượt qua tham vọng một cá nhân.

Putin hiện là con người duy nhất đủ khả năng dẫn dắt nước Nga duy trì vị thế trước phương Tây, Putin mà “buông” thì Nga cũng sẽ mất đi vị thế của họ. Vì thế, những thông điệp cứng rắn của ông Putin trong phát biểu lần này vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân Nga. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ